Nhà thơ Thạch Quỳ - tác giả bài thơ 'Quạt cho bà ngủ' - qua đời

Tin tức - Sự kiệnThứ Bảy, 10/12/2022 17:14:07 +07:00

Nhà thơ Thạch Quỳ, một ông đồ Nghệ nổi tiếng trên thi đàn Việt Nam, vừa qua đời ở tuổi 81, vào sáng 10/12 tại thành phố Vinh, sau một thời gian bạo bệnh.

Nhà thơ Thạch Quỳ tên thật Vương Đình Huấn, sinh ngày 8/8/1941 tại xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Tốt nghiệp khoa Toán trường Đại học sư phạm Vinh năm 1962, nhà thơ Thạch Quỳ không chỉ làm nhà giáo mà còn bước vào văn chương bằng bút danh mang tinh thần một viên đá trên núi Quỳ quê hương mình.

Nhà thơ Thạch Quỳ giải thích về bút danh qua mấy câu thơ: “Núi Quỳ bé mà sao nhiều đá thế/ Tuổi chăn bò hốc đá trú mưa/ Hoa chổi rụng dưới cánh ong bò vẽ/ Đá trắng phơi đầy trời nắng trưa/ Em cắt củi chưa đầy đôi lạt buộc/ Đã ngồi nghiêng trên đá, tím môi sim”.

Nhà thơ Thạch Quỳ - tác giả bài thơ 'Quạt cho bà ngủ' - qua đời - 1

Nhà thơ Thạch Quỳ (1941- 2022).

Với tư chất một ông đồ Nghệ gàn, nhà thơ Thạch Quỳ sau 11 năm dạy học đã chuyển sang công tác ở Hội Văn nghệ, rồi đùng đùng bỏ đi cuốc nương canh rẫy.

Tập thơ đầu tay “Tảng đá nhành cây” xuất bản năm 1973, đủ giúp nhà thơ Thạch Quỳ đường hoàng có một vị trí trong thế hệ cầm bút chống Mỹ. Dấu vết thi ca phục vụ chiến đấu và sản xuất còn lưu lại trong nhiều bài thơ Thạch Quỳ có tên gọi như một bản tin thời sự, như “Bài hát của những người nhổ cỏ năng cỏ lác ở vùng đồng chiêm trũng” hoặc “Mừng hợp tác xã Nhân Hòa trừ xong nạn sâu keo sau lụt”.

Kiểu viết thật thà ấy, mỗi ngày được chưng cất tinh tế hơn, và trở thành phong cách thơ Thạch Quỳ. Ví dụ, bài thơ “Tiễn em trai đi vào, tiễn em gái đi ra” bật lên hai câu thật đáng nhớ: “Chúng tôi ngồi yên lặng dưới hàng cây/ Dưới cao vợi, sao dày như nếp nổ”. Lối liên tưởng “sao dày như nếp nổ” rất dân dã và cũng rất bất ngờ. Lối liên tưởng này còn giúp Thạch Quỳ nhìn “Trâu đi” qua tuyến lửa khá đặc trưng: “Chân sưng húp hãy còn móng cứng/ Vượt trưa nắng đèo Ngang dốc dựng/ Xuống hố bom đầm nước lút mình/ Đỉnh sừng nhô hai hạt nếp trắng tinh”.

Khác với những bạn bè cầm bút đồng trang lứa đã rời xa nơi chôn nhau cắt rốn rồi ngoảnh lại mây trắng Hồng Lĩnh mà bồi hồi viết bao lời tha thiết, nhà thơ Thạch Quỳ sống tận tụy với xứ Nghệ và nhận diện được từng vẻ đẹp cồn cào của xứ Nghệ.

Ông không chỉ phác họa “Đất Đô Lương” trầm tích nắng mưa: “Vực Cóc đây thăm thẳm một hang trời/ Bè nứa chui vào ngỡ đi về xứ khác/ Nhớ lúa Ba Ra mỉm miệng cười/ Trắng xóa muôn nghìn thác bạc” mà ông còn phát hiện “Con chim tà vặt” độc đáo chốn mình dung thân bằng cái nhìn thật chi tiết: “Giữa núi trọc, đồi hoang/ Có con chim tà vặt/ Mỏ đỏ như than hồng/ Ngồi thu lu trên đá/ Khi ngồi thì mình đen/ Bay lên, cánh trắng lóa/ Đồi tiếp đồi, không cây/ Chỉ sim cằn và cỏ/ Chim quen đậu trên đá/ Chân khô như củi gầy…”.

Hơn nữa, cái vốn sống nông thôn dồi dào khiến nhà thơ có thể “Hóng gió trên cánh đồng làng” chan hòa với thiên nhiên: “Nước trong veo, con cá quả no mồi/ Lượn đủng đỉnh chào thăm từng gốc lúa/ Con cá ngửi vết chân bùn bỡ ngỡ/ Nổi mắt tròn ngơ ngác, nhận ra tôi”, và có thể thấu hiểu nỗi cơ cực của những người làm ruộng: “Nhổ lác, nhổ từng cây/ Nhổ năn, măn từng rễ/ Nước teo da bàn tay/ Bắp chân bầm máu đỉa/ Lưng cúi gập suốt ngày/ Ngửng lên, nghe nặng mặt/ Cúi xuống, vòng nước xoay”.

Nhà thơ Thạch Quỳ - tác giả bài thơ 'Quạt cho bà ngủ' - qua đời - 2

Chân dung nhà thơ Thạch Quỳ.

Thơ Thạch Quỳ không nhiều câu chữ bay bổng. Ông chủ trương bám lấy hiện thực, tắm trong hiện thực mà lặn ngụp sáng tác. Thỉnh thoảng, Thạch Quỳ mới có những vần điệu đắm đuối như: “Trời đã Tết, khói xanh mờ bụi nước/ Góc vườn em hoa mận đã đơm khuy/ Lòng như đất lặng thầm mơ dấu guốc/ Cỏ thiên thanh hoa trắng đợi em về” hoặc như “Anh yêu em anh phạm lỗi thường tình / Khó thức ngủ theo giấc giờ điều độ/ Có một nửa đang đi tìm một nửa/ Như vầng trăng ngoài cửa, phía trời xa”. 

Và thỉnh thoảng, nhà thơ Thạch Quỳ mới có những phút giây cao giọng ngoa ngôn như: “Anh yêu em hơn thần thánh yêu nhau/ Một khẽ chạm tay rung toàn thân thể/ Và bởi vậy, tình yêu trần thế/ Đủ để thánh thần mơ ước trên cao”. Tuy nhiên, những khoảnh khắc lãng mạn của Thạch Quỳ không thể so được với những khoảnh khắc suy tư của Thạch Quỳ. Nói cách khác, thơ Thạch Quỳ là thứ thơ chiêm nghiệm.

Nhà thơ Thạch Quỳ có bóng dáng gầy gò và khuôn mặt khắc khổ đã lặng lẽ đi qua năm tháng để nhọc nhằn chắt chiu những câu thơ số phận: “Giữa cuộc đời lẫn lộn cả buồn vui/ Tiếng chim cũng tiếng lành tiếng dữ”. Bây giờ, nhà thơ Thạch Quỳ đã lên đường vào một cuộc hành trình khác, không thở than và không vướng bận, để lại cho công chúng một chân dung ông đồ Nghệ “đập đá ra có ánh lửa ngời”.

(Nguồn: Báo Nông Nghiệp Việt Nam)
Bình luận
vtcnews.vn