Những điều cần biết về bệnh chậm phát triển tâm thần

Bệnh và thuốcThứ Sáu, 11/11/2022 08:00:00 +07:00
(VTC News) -

Chậm phát triển tâm thần (CPTTT) là nhóm bệnh lý có bệnh cảnh lâm sàng giống nhau, thể hiện sự sa sút tâm thần bẩm sinh hay mắc phải trong những năm đầu đời.

Chậm phát triển tâm thần là rối loạn đa dạng, có mức độ thông minh dưới mức trung bình và rối loạn các kỹ năng thích ứng như khả năng nhận thức, ngôn ngữ, vận động và các năng lực hoạt động xã hội, thông thường có biểu hiện trước 18 tuổi.

Những điều cần biết về bệnh chậm phát triển tâm thần - 1

Trẻ chậm phát triển tham gia lớp học.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới bệnh CPTTT ở trẻ mà chúng ta có thể biết như:

  • Các yếu tố di truyền hoặc các yếu tố khác ảnh hưởng đến sức khỏe của cha, mẹ trước thời kỳ mang thai
  • Hay bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc, tác động của các tia vật lý, thuốc hóa học
  • Chấn thương sọ não, yếu tố gây thiếu oxy cho thai nhi hoặc rối loạn nội tiết ở mẹ trong thời kỳ mang thai
  • Đẻ thiếu tháng, ngạt thai, các chấn thương sản khoa.
  • Nhiễm khuẩn, viêm màng não, chấn thương sọ não, rối loạn nội tiết, chuyển hóa ảnh hưởng đến não
  • Thiếu sót ở các giác quan (mù, câm, điếc...) hoặc thiếu các kích thích tâm lý xã hội và các điều kiện chăm sóc giáo dục dẫn tới bệnh CPTTT ở trẻ.

Tuy nhiên vẫn có những trường hợp CPTTT chưa rõ nguyên nhân (khoảng 75% các trường hợp CPTTT không tìm thấy yếu tố sinh học chuyên biệt) hoặc các nguyên nhân đặc biệt khác như bất thường về sinh học, nhiều nhất là rối loạn nhiễm sắc thể và rối loạn chuyển hóa (chiếm khoảng 25% các trường hợp CPTTT).

Các mức độ biểu hiện của CPTTT 

Những điều cần biết về bệnh chậm phát triển tâm thần - 2

Bệnh nhân chậm phát triển tham gia vào các buổi hướng dẫn.

  •  CPTTT mức độ nhẹ (chỉ số IQ từ 57-70):

Đây là một nhóm có thể học tập được (theo học ở trường phổ thông cho đến khoảng lớp 6). Các rối loạn biểu hiện không rõ rệt. Bệnh nhân có thể phát triển các kỹ năng về quan hệ xã hội ở giai đoạn trước tuổi đi học, rất khó phân biệt với trẻ bình thường khác lúc còn bé, hầu hết có khả năng tự phục vụ, tự chăm sóc bản thân.

  • CPTTT mức độ trung bình (chỉ số IQ từ 35-49):

Hầu hết bệnh nhân biết nói và học được cách tự chăm sóc bản thân, nhưng phải có người giúp đỡ. Một số đối tượng có thể học nghề được.

Ở giai đoạn trước khi đi học, bệnh nhân có thể nói hoặc học được cách quan hệ, nhưng thường ít hiểu biết các quy tắc xã hội. Họ tự chăm sóc bản thân và cần có sự giám hộ vừa phải của người khác.

Ở tuổi trưởng thành, bệnh nhân có thể làm được một số việc đơn giản nhưng phải có người giám sát chặt chẽ. Họ không thể sống độc lập hoàn toàn, nhưng có thể thực hiện quan hệ giao tiếp và hoạt động xã hội đơn giản được.

  • CPTTT mức độ nặng (chỉ số IQ từ 20-34):

Ở giai đoạn trước tuổi đi học, bệnh nhân thường kém phát triển về vận động và ngôn ngữ, rất ít hoặc không có khả năng giao tiếp. Sự phát triển của bệnh nhân thường là rất chậm, có thể không có khả năng học nghề.

Ở giai đoạn đi học, họ có thể học nói và hiểu những vấn đề sơ đẳng nhất. Khi trưởng thành, họ có thể có vài hoạt động đơn giản và một số hoạt động xã hội rất hạn chế.

Những điều cần biết về bệnh chậm phát triển tâm thần - 3

Ảnh sinh hoạt của bệnh nhân.

  • CPTTT mức độ trầm trọng (chỉ số IQ<20):

Ở giai đoạn trước tuổi đi học, người mắc bệnh rất kém phát triển về chức năng vận động, ở tuổi đi học họ có một vài phát triển về vận động và có thể tiếp thu được những sự hướng dẫn tối thiểu về chăm sóc thân thể. Nhìn chung, người bệnh khó có thể hiểu và tuân theo các yêu cầu hoặc chỉ dẫn, không tự chủ và chỉ có khả năng giao tiếp phi ngôn ngữ thô sơ.

Những điều cần biết về bệnh chậm phát triển tâm thần - 4

Bác sĩ đang can thiệp dạy trẻ.

Điều trị, phục hồi chức năng

Phương pháp điều trị có thể kể đến là sử dụng hóa dược. Việc chỉ định thuốc cho bệnh nhân CPTTT đóng vai trò thứ yếu, chỉ điều trị khi bệnh nhân có rối loạn tâm thần nặng, tùy theo triệu chứng lâm sàng để chỉ định thuốc giống như­ các bệnh nhân khác. Điều trị th­ường áp dụng các liệu trình ngắn, tùy từng bệnh nhân cũng có thể dùng thuốc trong một thời gian dài.

Những điều cần biết về bệnh chậm phát triển tâm thần - 5

Bác sĩ đang trao đổi tình hình với bệnh nhân.

Ngoài ra, các bệnh nhân sẽ được tham gia chương trình giáo dục gồm hư­ớng dẫn sinh hoạt hàng ngày: vệ sinh cá nhân, quét dọn nhà cửa, nấu ăn; học văn hóa: đọc, viết, tính đơn giản; được tham gia hư­ớng nghiệp: hư­ớng dẫn cho trẻ một số nghề thủ công đơn giản, phù hợp với sở thích, sức khỏe và hoàn cảnh kinh tế. Phương pháp dạy chủ yếu là trực quan, lặp lại nhiều lần và kết hợp các ph­ương pháp khác như liệu pháp tâm lý, hội hoạ, âm nhạc...

Bệnh viện Tâm thần Hà Nội là bệnh viện hạng I, đầu ngành tâm thần của TP Hà Nội, có nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tâm thần cho nhân dân Thủ đô với quy mô 450 giường bệnh nội trú và quản lý, điều trị cho trên 10.000 bệnh nhân tại cộng đồng.

Trên 65% thầy thuốc có trình độ sau đại học, luôn cập nhật kiến thức, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chẩn đoán và điều trị. Chất lượng công tác chuyên môn ngày một nâng cao và đã trở thành một địa chỉ tin cậy trong chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân dân Thủ đô và các vùng lân cận.

BỆNH VIỆN TÂM THẦN HÀ NỘI - HANOI MENTAL HOSPITAL

Địa chỉ: Ngõ 467, đường Nguyễn Văn Linh, phường Sài Đồng, Quận Long Biên, TP Hà Nội

Hotline: 0967301616

Bảo Anh
Bình luận
vtcnews.vn