Nhà đầu tư bí ẩn thâu tóm 21% cổ phần của Vinaconex từ tay Viettel là ai?

Kinh tếThứ Hai, 07/01/2019 07:46:00 +07:00

Bất động sản Cường Vũ đã chính thức sở hữu hơn 94 triệu cổ phần của Viettel tại Vinaconex, trở thành cổ đông lớn với tỉ lệ sở hữu 21,28% vốn điều lệ.

Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã CK: VCG) vừa công bố thông tin liên quan đến giao dịch của những cổ đông lớn.

Theo đó, hai cổ đông lớn mới xuất hiện tại Vinaconex là Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ và Công ty TNHH Đầu tư Star Invest, với sở hữu lần lượt là 21,28% và 7,57%.

Đáng chú ý là doanh nghiệp Cường Vũ, doanh nghiệp này mới được thành lập 2 năm với số vốn đăng ký chỉ vỏn vẹn 20 tỷ đồng.

Theo giấy đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp này được thành lập vào ngày 7/11/2017, đăng ký địa chỉ trụ sở tại số 64, đường 85, Khu phố 1, Phường Tân Quy, Quận 7, TP.HCM.

vinaconex

 Hơn 21% cổ phần của Vianaconex vừa rơi vào tay công ty Cường Vũ. (Ảnh: Thanh Hà)

Chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật và giữ chức vụ Giám đốc là ông Vũ Xuân Cường, sinh năm 1970, đăng ký hộ khẩu thường trú ngay tại trụ sở của công ty.

Ông Vũ Xuân Cường cũng là người đại diện của 2 công ty khác là Công ty TNHH Bất động sản Cường Thanh (Cường Thanh) và Công ty TNHH Bất động sản Lâm Vũ (Lâm Vũ).

Đáng chú ý, cả 3 công ty Cường Vũ, Cường Thanh và Lâm Vũ đều có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, được thành lập chỉ cách nhau 1 ngày và có chung ngành, nghề đăng ký kinh doanh chính là “Xây dựng nhà các loại”.

Cụ thể, Cường Thanh (được thành lập ngày 9/11/2017) có cùng địa chỉ với Cường Vũ được tham gia góp 50% vốn bởi ông Vũ Xuân Cường và ông Lê Hoàng Thanh (sinh năm 1985) góp 50% vốn còn lại.

Trong khi đó, Lâm Vũ được thành lập ngày 8/11/2017, có địa chỉ tại quận 1, TP.HCM. Cơ cấu cổ đông của Lâm Vũ được chia đều cho ông Cường, ông Thanh và bà Lâm Thị Thùy Trang (sinh năm 1984).

Được biết, trước thềm đại hội cổ đông bất thường vào ngày 11/1 tới đây, Công ty Cường Vũ đã gửi văn bản đề nghị Tập đoàn Viettel hỗ trợ đề cử hai nhân sự tham gia ứng cử thành viên Hội đồng Quản trị là ông Nguyễn Quang Trung - Phó Tổng giám đốc Địa ốc Phú Long, ông Thân Thế Hà - Phó Tổng giám đốc Vinaconex, cùng hai thành viên Ban Kiểm soát là ông Nguyễn Xuân Đại, ông Lê Đình Vinh - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Everland.

Vinaconex được biết đến là một tập đoàn lớn trong lĩnh vực xây lắp và một số dự án bất động sản quy mô vừa và nhỏ. Trong đó, dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh với quy mô 264ha là tài sản rất đáng chú ý của Vinaconex. Tuy nhiên nhiều năm qua do nguồn lực tài chính hạn chế, nên dự án này đã khiến Vinaconex bị sa lầy.

Khởi điểm của dự án này là năm 2006 khi Vinaconex kí hợp đồng liên doanh với Posco Engineering and Constructin Co.ltd để thành lập Công ty TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh – An Khánh JVC.

Công ty này được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu ngày 8/12/2006 với vốn điều lệ 680 tỷ đồng, trong đó Vinaconex góp 21,25 triệu USD, tương đương 50% vốn điều lệ, để thực hiện dự án khu đô thị mới Bắc An Khánh (quy mô 264,4ha, tổng mức đầu tư 3.391 tỷ đồng).

Dự án có thời gian hoạt động 50 năm. Tuy nhiên, trong suốt một thời gian dài, dự án đã lâm vào bế tắc. Cụ thể, dự án hoàn thành giai đoạn I năm 2013 (quy mô 49,7ha, 317 căn biệt thự, 236 căn hộ liền kề và 496 căn chung cư) nhưng sau đó lâm vào tình trạng “đóng băng” từ cuối năm 2013 đến tháng 8/2016. Nguyên nhân là dự án phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 theo yêu cầu của UBND thành phố Hà Nội.

Số lỗ lũy kế của An Khánh JVC đến 30/6/2018 là 965 tỷ đồng. Theo báo cáo của đơn vị, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới con số thua lỗ trên là do tồn kho lớn (tồn 240 căn chung cư từ 2013). Ngoài ra, dù phải dừng thực hiện trong 4 năm nhưng dự án vẫn phát sinh chi phí lãi vay tới 450 tỷ đồng và chênh lệch tỷ giá 728 tỷ đồng (khoản vay 150 triệu USD từ Posco Asia và An Khánh First LLC từ các năm 2010, 2012 và 2016).

>>> Đọc thêm: Năm 2019 đầu tư gì sinh lời cao?

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn