Nguyên nhân khiến thẻ ATM bị khóa

Tài chínhThứ Sáu, 04/08/2023 07:20:00 +07:00
(VTC News) -

Thẻ ATM bị khóa do nhiều nguyên nhân khác nhau, khiến chủ thẻ gặp khó khăn trong giao dịch.

Thẻ ATM bị khóa, không truy cập được vào hệ thống, không thể thực hiện giao dịch trên máy POS thường bởi những lý do sau:

Thẻ ATM quá hạn: các loại thẻ ATM nội địa có thời hạn 5 - 7 năm và được ghi ngày hết hạn (expired date) ngay ở mặt trước của thẻ. Nếu quá thời hạn này, thẻ của khách hàng sẽ bị khóa và không thể sử dụng được. Khách hàng cần mang thẻ ra ngân hàng để đổi thẻ mới trước thời hạn ghi trên thẻ.

Thẻ ATM quá hạn cũng có thể bị khóa.

Thẻ ATM quá hạn cũng có thể bị khóa.

- Nhập sai mật khẩu quá 5 lần: Với những trường hợp nhập sai mã PIN của thẻ ATM quá 5 lần, thẻ ATM sẽ bị ngân hàng khóa tạm thời để đảm bảo an toàn.

- Thẻ ATM không phát sinh giao dịch trong thời gian dài: Thông thường nếu sau khoảng 12-18 tháng không sử dụng, thẻ ATM sẽ bị khóa các chức năng.

- Thẻ ATM bị hỏng, lỗi: Nếu phần băng từ nằm phía sau thẻ bị xước mạnh, thẻ bị cong vênh, móp méo sẽ khiến hệ thống không thể quét và nhận diện được thông tin thẻ. Khi hệ thống nhận diện lỗi cũng sẽ tiến hành khóa thẻ ATM tạm thời.

- Sử dụng ATM không cùng hệ thống, không có liên kết liên ngân hàng: Khi khách hàng cố gắng sử dụng thẻ ATM tại cây ATM không cùng hệ thống, không có liên kết thì chủ thẻ dễ có nguy cơ bị khóa thẻ.

- Lỗi hệ thống: Đôi lúc cây ATM có thể gặp phải lỗi, hoặc ngân hàng bị lỗi, khiến thẻ ATM không được chấp nhận thanh toán và bị khóa. Ngân hàng cũng có thể khóa thẻ nếu thấy thẻ phát sinh các giao dịch có giá trị lớn bất thường.

Cách xử lý khi thẻ ATM bị khóa

Khách hàng cần liên lạc ngay với ngân hàng khi thấy thẻ ATM bị khóa. Cách nhanh nhất là tới các chi nhánh của ngân hàng, mang theo căn cước công dân hoặc hộ chiếu để yêu cầu nhân viên kiểm tra và mở lại thẻ. Chú ý khách hàng không thể ủy quyền cho người khác mà cần đích thân tới chi nhánh ngân hàng để thực hiện thủ tục mở thẻ.

Thủ tục mở khóa thẻ ATM rất đơn giản, đặc biệt với thẻ ATM nội địa. Khách hàng chỉ cần mang giấy tờ tùy thân, khai báo số dư và thực hiện lại chữ ký mẫu đã ký lúc mở thẻ để nhân viên xét duyệt. Mức phí kích hoạt lại thẻ ATM bị khóa thường là miễn phí. Trong trường hợp cần làm lại thẻ mới, khách hàng chỉ cần nộp phí làm thẻ (50.000 - 100.000 đồng/thẻ).

Trường hợp phát hiện thẻ ATM bị khóa ngoài giờ làm việc của ngân hàng, chủ thẻ có thể gọi tới hotline của ngân hàng nơi mình làm thẻ để yêu cầu trợ giúp các cách mở khóa thẻ ATM tại nhà. Bên cạnh đó, với một số ngân hàng, khách hàng có thể sử dụng ứng dụng ngân hàng điện tử để mở thẻ ATM bị khóa online.

Trong quá trình sử dụng thẻ ATM, khách hàng cần lưu ý một số vấn đề để đảm bảo an toàn và bảo mật khi sử dụng thẻ ATM:

- Luôn ghi nhớ mã PIN và bảo mật mã PIN, đặc biệt khi giao dịch tại cây ATM.

- Khi làm rơi, làm mất thẻ cần nhanh chóng báo cho ngân hàng để khóa thẻ tạm thời.

- Luôn nhớ lấy thẻ sau khi rút tiền hay thực hiện giao dịch tại cây ATM.

Đào Bích (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn