Nhiều học sinh cấp 2 Hà Nội thản nhiên đi học bằng xe máy điện bất chấp luật cấm

Tin tức - Sự kiệnThứ Tư, 13/03/2024 15:37:00 +07:00
(VTC News) -

Theo quy định, người đủ 16 mới được đi xe máy điện nhưng tình trạng học sinh cấp 2 ở Hà Nội sử dụng loại xe này ngày càng nhiều, ngang nhiên bất chấp luật.

Nhiều học sinh Hà Nội thản nhiên đi học bằng xe máy điện bất chấp luật cấm.

Sau giờ tan học, trước cổng trường THCS Nguyễn Trãi, quận Hà Đông (Hà Nội) nhiều học sinh độ tuổi 11 - 15 không đội mũ bảo hiểm, đèo ba, ngang nhiên điều khiển các loại xe máy điện tốc độ cao. 

Khi được hỏi về quy định độ tuổi điều khiển xe máy điện, đa số học sinh đều phản ứng bối rối, trả lời “Em không biết”. Một số em lí nhí: “Em biết, nhưng bố mẹ mua cho thì vẫn đi bình thường”.

Nhiều học sinh còn khẳng định chắc như đinh đóng cột hành vi điều khiển xe máy điện của mình là hoàn toàn đúng với lý do đơn giản "trường không cấm". 

Xe máy điện này đều do bố mẹ mua, đứng tên đăng ký và giao cho các con sử dụng, trong đó có em chỉ học lớp 6.

Nhiều học sinh cấp 2 Hà Nội thản nhiên đi học bằng xe máy điện bất chấp luật cấm - 1
Nhiều học sinh cấp 2 Hà Nội thản nhiên đi học bằng xe máy điện bất chấp luật cấm - 2

Học sinh trường THCS Nguyễn Trãi đi xe máy điện, đèo ba.

Không chỉ khu vực cổng trường THCS Nguyễn Trãi, nhiều trường THCS khu vực Hà Đông, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng cũng ghi nhận tình trạng tương tự.

Cô Nguyễn Thị Xinh, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Trãi (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, trường đã tuyên truyền phổ biến các quy định an toàn giao thông đến các khối lớp, nhưng việc tuân thủ của học sinh vẫn chưa triệt để.

“Nhà trường nhiều lần nhắc nhở trong các buổi chào cờ, thậm chí ký cam kết với phụ huynh và học sinh về việc chấp hành luật giao thông, nhưng nhiều gia đình vẫn nuông chiều, cho phép các em đi những loại xe chưa phù hợp", cô Xinh nói.

Hầu hết học sinh gửi xe phía ngoài trường nên trường khó kiểm soát được từng cá nhân để có biện pháp răn đe. Nhiều em còn cởi áo đồng phục cho vào balo trước khi điều khiển xe máy điện để không bị lọt vào mắt thầy cô khi di chuyển trên đường.

Sai một li đi một dặm

Chuyên gia giao thông, TS Khương Kim Tạo nhận định, học sinh THCS là độ tuổi mới lớn, khi sở hữu xe máy điện đẹp, đắt tiền, nhiều em muốn chứng tỏ bản thân, phóng nhanh lạng lách, vui đùa với bạn bè, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông r.

“Bên cạnh đó, các em còn ít tuổi, chưa đủ cẩn thận trong việc bảo quản xe máy điện, có thể dẫn tới cháy nổ do sạc pin quá lâu, không đúng cách hay bảo quản trong môi trường nhiệt độ cao… đôi khi sai một li là đi một dặm”, chuyên gia cảnh báo.

Thời gian qua trên cả nước xảy ra nhiều vụ việc học sinh điều khiển xe điện khi chưa đủ tuổi dẫn tới các hậu quả thương tâm. Điển hình, đầu tháng 8/2023, tại thị xã Bến Cát (tỉnh Bình Dương) vụ tai nạn giao thông làm một em tử vong, hai em bị thương. Em H (11 tuổi) điều khiển xe điện chở hai bạn do đùa giỡn và không chú ý quan sát đã va chạm với ô tô tải đang đỗ sát lề đường bên phải.  

Trường hợp của em N.H.V. (14 tuổi, Bắc Ninh) đi xe máy điện đến trường, dàn hàng hai cùng bạn, vừa đi vừa nô đùa khiến hai xe mắc vào nhau nên bị ngã. V. bị xe ô tô tải trở sắt, vật liệu xây dựng đi phía sau lao vào người, phải nhập viện cấp cứu.

2 học sinh điều khiển xe máy điện tốc độ cao, liều lĩnh cắt các phương tiện đi ngược chiều.

2 học sinh điều khiển xe máy điện tốc độ cao, liều lĩnh cắt các phương tiện đi ngược chiều.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 90% số vụ tai nạn giao thông trong những năm gần đây liên quan đến học sinh, ở độ tuổi 16 - 18, đối tượng chủ yếu đang sử dụng xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50 cm3, xe đạp điện. 70% số vụ TNGT thương vong là do học sinh THCS đi đạp điện, xe máy điện gây ra.

Tình trạng này có lẽ còn gia tăng trong tương lai vì xu hướng học sinh cấp 2 sử dụng xe máy điện ngày càng nhiều và chủ quan.

Theo quy chuẩn 41/2016/BGTVT: “Xe gắn máy là chỉ phương tiện sử dụng động cơ, có loại hai bánh hoặc loại ba bánh và vận tốc được thiết kế tối đa không vượt quá 50 km/h. Nếu dẫn động của xe gắn máy là động cơ nhiệt thì dung tích sử dụng hoặc dung tích tương đương sẽ không được cao hơn 50cm3″.

Trong điểm d, khoản 1, điều 2 của nghị định 46/2016/NĐ - CP giải thích chi tiết về xe máy điện như sau: “d) Xe máy điện là xe gắn máy chạy bằng động cơ điện có công suất lớn nhất không vượt quá 4kW, vận tốc thiết kế tối đa không lớn hơn 50km/h”.

Như vậy, xe máy điện được định nghĩa là xe gắn máy, theo quy định của luật giao thông đường bộ 2008, người từ đủ 16 tuổi trở lên mới được phép điều khiển loại phương tiện này. Do đó, học sinh THCS với độ tuổi từ 11 – 15, và học sinh cấp 3 chưa đủ 16 tuổi thì không được phép sử dụng xe máy điện. 

Minh Anh
Bình luận
vtcnews.vn