Người xử lý thi thể từ… "trên trời rơi xuống"

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 01/11/2010 06:00:00 +07:00

Điều kỳ lạ là nghề này mấy năm gần đây lại “ăn nên làm ra” bởi những xác chết vô thừa nhận ở thành phố Cảng mỗi lúc một nhiều.

Nhặt xác trên đường phố, nghề kinh hoàng này có lẽ chỉ có ở Hải Phòng. Điều kỳ lạ là nghề này mấy năm gần đây lại “ăn nên làm ra” bởi những xác chết vô thừa nhận ở thành phố Cảng mỗi lúc một nhiều.


Chết… bỏ bom

Bây giờ, tuy đã “biên chế” ở đội Văn phòng tổng hợp (Công an quận Lê Chân, Hải Phòng) nhưng Trung tá Phạm Việt Hoàng vẫn luôn bận rộn với nghiệp cũ của mình, ấy là nghề mổ pháp y. Anh bảo, do quá thiếu người nên anh được cơ quan giao cả hai nhiệm vụ trên.
Trung tá Phạm Việt Hoàng với những bức chân dung tử thi chết rơi vãi.

Nhiệm vụ thứ nhất tuy vất vả nhưng không khiến anh lao tâm khổ tứ bằng nhiệm vụ thứ hai, bởi hầu hết các tử thi mà anh phải trực tiếp mổ, lấy mẫu giám định đều là những người chết đường, chết chợ.

Trung tá Phạm Việt Hoàng với những bức chân dung tử thi chết rơi vãi. 

Hôm làm việc với chúng tôi, chuông điện thoại của anh cứ réo liên hồi khiến cho buổi làm việc phải đẩy sang buổi chiều bởi anh phải xuống hiện trường để đưa một tử thi vào nhà xác. Theo Trung tá Hoàng, có rất nhiều lý do dẫn đến những cái chết khác người, nhưng theo thống kê của anh thì có đến hơn 90% là do ma tuý và cũng ngần ấy phần trăm có mang trong mình căn bệnh thế kỉ AIDS.

Và, dù có chết ở đâu đi chăng nữa, cố ý hay vô tình thì những tử thi ấy cũng được chuyển đến Bệnh viện Việt Tiệp để khám nghiệm tử thi, rồi “nhiệm vụ” còn lại là của công an quận: Lo phần mai táng.
Những ngôi mộ vô tung tích nằm trong nghĩa trang Ninh Hải (Tp. Hải Phòng).

Sở dĩ phải nhận “nhiệm vụ” theo kiểu… bỏ bom, bất đắc dĩ trên là do khi phát hiện và tiếp nhận tử thi thì hoặc không xác định được tung tích nạn nhân, hoặc xác định được nhưng người nhà nạn nhân kiên quyết không đến nhận. Họ ỷ lại cho công an và chờ đến khi chôn cất xong xuôi mới đến xin phần mộ để đỡ phải lo chuyện ma chay tốn kém.

Trung tá Hoàng dẫn chứng, mới đây, dân ngõ 20 phố Tôn Đức Thắng phát hiện thấy mùi hôi thối bốc ra từ ngôi nhà hoang ở cuối ngõ. Không chịu được thứ mùi khó chịu ấy, nhiều người đã phá cửa ngôi nhà đó vào xem và phát hiện một tử thi đã thối rữa.

Khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường, Công an quận Lê Chân xác định nạn nhân chết do sốc ma tuý. Không xác định được tung tích nạn nhân, công an quận phải đứng ra lo hậu sự cho người đã khuất.

Một trường hợp khác, cũng theo Trung tá Phạm Việt Hoàng, cách đây ít lâu, cũng do thấy mùi hôi thối, nhân dân sống gần nghĩa địa Dư Hàng Kênh đã phát hiện một xác chết vô tung tích trong nghĩa địa. Khám nghiệm hiện trường, công an quận phát hiện một bức thư được gói gém rất kỹ trong túi áo ngực của nạn nhân.

Đọc những dòng chữ nắn nót trong bức thư đầy nước mắt ấy cùng với kết quả thu được khi tiến hành mổ pháp y, cơ quan công an đã khẳng định nạn nhân chết do tự vẫn. Nạn nhân không muốn làm người thân khổ đau, phiền não bởi sự nghiện ngập cùng với bệnh tật của mình.

Chính do không muốn làm… phiền người nhà nên trách nhiệm chôn cất người xấu số trên, công an quận lại phải đứng ra gánh vác.

Những người không ai muốn… gặp

Ông là một người lịch lãm. Ông đi xe con, áo cổ cồn, ăn nói nhỏ nhẹ. Mặt ông hiền, đầy vẻ thân thiện. Thế nhưng, ở Hải Phòng, ông là người chẳng ai muốn… gặp. Thậm chí, “các vi- dít” của ông dù được trang trí cầu kỳ, bắt mắt nhưng cho cũng chẳng ai dám nhận.

Đơn giản, ông là Trần Văn Phong, “ông chủ” của Công ty TNHH Mai táng Hải Phòng. Người ta sợ gặp ông bởi họ nghĩ rằng, hễ ông và nhân viên của ông xuất hiện ở đâu thì y rằng ở đó có chuyện tang thương, bi lụy. Khổ nhất là những ngày lễ Tết.

Những ngôi mộ vô tung tích nằm trong nghĩa trang Ninh Hải (Tp. Hải Phòng). 

Những ngày ấy, khi mọi người nô nức trảy xuân thì ông một mình ru rú ở nhà. Ông không dám đến chúc Tết nhà ai, thậm chí không bước chân ra khỏi cửa. Gặp ông, nếu năm đó người ta ăn nên làm ra thì chẳng sao, nhỡ có việc gì thì cứ ông mà họ réo.

Một điều cấm kỵ bất thành văn nữa là từ khi làm ở doanh nghiệp này, ông và các đồng nghiệp của mình cũng bị tước luôn cái quyền… đi thăm người ốm. Dù ốm đau nặng nhẹ thế nào, chỉ có ruột rà máu mủ ông mới đến thăm, còn không thì chẳng dại mà bén mảng gần.

Ông kể, trước đây, khi mới vào nghề, ông đã hồn nhiên tới thăm một người bạn không may vướng bệnh nan y, sự sống đã nghìn cân treo sợi tóc. Thế nhưng, vừa vào đến cửa nhà người bệnh, ông đã bắt gặp những ánh mắt khó chịu từ thân nhân người đang nằm bất động trên giường.

Cố lảng tránh những ánh mắt hằn học ấy, ông hỏi thăm qua quýt rồi vội vã ra về. Thế nhưng, chưa bước khỏi cửa, ông thấy lưng mình lạnh toát bởi một câu nói: “Đúng là cú dòm nhà xác! Người ta còn chưa chết, đến làm gì!”.

“Phi đội kền kền”

Ông Phong giới thiệu chúng tôi với một trợ thủ đắc lực của mình, ông Vũ Hùng Sinh, người có thâm niên trong việc gom xác người rơi vãi ở Hải Phòng.

Ông Sinh cho biết, từ khi những xác chết đường chết chợ, chết thảm xuất hiện mỗi lúc một nhiều thì cơ quan ông thành lập luôn một đội cơ động, chuyên trách việc xử lý những xác chết đó. Nguyên tắc nghề nghiệp, hễ có điện thoại thì ngay lập tức ông Sinh phải cùng các cộng sự của mình lên đường, bất kể nắng mưa, đêm tối.
Theo thông tin từ Công an quận Lê Chân thì từ khi ma tuý tác oai tác quái ở Hải Phòng đến nay, không năm nào công an quận không phải “tiếp nhận” chừng 25 thi thể từ… trên trời rơi xuống.

Tới hiện trường, với những nạn nhân chết không rõ nguyên nhân, đội của ông sẽ giúp các cơ quan chức năng làm khám nghiệm, sau đó “chỉnh trang nhan sắc” tử thi rồi chuyển họ về nghĩa trang.

Theo ông Sinh, ngại nhất là làm việc với những tử thi chết đã lâu hay những người bị tai nạn giao thông thảm khốc. Khi ấy, tay không, đội của ông phải vơ vét, phải nhặt từng phần của thi thể để đóng vào quan tài.

Trong đội của ông, nhiều anh khi mới tập toẹ vào nghề, dính ngay phải những trường hợp trên đã mất ăn mất ngủ mấy tuần trời, người rộc đi, xanh như tàu lá.

Mấy chục năm gắn bó với nghề, ông Sinh vẫn không thể nào quên được lần ông đi “tác nghiệp” tại đường Tô Hiệu (quận Lê Chân). Sự việc xảy ra đã hơn 20 năm, nhưng đến giờ, trong giấc ngủ chập chờn, hình ảnh của lần đi làm ấy vẫn thấp thoáng hiện về. Lần đó, ông được mời tới để thu gom xác chết của một vụ thảm sát kinh hoàng.

Nạn nhân là một gia đình gồm hai vợ chồng và một cô con gái nhỏ. Họ bị giết và ném xuống giếng. Không những thế, tàn độc hơn, để phi tang, hung thủ đã ném cả tạ vôi củ xuống giếng, rồi lấp đất lên. Bởi chuyện đau lòng trên đã xảy ra cách đó cả tuần trời, nên khi vừa đến nơi, ông đã “nhận ra” mùi tử khí nồng nặc quanh chiếc giếng.

Dù rất hiếu kỳ nhưng bởi quá sợ hãi nên người dân chẳng ai dám tới gần. Sau khi làm xong các thủ tục cần thiết, ông đánh trần hì hục vật lộn với công việc nặng nhọc đó. Đào hết lớp đất thì đến lớp vôi và cũng chỉ vừa vơ tay cào mấy cái thì thi thể nạn nhân đã hiện ra.

Bởi giếng sâu, khí khó thoát nên khi ấy, dù đã quá quen với mùi đặc trưng ấy nhưng ông vẫn thấy đầu mình nhức buốt. Ba nạn nhân nằm co quắp lên nhau, da thịt họ cũng đã bị vôi nấu chín. Tay không, ông nhẹ nhàng ôm từng người một đưa lên miệng giếng.

Ông kể, bây giờ nghĩ lại, ông mới thấy sợ. Có lẽ ngày ấy, bởi quá thương xót cho gia đình nạn nhân, lại thêm sự căm phẫn kẻ thủ ác dã man nên ông không thấy hãi.

Ông Sinh bảo, sở dĩ ông duy trì được quân số trong suốt mấy năm qua là bởi ông đã truyền lửa… yêu nghề cho mọi người.

“Bất cứ công việc nào, mục đích cuối cùng cũng chỉ để mưu sinh. Mưu sinh thì có nhiều cách, chứ không nhất thiết phải làm cái nghề mới nói qua đã thấy tởn da gà này. Đau nỗi đau của người không may mắn, buồn với nỗi buồn của thân nhân những người đã chết- chỉ có điều đó mới giúp anh em chúng tôi bám trụ được với nghề này” - ông Sinh tâm sự.

TheoTrịnh Tế - NTNN


Mọi lúc, mọi nơi mỗi người trong chúng ta đều có thể lập tức giúp đỡ được cho đồng bào miền Trung.

Nhắn tin theo cú pháp đơn giản UHgửi 1405 (10.000đ/tin) hoặc UH gửi 1409 (18.000đ/tin) của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực để cứu trợ đồng bào miền Trung ruột thịt.


Bình luận
vtcnews.vn