NTD "nhọc nhằn" đi chợ vì cơn sốt giá mới

Kinh tếThứ Tư, 03/03/2010 07:45:00 +07:00

(VTC News) – Tại TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng, giá cả sau Tết của nhiều mặt hàng thiết yếu có nguy cơ tiếp tục tăng dù sức mua của người dân chưa "hồi" trở lại.

(VTC News) – Tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM,  giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn đứng ở mức khá cao và có nguy cơ "sốt" lại dù sức mua của người dân vẫn chưa "hồi" lại do chưa thể nới hầu bao sau dịp Tết vừa qua.

TP HCM: Hàng gia dụng, đồ uống,  sữa tăng 6 – 15%

Khảo sát của phóng viên VTC News ở một số chợ tại TP.HCM vào ngày 2/3 cho thấy, nhiều mặt hàng gia dụng và cả lương thực thực phẩm vẫn còn đứng ở mức cao, do ảnh hưởng của việc tăng giá xăng, điện, nước, gas…

Cụ thể, giá heo hơi đã tăng từ 3.000 – 5.000 đồng/kg so với thời điểm cùng kỳ của năm ngoái, đạt mức 43.000 – 45.000 đồng/kg, giá thịt gà sau tết không những giảm mà còn tăng hơn so với mức bình thường từ 2.000 – 5.000 đồng/kg, thịt bò từ 135.000 – 145.000 đồng/kg….

Hàng hóa tăng giá, kéo theo việc người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, sức mua tại các chợ giảm (ảnh: N.D) 

Các mặt hàng nhựa gia dụng, đồ nhôm, đồ inox đều tăng từ 10%- 15% so với đầu tháng. Chị Hiền, kinh doanh quần áo may sẵn tại chợ An Đông cho biết: Chị khai trương cho năm mới từ ngày mùng 6 tết. Thế nhưng, cho đến nay, lượng khách hàng đến mua khá thấp, mà các nhà cung cấp thì hầu hết đều tăng từ 5 – 10%, tùy loại.

 

Tại các siêu thị lớn như hệ thống Big C, hệ thống Coopmart, Maximmart,… giá các loại thức uống tăng 5%, sữa Vinamilk cũng vừa tăng 8%. Các mặt hàng quần áo cũng vừa có thông báo giá tăng từ 5% - 10% đến các nhà bán lẻ.

 

Bà Lê Quang Thục Quỳnh – GĐ Marketing hệ thống Coopmart, cho biết do tác động của tỷ giá USD, một số hãng sữa ngoại cũng đã có thông báo tăng giá sữa từ 6 – 7%.

 

Chị Ngô Hằng (nhân viên Công ty truyền thông AVC) – một người dân vẫn thường hay đi chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) - chia sẻ, cũng như nhà chị, sẽ có nhiều gia đình phải tạm thời siết hầu bao, chờ giá cả ổn định lại: “Trước kia, chỉ cần khoảng từ 50.000 – 60.000 đồng là  tôi có thể mua đầy đủ thức ăn cho cả gia đình (3 – 4 người) với đầy đủ chất dinh dưỡng. Còn vài ngày nay, nếu muốn đi chợ giống vậy, tôi phải bỏ ra từ 80.000 – 90.000 đồng. Gía cả lên, mà lương thì vẫn như cũ… Giờ đi chợ mà sao thấy quá khó khăn”.

 

Tại buổi họp tổng kết tình hình KT-XH 2 tháng đầu năm 2010 tại UBND TP.HCM vào sáng 2/3, trao đổi với PV VTC News, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM bà Nguyễn Thị Hồng khẳng định: “TP HCM sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả tại những đơn vị bán lẻ trong vài ngày tới. Lãnh đạo TP cũng đã giao cho lãnh đạo UBND 24 quận huyên thường xuyên đôn đốc và kiểm soát giá cả tại các ngôi chợ truyền thống. Cục QLTT và các đội trực thuộc sẽ phải có nhiệm vụ thiết chặt việc chống hàng gian, hàng giả.”

 

Hiện TP đã quyết định chi 420 tỷ đồng hỗ trợ cho 13 DN với 8 mặt hàng thiết yếu là gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến và rau củ quả tham gia bình ổn giá thị trường theo quy định của TP trong năm 2010. Các doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ bình ổn giá phải cung ứng hàng hoá đảm bảo chất lượng, số lượng và giá bán thấp hơn giá thị trường ít nhất là 10%, không được tăng giá khi giá của các mặt hàng cùng loại trên thị trường tăng.

 

Bên cạnh đó, năm 2010, TP.HCM sẽ tiếp tục phát triển hệ thống bán buôn bán lẻ với chuỗi cửa hàng - siêu thị bình ổn giá. UBND TP.HCM yêu cầu UBND các quận, huyện sắp xếp mặt bằng để xây mạng lưới cửa hàng, siêu thị để các đơn vị sản xuất.

 

Được biết, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 (tháng Tết) của TP.HCM tăng 1,68% so với tháng trước và tăng 2,97% so với tháng 12 năm 2009. Các mặt hàng có chỉ số giá tăng cao là: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 6,68%; hàng hóa dịch vụ khác tăng 6,23%. Mặc dù sức mua tăng cao, nhưng TP vẫn kiềm giữ được giá các mặt hàng thiết yếu và chỉ số giá tiêu dùng của TP vẫn thấp hơn cả nước (cả nước tháng 2 tăng 1,96% so với tháng trước và tăng 3,35% so với tháng 12/2009).

 

Hà Nội, Đà Nẵng: "Sốt” lại do tăng giá điện, nước

 

Cơn "sốt" thường niên dịp Tết chưa nguôi, nhiều mặt hàng đang dần đứng giá thì nay lại bị đẩy vào cơn sốt lại do giá điện nước cùng tăng.

Cũng trong ngày 2/3, theo ghi nhận của pv VTC News tại một số chợ trên địa bàn quận Ba Đình, Hà Nội như Vĩnh Phúc, Cống Vị, Vĩnh Phúc thì giá cả một số mặt hàng thực phẩm như thịt bò và thịt lợn các loại chưa có biểu hiện tăng giá. Thịt bò thăn có giá 140.000đ/kg, thịt bò mông: 130.000đ/kg, diềm thăn: 90.000đ/kg.

Giá các loại thực phẩm tại các chợ trên địa bàn TP Đà Nẵng đang có những diễn biến nhiều chiều trước sự kiện tăng giá xăng và điện.

Thịt lợn có giá: 65-70.000 đ/kg thịt thăn, 55-60.000đ/thịt ba chỉ hoặc mông sấn, sườn loại ngon (không cục) là 65-70.000đ/kg…

 

Theo anh Hoàn, tiểu thương tại chợ Vĩnh Phúc cho biết: “Hiện giá các loại gia cầm đã giảm khoảng 30% so với trước Tết nhưng trong vài ngày gần đây, đang có xu hướng tăng". Cũng theo anh Hoàn, việc tăng giá này có thể do giá xăng, giá điện tăng.

Còn tại Đà Nẵng, ghi nhận của pv VTC News cũng cho thấy, giá cả các mặt hàng thiết yếu sau Tết vẫn chưa có dấu hiệu giảm mạnh như thông lệ hàng năm. Bên cạnh sự tăng giá nhẹ từ 5-10% của các loại thực phẩm như rau, củ quả được trồng tại các vùng lân cận được bày bán tại các chợ như chợ Hàn, chợ Cồn, Khu B siêu thị B…thì giá các loại rau củ, quả có nguồn gốc từ Đà Lạt đã có dấu hiệu tăng giá, do khan hiếm hàng và chi phí vận chuyển tăng.

 

Cô Tín, sạp hàng rau xanh tại ki-ốt số 119, chợ Hàn cho biết: “Giá các loại rau củ quả có nguồn gốc Đà Lạt đã tăng từ sau Tết do khan hiếm hàng và một phần chi phí vận chuyển tăng. Các loại rau cử quả có nguồn gốc từ các vùng lân cận Đà Nẵng hầu như không tăng giá, nếu có chỉ tăng rất nhẹ từ 3-5%”.

Giá hầu hết các loại bày bán đều tăng giá mạnh 

Cụ thể, các loại rau xanh nhập về từ các vùng lân cận Đà Nẵng có giá tăng 3-5% so với ngày thường như : rau cải xanh có giá 9.000 đồng/kg; rau xà lách 8-9.000 đồng/kg; rau muống có giá 3-5.000 đồng/bó; rau ngót, rau mồng tơi có giá 3-4.000 đồng/bó; cà tím 7.000 đồng/kg; khổ qua có giá 5.000 đồng/kg,...Thì rau quả có nguồn gốc Đà Lạt tăng giá khá mạnh với mức từ 20-30% so với ngày thường. Đơn cử, cà chua Đà Lạt có giá 12.000 đồng/kg, tăng 2-3.000 đồng/kg (tăng 20-25%) so với ngày thường; cà rốt có giá 12.000 đồng/kg, tăng gần 30% so với ngày thường; súp lơ trắng 10-12.000 đồng/bắp, tăng 1-2.000 đồng/bắp; bắp cải 7-8.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg…


Trái ngược với các loại rau củ quả, giá các loại thịt bày bán tại các chợ đã tăng khá mạnh. Theo ghi nhận tại chợ Hàn, thịt heo ba chỉ có giá 100-110.000 đồng/kg, tăng 20-30.000 đồng/kg so với ngày thường; thịt mông 120-130.000 đồng/kg, tăng gần 40.000 đồng/kg so với thường nhật; thịt vai 120-130.000 đồng/kg;… Cá các loại cũng tăng giá từ 5-10.000 đồng/kg so với ngày thường và tùy loại lớn nhỏ, tùy chợ.


Rau xanh giảm giá so với ngày Tết và chưa có biểu hiện tăng giá
Chiều ngày 2/3, khảo sát tại thị trường thực phẩm tại một số chợ trong khu vực Quận Ba Đình (Hà Nội), so với một vài ngày trước, giá các loại thịt và hải sản đã bắt đầu tăng nhẹ trong khi giá rau xanh có chiều hướng giảm.


Trái ngược với các loại rau củ quả, giá các loại thịt bày bán tại các chợ đã tăng khá mạnh. Theo ghi nhận tại chợ Hàn, thịt heo ba chỉ có giá 100-110.000 đồng/kg, tăng 20-30.000 đồng/kg so với ngày thường; thịt mông 120-130.000 đồng/kg, tăng gần 40.000 đồng/kg so với thường nhật; thịt vai 120-130.000 đồng/kg;… Cá các loại cũng tăng giá từ 5-10.000 đồng/kg so với ngày thường và tùy loại lớn nhỏ, tùy chợ.

 

Theo thông tin ghi nhận tại các hãng taxi trên địa bàn TP Đà Nẵng, hiện giá cước taxi trên địa bàn TP vẫn chưa có điều chỉnh tăng. Tuy nhiên, có điều chỉnh trong thời gian đến hay không thì các hãng chưa có kết luận cụ thể và chính thức.

 

Bà Phạm Thị Ngọc Lan, Giám đốc Xí nghiệp Bến xe Trung tâm Đà Nẵng cho biết: “Hiện tại, các doanh nghiệp vận tải vẫn chưa có động tĩnh gì lớn về việc điều chỉnh giá vé vận chuyển, do vẫn còn trong chương trình điều chỉnh giá cước phục vụ Tết. Hơn nữa, do mới điều chỉnh giá xăng và giá điện, nên hiện tại, chúng tôi chỉ mới nhận 5 hồ sơ xin điều chỉnh giá trên tổng số hơn 100 doanh nghiệp vận tải với mức điều chỉnh dao động 5.000 đồng/vé. Tuy nhiên, trong thời gian đến, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ có hồ sơ xin điều chỉnh tăng giá cước do áp lực về giá xăng và giá điện”.

 

Cùng ngày, ông Nguyễn Nho Hậu, Chi Cục Phó Chi cục QLTT TP Đà Nẵng cho biết: “Trước diễn biến tăng giá xăng và giá điện từ 1/3, để bình ổn giá theo chỉ đạo của Chính phủ và UBND TP, chúng tôi đang tiến hành cho lực lượng QLTT tiến hành kiểm tra, rà soát tình hình niêm iết giá công khai trên địa bàn, tránh tình trạng nâng giá, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân”.

 

Nhóm PV VTC News

Bạn có nhận xét gì về thông tin trong bài viết này hay muốn bày tỏ ý kiến về việc tăng giá hàng hóa gần đây? Hãy gửi phản hồi cho chúng tôi vào ô thảo luận cuối bài viết. Trân trọng cảm ơn!

Bình luận