Những dự án tranh chấp 'nảy lửa' đình đám nhất năm 2015

Kinh tếThứ Tư, 23/12/2015 07:02:00 +07:00

Năm 2015 vẫn là năm sóng gió đối với nhiều chủ đầu tư bất động sản khi những tranh chấp "nảy lửa" vẫn diễn ra tại nhiều khu chung cư.

Năm 2015 vẫn là năm sóng gió đối với nhiều chủ đầu tư bất động sản khi những tranh chấp "nảy lửa" vẫn diễn ra tại nhiều khu chung cư.

1. Thăng Long Garden 250 Minh Khai

Một trong những vụ tranh chấp gay gắt nhất trong năm 2015 có thể kể đến là tranh chấp tại dự án Thăng Long Garden (250 Minh Khai, Hà Nội).

Dự án Thăng Long tại thời điểm cưỡng chế phá dỡ. Ảnh: Châu Anh
Dự án Thăng Long tại thời điểm cưỡng chế phá dỡ. Ảnh: Châu Anh 
Sự việc bắt đầu được cư dân phản ánh từ hồi đầu năm 2014, tuy nhiên phải đến năm 2015, sau khi Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị trực tiếp chỉ đạo xử lý nghiêm các công trình trái phép xây trên đất vườn hoa, cây xanh tại dự án này thì quá trình triển khai thực hiện mới được đẩy nhanh tiến độ.


Đầu tháng 7/2015, UBND phường Minh Khai đã ban hành 4 Quyết định cưỡng chế phá dỡ đối với các công trình xây dựng vi phạm quy hoạch được duyệt, bao gồm: Khu nhà 3 tầng có tổng mặt bằng xây dựng 554,13m2 (QĐ số 131); khu nhà 1 tầng, rộng 474,3m2 (QĐ số 132); khu nhà ăn rộng 40,53m2 (QĐ số 133); Khu nhà 3 tầng, rộng 112,14m2 (QĐ số 134).

Trong tháng 8/2015, Công ty CP May Thăng Long - chủ đầu tư dự án đã phá dỡ phần kết cấu của hai công trình vi phạm là nhà ăn 2 tầng và nhà kho bê tông cốt thép. Tuy nhiên, 2 công trình vi phạm còn lại khiến dư luận bức xúc là Khu nhà 3 tầng (Trụ sở Ban QLDA) và Trạm điện thì vẫn tồn tại, trong khi những công trình trên đều đã có Quyết định cưỡng chế và buộc phải tháo dỡ theo Kết luận của Thanh tra Bộ Xây Dựng, cùng kết quả kiểm tra của Sở Xây dựng.

Đến cuối tháng 11/2015, việc phá dỡ hoàn toàn 4 công trình sai phạm trên diện tích đất cây xanh và vườn hoa đã được hoàn thành.

2. Chung cư Sky City 88 Láng Hạ, Hà Nội

Chung cư 88 Láng Hạ
Chung cư 88 Láng Hạ 
Chung cư cao cấp Sky City 88 Láng Hạ, Hà Nội có vị trí vàng, do Công ty TNHH Hanotex làm chủ đầu tư. Thời điểm cách đây khoảng 5 năm, để sở hữu được một căn hộ cao cấp tại tòa nhà này, khách hàng phải bỏ ra số tiền không hề nhỏ vào khoảng 7 - 10 tỷ đồng.


Tuy nhiên, theo phản ánh của cư dân, trong suốt 5 năm qua, cuộc sống của họ vẫn bất an khi cuộc chiến giữa cư dân và chủ đầu tư liên tục leo thang và không có tín hiệu cho thấy có hồi kết.

Cư dân tòa nhà cho biết, hiện chủ đầu tư vẫn chiếm dụng nhiều tỷ đồng quỹ bảo trì, không trả cho cư dân, trong khi nhiều hạng mục, máy móc của tòa nhà đã xuống cấp nghiêm trọng.

Đáng chú ý nhất là việc tranh chấp lối đi tại dự án này, một dự án cao cấp với nhiều căn hộ cả nửa triệu đô la nhưng lối đi trong suốt 5 năm qua, chủ đầu tư tiết lộ là do họ đi thuê lại và cư dân chỉ được "mượn tạm". Hiện lối đi vào dự án chỉ rộng khoảng hơn 3m và phải đi chung với dãy nhà khác...

Cũng theo tố cáo của cư dân, chủ đầu tư đã cố tình xây dựng sai phép nhiều hạng mục công trình của dự án, tiêu biểu như: Tự ý cơi nới xây thêm các căn hộ penthouse tại tầng kỹ thuật mái và tầng mái của cả 2 tòa nhà A và B; Sử dụng một nửa diện tích tầng kỹ thuật tòa nhà B để làm văn phòng cho thuê; phá thang đi bộ và sữa chữa sai thiết kế để bịt lối đi xuống của cư dân,...

Thậm chí, khi có văn bản của Sở Xây dựng yêu cầu xử lý vi phạm nhưng chủ đầu tư dự án này vẫn chây ỳ, phớt lờ không thực hiện.

Sự việc được nóng lên khi ban quản trị tòa nhà đã gửi văn bản về sai phạm của chủ đầu tư đến các cơ quan chức năng và báo chí. Dư luận đã chứng kiến một cuộc chiến trên cả truyền thông lẫn ngoài thực tế khi hàng trăm cư dân đã tiến hành biểu tình ngay tai sân giữa 2 tòa chung cư này.

3. Chung cư Era Town (quận 7 - TP.HCM)

Dự án Thăng Long Number One
Dự án Thăng Long Number One 
Sau nhiều lần đề nghị chủ đầu tư giải quyết tranh chấp liên quan đến việc sử dụng phí bảo trì chung cư, sáng ngày 20/12, nhiều cư dân Era Town (quận 7) đã tổ chức xuống đường yêu cầu chủ đầu tư là công ty Đức Khải và Ban quản lý chung cư làm rõ việc sử dụng phí bảo trì chung cư và việc bầu Ban quản trị. Được biết, đây là lần thứ 4 cư dân tổ chức tuần hành phản đối việc thu phí bảo trì, hội nghị nhà chung cư. Theo cư dân ở đây, Ban quản lý chung cư đã không minh bạch đối với khoản tiền quỹ bảo trì ước tính lên đến hàng chục tỷ đồng.


Trước đó, trong cuộc họp với cư dân hồi tháng 9/2015 ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch HĐQT Đức Khải, từng thừa nhận đã trưng dụng khoản tiền phí bảo trì 2% vào mục đích kinh doanh và hứa sẽ bàn giao lại quỹ kèm lãi suất phát sinh.

4. Chung cư Thăng Long Number One, Hà Nội

Dự án chung cư Thăng Long Number One được phê duyệt từ 2009, tổng thể khu đất 39.062m2, gồm 5 khối nhà: 1 khối văn phòng làm việc 17 tầng, 2 khối nhà ở cao 40 tầng (tòa A và tòa B –giai đoạn 2); 1 khối văn phòng 25 tầng và 1 khối nhà ở 30 tầng (giai đoạn 3).

Giai đoạn 2 của dự án gồm 2 khối nhà chung cư 40 tầng cùng với các hạng mục khu tiểu cảnh, vườn cây cùng khu sân chơi trẻ em tại trước tòa nhà A.

Khi chủ đầu tư chuẩn bị triển khai giai đoạn 3, cư dân mua nhà mới tá hỏa được biết chủ đầu tư sẽ phá dỡ toàn bộ khu sân chơi và tiểu cảnh để phục vụ thi công xây dựng. Do vậy cư dân đã đấu tranh, phản ánh tới chủ đầu tư dự án này là Tổng công ty Viglacera việc mập mờ thông tin liên quan đến quy hoạch dự án kể trên.

Được biết, tại cuộc họp hồi tháng 9 vừa qua, sau nhiều lần đấu tranh của cư dân, họp bàn liên quan, chủ đầu tư dự án đã quyết định giao thiết kế lập lại quy hoạch giai đoạn 3 của dự án, trình các cơ quan chức năng xem xét phê duyệt thay đổi quy hoạch theo hướng giữ lại khu vui chơi và tiểu cảnh như hiện nay cho cư dân.

Ngọc Vy(tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn