Những chính sách thuế - phí - lệ phí có hiệu lực trong tháng 2/2014

Kinh tếThứ Sáu, 21/02/2014 03:37:00 +07:00

Một số chính sách nổi bật trong lĩnh vực thuế - phí - lệ phí có hiệu lực kể từ tháng 2/2014.

Một số chính sách nổi bật trong lĩnh vực thuế - phí - lệ phí có hiệu lực kể từ tháng 2/2014.

* Nghị quyết 712/2013/UBTVQH13 về biểu mức thuế suất thuế tài nguyên có hiệu lực từ 1/2/2014. Theo đó mức thuế suất đối với một số tài nguyên sẽ tăng như: sắt, ti-tan, vôn-phờ-ram, đồng, đá, sỏi, cát, cát làm thủy tinh, đất làm gạch, a-pa-tít, than an-tra-xít hầm lò, than an-tra-xít lộ thiên, than nâu, than mỡ, than khác, nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện, đá hoa trắng.... 

* Thông tư 201/2013/TT-BTC hướng dẫn áp dụng Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong quản lý thuế, có hiệu lực thi hành từ 5/2/2014. Các điểm đáng lưu ý: APA có hiệu lực trong thời gian tối đa 5 năm và có thể được gia hạn thêm nhưng không quá 5 năm.

Đối tượng áp dụng APA là các tổ chức, đơn vị có quan hệ liên kết trong một DN, tập đoàn kinh tế hoạt động tại nhiều địa bàn khác nhau; các tổ chức, đơn vị có mối quan hệ là cơ sở thường trú và trụ sở chính của DN.

Các giao dịch được áp dụng APA: mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, chuyển giao hoặc chuyển nhượng hàng hóa, dịch vụ trong quá trình kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết (trừ các giao dịch liên quan đến hàng hoá, dịch vụ thực hiện bình ổn giá theo quy định của pháp luật về giá).

Nếu đã nộp tờ khai quyết toán thuế TNDN cho những năm áp dụng APA trước khi ký APA, người nộp thuế phải khai bổ sung khai quyết toán thuế TNDN để điều chỉnh thu nhập chịu thuế cho phù hợp với mức giá, tỷ suất lợi nhuận gộp, tỷ suất sinh lời trong 30 ngày kể từ ngày APA được ký kết (trừ trường hợp đã có quyết định kiểm tra, thanh tra thuế).

* Thông tư 205/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với loại thuế đánh vào thu nhập và tài sản giữa Việt Nam với các nước và vùng lãnh thổ có hiệu lực thi hành tại Việt Nam. Thông tư này có hiệu lực từ 6/2/2014. Trong đó quy định một số trường hợp bị từ chối áp dụng Hiệp định, bao gồm:

Người đề nghị đề nghị áp dụng Hiệp định đối với số thuế đã phát sinh quá ba năm trước thời điểm đề nghị áp dụng Hiệp định.

Khi mục đích chính của các hợp đồng hoặc các thỏa thuận là để được hưởng miễn hoặc giảm thuế theo Hiệp định.

Người đề nghị áp dụng Hiệp định không phải là người chủ sở hữu thực hưởng của khoản thu nhập mà số thuế liên quan đến khoản thu nhập đó được đề nghị miễn, giảm theo Hiệp định. Trường hợp không được coi là một người chủ sở hữu thực hưởng được quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 6 của Thông tư.

 * Hai Thông tư liên lịch hướng dẫn về thu nộp thuế thu nhập cá nhân đối với người lao động thuộc CAND, Bộ Quốc phòng tại Thông tư liên tịch 206/2013/TTLT-BTC-BCA  có hiệu lực 7/2/2014 và Thông tư liên tịch 212/2013/TTLT-BTC-BQP có hiệu lực 12/2/2014.

* Nghị định 218/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp có hiệu lực từ 15/2/2014 có một số điểm lưu ý:

- Đối với thu nhập từ chế biến, chế tạo sản phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản không thuộc thu nhập được miễn thuế, HTX, DN phải hạch toán riêng phần này để xác định số thuế TNDN được miễn thuế.

Trường hợp không hạch toán riêng được thì thu nhập được miễn thuế được xác định theo tỷ lệ giữa chi phí của hoạt động được miễn thuế với tổng chi phí sản xuất kinh doanh của cơ sở trong kỳ tính thuế.

Các khoản chi bằng tiền mặt được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế: Chi thu mua một số loại hàng hóa, dịch vụ được phép lập Bảng kê; Chi mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị dưới hai mươi triệu đồng; Chi thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nơi làm việc, hỗ trợ phục vụ cho hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp.

* Thông tư 02/2014/TT-BTC hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND cấp tỉnh, từ 17/2/2014, HĐND cấp tỉnh được phép tăng một số khoản phí, lệ phí tại địa phương nếu chỉ số giá tiêu dùng cả nước biến động trên 20%.

Đối với các loại phí, lệ phí mà Thông tư không quy định mức thu tối đa thì HĐND được phép quy định mức cụ thể cho phù hợp với địa phương mình.

* Thông tư 215/2013/TT-BTC hướng dẫn về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế sẽ có hiệu lực từ 21/2/2014, theo đó:

Đối tượng bị cưỡng chế phải chịu mọi chi phí cho các hoạt động cưỡng chế thuế. Chi phí cưỡng chế sẽ được tạm ứng trước từ ngân sách nhà nước. Mức tạm ứng không bị giới hạn (trước đây chỉ được tạm ứng không quá 30 triệu đồng).

Bỏ các trường hợp được miễn, giảm chi phí cưỡng chế.

Quy định trình tự cụ thể về thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng.

Ngoài các văn bản trên còn có một số Thông tư về thuế, phí và lệ phí cũng có hiệu lực trong tháng 2/2014 như:

Thông tư 197/2013/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ 2 trạm thu phí Ninh An và Bàn Thạch, quốc lộ 1, có hiệu lực từ ngày  5/2/2014.

Thông tư 202/2013/TT-BTC về mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng lệ phí phân bổ và phí sử dụng kho số viễn thông, có hiệu lực từ ngày 6/2/2014.

Thông tư 204/2013/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí quản lý chất lượng trong nuôi trồng thủy sản, có hiệu lực từ ngày 10/2/2014.

Thông tư 216/2013/TT-BTC sửa đổi Thông tư 38/2011/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng phí hoạt động chứng khoán áp dụng tại tổ chức kinh doanh dịch vụ chứng khoán, có hiệu lực từ ngày 15/2/2014.

Theo Thời báo tài chính VN
Bình luận
vtcnews.vn