Nhạc sĩ Dương Cầm: Nghị định mới không cấm hát nhép, nguy hiểm quá!

Sao ViệtThứ Hai, 21/12/2020 12:23:00 +07:00
(VTC News) -

Theo NS Dương Cầm, việc Nghị định 144 không cấm hát nhép nhưng cũng không cho phép như lý giải của cơ quan quản lý là nguy hiểm, vì nếu không cấm, người ta sẽ làm.

Nghị định 144 quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn - vừa được Thủ tướng ký ban hành thay thế cho Nghị định 79 kể từ ngày 1/2/2021 - có nhiều điểm mới, được đánh giá là tiến bộ so với nghị định cũ. Tuy nhiên, việc Nghị định 144 không còn quy định cấm sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn (hát nhép) hoặc âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn (đàn nhái) như ở Nghị định 79 lại đang gây tranh cãi. Nhạc sĩ Dương Cầm có những chia sẻ với phóng viên VTC News về vấn đề này.

Nhạc sĩ Dương Cầm: Nghị định mới không cấm hát nhép, nguy hiểm quá! - 1

Từ ngày 1/2/2021, ca sĩ có quyền hát nhép?

- Trong Nghị định 144 sắp có hiệu lực không còn quy định cấm hát nhép, đàn nhép. Là nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc, anh nghĩ sao về điều này?

Tôi nghĩ đã là ca sĩ thì phải có giọng hát và dùng giọng hát của mình chinh phục khán giả, chứ không phải bằng những chiêu trò hay điệu nhảy. Đương nhiên, ca sĩ toàn diện là người vừa hát hay vừa có phong cách trình diễn, bao gồm cả vũ đạo cuốn hút. Tuy nhiên, giọng hát vẫn phải là yếu tố quan trọng nhất.

Ở một số thể loại nhạc như EDM, hip hop, rap..., nghệ sĩ cần sự hỗ trợ lớn từ phần nhạc beat. Tuy nhiên, chúng ta cần phải có quy định cụ thể, giọng hát nền trong phần nhạc beat ấy có thể chiếm bao nhiêu phần trăm trong phần trình diễn của nghệ sĩ trên sân khấu. Tỷ lệ đó có thể lên tới 50% hoặc 60%, nhưng là ca sĩ bước lên sân khấu là phải hát live chứ không thể nhép hoàn toàn.

Tôi làm việc trong lĩnh vực sản xuất và mới đây có xây dựng chuỗi chương trình Bandland, tôi thấy trình độ chơi của các ban nhạc tại Việt Nam không thua kém các nước trong khu vực. Các ban nhạc hoàn toàn có thể kết hợp âm nhạc với công nghệ để cho ra những hiệu ứng âm thanh như mong muốn, kể cả với các thể loại nhạc dance, hip hop hay EDM để giúp ca sĩ có thể trình diễn live trên sân khấu 100%. Hơn nữa, khi ca sĩ được trình diễn trên ban nhạc, họ sẽ có sự tương tác, đem lại cảm giác hưng phấn cho chính nghệ sĩ cũng như khán giả. Vậy không có lý do gì để chúng ta mở cửa cho các ca sĩ hát nhép.

Đây là điều không chỉ riêng tôi mà các ca sĩ, nghệ sĩ hoạt động lâu năm, chắc chắn họ sẽ không đồng tình.

- Đại diện phòng Quản lý biểu diễn và Bản ghi âm ghi hình (Cục Nghệ thuật biểu diễn) từng chia sẻ trên truyền thông rằng Nghị định 144 không có quy định cấm hát nhép, đàn nhái, nhưng cũng không có quy định cho phép hát nhép, đàn nhái.

Quy định của các cơ quan quản lý thật khó hiểu (cười). Tôi nghĩ chắc họ sẽ phải có những quy định riêng, chẳng hạn như với những chương trình của truyền hình được thực hiện với mục đích chính trị, để đảm bảo yếu tố an toàn thì phải có công văn xin phép được hát nhép. Còn nếu là những chương trình giải trí thì phải yêu cầu ca sĩ hát live. Các chương trình biểu diễn cho khán giả khác, nghệ sĩ cũng phải hát live. Chúng ta phải có những quy định rõ ràng như thế chứ không phải những quy định tạo ra nhiều cách hiểu. Như thế, quá nguy hiểm.

Tôi chỉ nghĩ, những gì pháp luật không cấm, mặc dù không khuyến khích nhưng người ta vẫn có thể làm. Và khi họ làm, chúng ta sẽ không có căn cứ gì để xử lý họ cả.

Nhạc sĩ Dương Cầm: Nghị định mới không cấm hát nhép, nguy hiểm quá! - 2

Nhạc sĩ Dương Cầm.

- Nghị định 79 không cho phép các nghệ sĩ hát nhép, tuy nhiên, điều này vẫn thường xuyên xảy ra. Nếu nghị định 144 không cấm, anh nghĩ hậu quả sẽ thế nào?

Thật sự những người trong nghề như chúng tôi, thậm chí khán giả, cũng quá quen với việc ca sĩ hát nhép trên sân khấu trong suốt thời gian qua. Đó là sự yếu kém của các cơ quan quản lý văn hóa.

Nhiều người có thể lấy lý do chương trình nghệ thuật quá nhiều, nhân lực thì mỏng nhưng tôi nghĩ, nếu chúng ta quyết liệt thực hiện thì cũng không khó. Chỉ cần người của cơ quan quản lý đột ngột kiểm tra một chương trình nào đó, xử phạt rồi thông tin rộng rãi trên truyền thông, cứ làm một vài vụ như thế, các nghệ sĩ sẽ phải chột dạ và băn khoăn rất nhiều nếu có ý định hát nhép.

Nghị định 79 không cho phép nghệ sĩ lên sân khấu hát nhép, điều này tạo động lực cho rất nhiều nghệ sĩ. Có những người bước đầu hát chưa tốt nhưng họ sẽ phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa để cải thiện giọng hát. Vì đó là cách duy nhất để họ có được sự tin yêu của khán giả và không vi phạm quy định của pháp luật khi trình diễn..

Cơ quan quản lý phải có sự khích lệ và quy định chặt chẽ để các nghệ sĩ cố gắng hoàn thiện giọng hát chứ không thể mở cửa thế này.

Nhạc sĩ Dương Cầm

Cơ quan quản lý phải có sự khích lệ và quy định chặt chẽ để các nghệ sĩ cố gắng hoàn thiện giọng hát chứ không thể mở cửa thế này. Tôi sợ rằng, nếu chúng ta không quản lý chặt chẽ việc hát nhép, nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ trẻ sẽ không còn cố gắng, nỗ lực để hoàn thiện giọng hát nữa. Nó tạo ra sự không công bằng giữa những người hát live và những người hát nhép.

Các đơn vị tổ chức thì cứ theo luật mà làm. Nếu không cấm thì họ vẫn có quyền làm, chỉ cần bật nhạc lên, nghệ sĩ lên sân khấu trình diễn một vài vũ đạo vui, sôi động, thế là có một đêm diễn thành công, tiết kiệm tối đa chi phí. Điều này sẽ gây hậu quả không tốt cho nền âm nhạc Việt Nam.

Chúng ta đang từng bước tiến lên nền công nghiệp âm nhạc thì cần phải có quy định mang tính chất đặt nền móng vững chắc, phải có sự định hướng. Đó là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý về nghệ thuật.

Nhạc sĩ Dương Cầm: Nghị định mới không cấm hát nhép, nguy hiểm quá! - 3

 

- Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, mỗi nghệ sĩ cần phải có trách nhiệm với chính uy tín của mình và với khán giả bằng nhiều cách, trong đó có việc không hát nhép?

Không thể đổ hết cho nghệ sĩ được. Nghệ sĩ thì cũng có nhiều dạng. Có những người coi nghệ thuật là nghề, gắn bó lâu dài nhưng cũng có nhưng nghệ sĩ chỉ coi nghệ thuật là cần câu cơm, kiếm tiền trong quãng thời gian nhất định. Sau đó họ sẽ không làm nghề nữa.

Hơn nữa, nếu cơ quan quản lý cũng quy định dễ dãi thì những nghệ sĩ yêu nghề đôi khi cũng dễ bị lung lay, dẫn tới thỏa hiệp với việc hát nhép.

Còn khán giả, có người sẽ nhận biết được người nghệ sĩ trên sân khấu có đang hát nhép hay không, nhưng cũng có người không nhận ra được điều đó, hoặc nguy hiểm hơn, họ biết nhưng cũng đành tặc lưỡi cho qua vì việc này có bị xử lý đâu, lên tiếng làm gì?.

Xét về mọi khía cạnh, tôi nghĩ việc nghị định mới không còn quy định cấm sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn (hát nhép) hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn (đàn nhái) như ở Nghị định 79 là chưa ổn.

Thu Giang
Bình luận
vtcnews.vn