Những lưu ý không thể bỏ qua khi bài trí bàn thờ ngày Tết

Kinh tếChủ Nhật, 24/01/2016 09:54:00 +07:00

Bàn thờ là vị trị quan trọng nhất trong căn nhà, vì vậy bài trí bàn thờ ngày Tết hợp phong thủy sẽ đem lại may mắn, tài lộc cho gia đình trong cả năm.

Bàn thờ là vị trị quan trọng nhất trong căn nhà, vì vậy bài trí bàn thờ ngày Tết hợp phong thủy sẽ đem lại may mắn, tài lộc cho gia đình trong cả năm.

1. Đặt Thần Phật ở vị trí cao nhất

Đức Phật, Bồ Tát, Quan Công, Tam tinh Phúc - Lộc - Thọ là các vị thần bảo vệ và che chở cho tất cả mọi người nên cần được đặt cao nhất. Chính vì thế mà bài vị của tổ tiên cần được đặt thấp hơn Thần Phật. Nếu nhà bạn chỉ có bàn thờ một cấp thì hãy kê thêm một khối gỗ dưới tượng phật cho cao lên.

 
Theo phong thủy, bạn nên đặt tượng Thần Phật càng sát tường càng tốt, còn bài vị tổ tiên thì nên đặt cách tường một khoảng trống nhỏ, nếu không sẽ ảnh hưởng tới vận mệnh, tiền đồ và công danh sự nghiệp của con cháu.


2. Vệ sinh bàn thờ

Bàn thờ là nơi ngự vị của các bậc tiền nhân trong gia đình, vì thế nó thường được đặt ở vị trí trung tâm và cao nhất trong nhà. Điều này không chỉ để tránh sự va chạm mà còn tránh gió, bụi bặm và côn trùng. Việc lau dọn sạch bàn thờ gia tiên là công việc trước tiên và được thực hiện một cách cẩn thận, tỉ mỉ.

Tết Công việc chăm chút bàn thờ gia tiên là cách để con cháu bày tỏ lòng thành kính. Chổi quét hoặc khăn lau bàn thờ gia tiên thường được dùng riêng, và rất hạn chế sự chung đụng. Nước lau bàn thờ thường được dùng từ nguồn nước sạch sẽ, có người còn dùng nước mưa thậm chí nước nấu từ lá trầu, lá bồ đề để lau.

3. Bàn thờ đặt ở nơi thông thoáng

Không gian đặt bàn thờ phải đủ thông thoáng. Không nên đặt bàn thờ cao quá gây khó khăn cho việc thờ cúng, cũng không nên đặt thấp quá thiếu trang nghiêm. Trong các trường hợp bàn thờ treo hay tủ thờ cao, phải đảm bảo khoảng cách tới trần không quá gần, tránh quẩn khói và gây ám vàng trần. Để khắc phục trường hợp này, bạn có thể gắn một tấm kính phía trên trần.

Ánh sáng trong phòng thờ và trên bàn thờ không nên sử dụng ánh sáng trắng mà nên sử dụng ánh sáng vàng, có cảm giác ấm cúng; nguồn sáng gián tiếp, tránh gây chói. Bạn có thể dùng đèn hắt tường, những bóng đèn nhót, đèn thờ… Bố trí chiếu sáng nên đăng đối theo 2 bên bàn thờ; kiểu dáng, chất liệu của đèn cũng cần phù hợp với tủ thờ và không gian chung, tránh quá màu mè, lòe loẹt…

4. Vị trí bát hương

Trên bàn thờ tổ tiên, ở chính giữa đặt bát hương (tượng trưng cho tinh tú) và trên bát hương có cây trụ để cắm hương vòng (tượng trưng cho trục vũ trụ), hai bát hương khác đặt ở bên trái và bên phải tạo nên tư thế tam tài; ở hai góc ngoài bao giờ cũng có hai cây đèn dầu (hoặc nến) tượng trưng cho mặt trời bên trái và mặt trăng ở bên phải.

5. Bày mâm ngũ quả

Việc bày mâm ngũ quả xuất phát từ lý thuyết về ngũ hành: thuỷ - hỏa - mộc - kim - thổ những yếu tố tạo nên vũ trụ và sự vận hành của nó. Thông thường ngũ quả gồm 5 loại quả có các màu khác nhau như chuối xanh, bưởi vàng, hồng đỏ, lê trắng, quýt da cam tượng trưng cho mong ước: Phú (giàu có) - quý (sang trọng) - thọ (sống lâu) - khang (khỏe mạnh) - ninh (bình yên).

Mỗi một miền lại có một quan niệm riêng về ý nghĩa mâm ngũ quả. Người Nam bộ có cách đọc chại âm hay đơn tiết hóa một số từ, ví dụ chỉ tên trái mãng cầu thì gọi đơn tiết hóa là Cầu (mãng cầu: thoả mãn trong sự cầu xin) - Sung (sung: chỉ sự sung túc, sung mãn) - Vừa (đọc chệch âm là dừa: quả dừa) - Đủ (đơn tiết hóa của đu đủ và xài (là cách đọc chệch của âm xoài).

Trong khi đó, người miền Bắc hướng đến ý nghĩa biểu trưng nhiều hơn, quả phật thủ hay nải chuối như bàn tay che chở của đức phật cho tất cả mọi người; quả bưởi, dưa hấu thể hiện cho sự đầy đặn, trọn vẹn căng đầy sức sống; màu sắc thắm tươi của quýt, hồng tượng trưng cho sự may mắn, phồn thịnh cát tường.

Ngọc Vy(tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn