Những phát ngôn 'để đời' của tân TGĐ Viettel

Kinh tếThứ Hai, 24/02/2014 03:51:00 +07:00

(VTC News) - Nhiều lời tuyên bố ấn tượng của tân Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng trong quá khứ đã trở thành sự thật.

Theo thông tin từ Viettel, bắt đầu từ ngày 1/3/2014, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng sẽ chính thức giữ chức vụ Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội thay cho Trung tướng Hoàng Anh Xuân về nghỉ hưu.
viettel 

Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trao quyết định bổ nhiệm Tổng giám đốc Viettel cho Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng. 

 
Theo đánh giá, ông Hùng là một trong những người có đóng góp lớn nhất vào sự thành công của Viettel ngày hôm nay. Không chỉ là doanh nghiệp viễn thông số 1 Việt Nam, Tập đoàn này còn mở rộng phạm vi kinh doanh tại nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Trên cương vị Phó Tổng Giám đốc Viettel từ 1/2010 đến nay, ông Hùng từng đưa ra nhiều tuyên bố ấn tượng về mục tiêu cũng như chiến lược của Tập đoàn này, hầu hết trong số đó đã và đang thành sự thật.
VTC News xin điểm lại những phát ngôn đáng nhớ này:
"Viettel đã chính thức tuyên bố từ bỏ khái niệm nhà mạng viễn thông"
Phát ngôn trên được ông Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra tại Diễn đàn cấp cao Vietnam ICT Summit 2013 hồi tháng 6/2013 vừa qua. Tuyên bố này được coi là lời khẳng định sẽ có sự chuyển mình mạnh mẽ của Viettel cũng như cảnh báo đến các nhà mạng khác của Việt Nam cần phải thay đổi mô hình kinh doanh trước khi quá muộn.
viettel

Viettel từ bỏ khái niệm nhà mạng viễn thông, chuyển sang khái niệm nhà cung cấp dịch vụ

Theo ông Hùng, hiện nghề chính của các hãng viễn thông là cung cấp dịch vụ thoại nhưng dịch vụ này đã có gần 100% người dùng vì vậy với xu hướng hiện nay các doanh nghiệp trong lĩnh vực này sẽ phải từ bỏ nghề chính của mình - nghề alo.
"Kinh doanh alo đã thấm đẫm vào trong những người làm viễn thông 100 năm rồi, và tôi nghĩ rằng có khá nhiều doanh nghiệp viễn thông không chỉ Việt Nam mà cả quốc tế sẽ khó đi qua được giai đoạn chuyển đổi này. Đây là một điều không dễ đối với các nhà mạng" ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
"Viettel đã chính thức tuyên bố từ bỏ khái niệm nhà mạng viễn thông, mà chuyển sang khái niệm nhà cung cấp dịch vụ. Thực ra Viettel đã thực hiện việc chuyển đổi này được gần 2 năm nay.", ông Hùng nhấn mạnh.
Đồng thời, vị tướng Viettel cũng cho biết, hiện số lượng người mà Viettel đầu tư cho phát triển ứng dụng là gần 10.000 người. Đến năm 2015, sẽ có 40% số nhân sự được tập trung vào phát triển các ứng dụng. Viettel xác định là doanh thu mà ngành viễn thông đem lại vào năm 2015 sẽ chiếm khoảng 50% tổng doanh thu của Viettel trên toàn cầu.
Theo phân tích của ông Hùng, hiện nay với các thiết bị các thiết bị đầu cuối, các thiết bị về y tế, các thiết bị điện thoại, cộng với CNTT, tức là xử lý dữ liệu sẽ xâm nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Doanh thu từ lĩnh vực này này sẽ gấp từ 4-5 lần doanh thu của viễn thông.
"Bình dân hóa di động"
Trong những ngày đầu Viettel mới gia nhập thị trường viễn thông, đây là một trong những sách lược được ông Nguyễn Mạnh Hùng đề ra cho định hướng phát triển lâu dài của Viettel. Thay vì tập trung vào những thành phố lớn đang có sự thống trị của VNPT, nhà mạng Quân đội đã chủ động khai thác ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa.

Viettel đã tạo ra cuộc "cách mạng" di dộng tại vùng sâu, vùng xa

Hướng đi của Viettel không chỉ giúp diện phủ sóng đến được nhiều vùng miền hơn mà qua đó còn khiến giá cước di động liên tục hạ trong những năm trở lại đây. Bên cạnh đó, nhiều mẫu điện thoại giá rẻ cũng được Viettel đưa ra nhằm tạo điều kiện cho những người dân thu nhập thấp có cơ hội được tiếp cận với loại hình điện thoại di động.
Cũng chính nhờ sách lược này, Viettel đã có đủ lực để "đánh chiếm" thị trường ở các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM ... Qua đó dần vươn lên dẫn đầu thị trường viễn thông Việt Nam với lần đầu tiên vượt mặt VNPT về doanh thu vào năm 2012.
"Viettel kinh doanh gì cũng phải vào Top 3"
"Thuyền trưởng" của Viettel luôn khẳng định như vậy khi nói về các lĩnh vực và hàng mục kinh doanh của Viettel. Và trong lĩnh vực viễn thông di động, hãng này còn làm được tốt hơn thế khi chính thức vượt mặt VNPT về doanh thu trong 2 năm liên tiếp 2012 và 2013.

 Trong 2 năm liên tiếp (2012, 2013) Viettel đã vượt VNPT về doanh thu


Ở năm 2012, Viettel đạt doanh thu 140.000 tỷ, tăng 18,5% so với năm 2011. Lợi nhuận thu về đạt 27.000 tỷ, vượt kế hoạch đề ra tới 14%. Trong khi đó doanh thu của VNPT chỉ đạt 130.500 tỷ đồng cùng khoản lợi nhuận 8.500 tỷ đồng.
Sang năm 2013, những con số trên còn có độ cách biệt lớn hơn nhiều. Cụ thể, tổng doanh thu của Viettel đã vượt VNPT hơn 43.886 tỷ đồng. Nhà mạng Quân đội có doanh thu hơn 162.000 tỷ đồng, trong khi đó VNPT chỉ là 119.000 tỷ đồng.
Như vậy, sau 3 năm Viettel bám đuổi liên tục VNPT về doanh thu trong các năm 2009, 2010, 2011 và vẫn phải chấp nhận đứng sau, năm 2012 và 2013 đã đánh việc Viettel chính thức vươn lên ngôi vương của thị trường viễn thông Việt Nam.
“2020 doanh thu nước ngoài sẽ lớn hơn trong nước”
Đó là tuyên bố của ông Nguyễn Mạnh Hùng khi nói về mục tiêu được Viettel đặt ra đối với thị trường nước ngoài được nhà mạng này đang tiến hành đầu tư. Và trong năm 2013, lời khẳng định này đã có những thành công bước đầu rất đáng kể khi doanh thu từ ngoại quốc của nhà mạng Quân đội đã đạt mốc 1 tỷ USD.

Viettel đạt doanh thu 1 tỷ USD từ thị trường nước ngoài trong năm 2013

Hiện Viettel đã đầu tư ở 9 nước thuộc 3 châu lục, với tổng dân số 146 triệu người.
Tại các quốc gia như Lào, Campuchia, Mozambique, Haiti… các doanh nghiệp của Viettel đã trở thành doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng mạng lưới, thuê bao và doanh thu lớn nhất.
Mục tiêu của Viettel là đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài để đến năm 2015 sẽ có thị trường lớn hơn trong nước với quy mô thị trường 400 - 500 triệu dân vào 2015 và sẽ đạt quy mô thị trường đạt 1 tỷ dân vào năm 2020.
Bình luận
vtcnews.vn