Những ai mắc cúm có nguy cơ trở nặng?

Tư vấnChủ Nhật, 07/08/2022 14:29:49 +07:00
(VTC News) -

Các bác sĩ đưa ra cảnh báo về những trường hợp mắc cúm có nguy cơ trở nặng.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương mới đây tiếp nhận một bệnh nhân nữ (40 tuổi, ở huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Bệnh nhân được bệnh viện tuyến dưới chuyển đến với chẩn đoán suy hô hấp, cúm, viêm phổi.

Người nhà bệnh nhân cho biết, chị sốt cao, gai rét liên tục kèm theo ho khạc đờm, đau mỏi cơ, đau nặng đầu, không nôn, tức ngực khó thở tăng dần. Chị vào điều trị tại bệnh viện tuyến dưới một ngày không cải thiện và được chuyển lên tuyến trên.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, người phụ nữ bị suy hô hấp, viêm phổi, thở oxy kính, thở mặt nạ oxy và đặt ống thở máy. Người bệnh không đáp ứng với thở máy, các bác sĩ đặt ECMO.

Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện cho biết, bệnh nhân được chẩn đoán cúm A trên nền suy tủy. Hiện bệnh nhân đang an thần, thở máy, phụ thuộc vào ECMO.

Những ai mắc cúm có nguy cơ trở nặng? - 1

Những người có yếu tố nguy cơ cần tiêm phòng cúm hàng năm. (Ảnh minh họa)

“Bệnh nhân nhiễm cúm A trên nền suy giảm miễn dịch sẽ nặng hơn bệnh nhân thường. Nhóm người có yếu tố nguy cơ khi mắc cúm A là những người trên 65 tuổi, bệnh nhân mắc các bệnh nền về tim mạch, hô hấp, tiểu đường, các bệnh lý về máu, trẻ em dưới  2 tuổi, phụ nữ mang thai…”, Bác sĩ Phúc cho hay.

Theo các chuyên gia từ Hệ thống tiêm chủng VNVC, virus cúm khởi động quá trình bão cytokine, từ đó làm nứt vỡ mảng xơ vữa động mạch. Virus cúm cũng làm tim đập nhanh, thiếu oxy, viêm cấp, giải phóng cytokine, co thắt mạch, nứt vỡ mảng xơ vữa, hình thành huyết khối, từ đó dẫn đến nhồi máu cơ tim.

Biến chứng viêm phổi thường gặp ở đối tượng là trẻ em, người trên 65 tuổi, người mắc bệnh mạn tính, đặc biệt bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, bệnh mạch vành, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch.

Ngoài ra, bệnh còn gây ra viêm tai giữa, viêm xoang, nhiễm trùng đường tiết niệu. Cúm A có thể tiến triển nặng với các triệu chứng như sốt cao, khó thở, tím tái, phù phổi do suy tim.

Bệnh dễ chuyển thành ác tính đối với các trường hợp có tiền sử mắc các bệnh mạn tính, suy giảm đề kháng, miễn dịch như suy thận, đái tháo đường, người nghiện rượu, phụ nữ có thai, người già, trẻ nhỏ.

Biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh cúm mùa là hội chứng Reye (gây sưng tấy trong gan và não). Mặc dù hội chứng này rất ít gặp nhưng biến chứng rất trầm trọng và tỷ lệ tử vong rất cao.

Hội chứng Reye thường gặp nhất ở trẻ từ 2 đến 16 tuổi, vài ngày sau khi bị cúm. Khi các triệu chứng của cúm có vẻ như đang bớt dần, trẻ đột nhiên buồn nôn và nôn mửa. Sau đó khoảng 1-2 ngày, trẻ chuyển mê sảng, co giật rồi đi dần vào hôn mê và tử vong.

Bệnh cúm ở phụ nữ mang thai hay gây biến chứng phổi hoặc sẩy thai. Nếu mắc trong 3 tháng đầu có thể gặp bệnh lý ở thai nhi, nhất là bệnh lý về hệ thần kinh trung ương, không gây quái thai.

Cách phòng tránh

Để phòng tránh cúm A, bác sĩ Phúc khuyến cáo, những người có yếu tố nguy cơ cần tiêm phòng cúm hàng năm. Với bệnh nhân yếu tố nguy cơ trở nặng khi bị nhiễm cúm A thì không nên tự điều trị mà nên đến các cơ sở y tế khám để được tư vấn chuyên khoa, cùng theo dõi và chỉ định phù hợp.

Bác sĩ Trần Tiến Tùng - Chuyên khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Medlatec chia sẻ, việc điều trị cúm chỉ dễ dàng và hiệu quả khi được phát hiện sớm, vì nếu không bệnh có thể gây biến chứng viêm xoang, viêm tai, nặng hơn là suy đa cơ quan. Để tránh biến chứng có thể xảy ra do cúm, bác sĩ Tùng lưu ý người bệnh cần nhớ những điều sau.

- Xét nghiệm chẩn đoán cúm: Là chỉ số đầu tay và bắt buộc để chẩn đoán chính xác mắc cúm hay không. Việc này có ý nghĩa quan trọng, mang tính quyết định chăm sóc và chữa trị cho bệnh nhân. Hiện nay việc chẩn đoán bệnh cúm diễn ra rất thuận lợi, dễ dàng bằng các chỉ số xét nghiệm. Vì vậy, khi thấy dấu hiệu của bệnh cúm người dân nên đến cơ sở y tế để được thăm khám, xét nghiệm kịp thời.

- Thời gian làm xét nghiệm: Nếu xuất hiện các dấu hiệu của cúm như ho, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, hắt xì, đau họng, sốt, đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, nhức mỏi cơ thể thì sau sốt 24h là thời điểm thích hợp nhất có thể làm xét nghiệm biết bị cúm hay không.

- Tuân thủ hướng dẫn, kê đơn: Cúm chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bệnh cần uống thuốc theo đơn bác sĩ hướng dẫn.

- Thời gian khỏi bệnh: Người bệnh không nên quá lo lắng khi mắc cúm, bởi thông thường bệnh nhân hồi phục hoàn toàn sau vài ngày và hết hẳn các triệu chứng sau 1 - 2 tuần.

- Chế độ dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt: Bổ sung nước (vì nước giải độc cho cơ thể người bệnh, làm loãng dịch gây tắc nghẽn mũi và ngăn ngừa nhiễm trùng cơ thể); ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu và nhiều dinh dưỡng (cháo, súp gà); bổ sung thực phẩm giàu kẽm (thịt bò, tôm, hàu, sò, thịt gà, ngũ cốc, yến mạch...); ăn các loại rau củ quả; thêm gừng, tỏi khi chế biến đồ ăn; ăn các loại trái cây giàu vitamin C tăng hệ miễn dịch (cam, quýt, bưởi).

Thanh Hải
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp