Người Việt thấp còi do bữa ăn hằng ngày không đáp ứng đủ nhu cầu vitamin và khoáng chất

Sức khỏeChủ Nhật, 25/06/2017 14:45:00 +07:00

PGS.TS. Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, khẩu phần ăn hằng ngày của người Việt Nam hiện đã đáp ứng đủ nhu cầu về năng lượng, chất đạm nhưng không đáp ứng đủ 100% nhu cầu về các vitamin và chất khoáng.

 Vì vậy, ngày vi chất dinh dưỡng (1-2/6) năm nay sẽ tập vào nội dung tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm thiết yếu. Đây là biện pháp đơn giản, hiệu quả và dễ đạt độ bao phủ cao, có tính bền vững.

Theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tình trạng thiếu các vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn của người Việt như thiếu sắt, thiếu kẽm, thiếu vitamin A là vấn đề cần được giải quyết.

Cụ thể, theo điều tra những năm gần đây của Viện Dinh dưỡng, tỷ lệ thiếu máu trung bình ở trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam là 27,8%, tỷ lệ này ở khu vực miền núi là 31,2%, nông thôn là 28,4% và ở thành thị là 22,2%.

bs tran khanh van

Ths.Bs Trần Khánh Vân, Phó Trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng cho biết, việc thiếu vi chất dinh dưỡng gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, trí tuệ.

Tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai là 32,8% và tỷ lệ này ở phụ nữ không có thai là 25,5%. Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 13%.

Tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em dưới 5 tuổi rất cao, lên tới 69,4%, đặc biệt cao ở khu vực miền núi (80,8%), nông thôn (71,6%); ở thành thị thấp hơn, nhưng vẫn lên tới 49,7%…

Video: Điều gì xảy ra với cơ thể nếu bạn dừng ăn đồ ăn nhanh

Kẽm đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe, tham gia vào hoạt động của các enzyme, vào biểu hiện kiểu gen, phân chia tế bào và phát triển cơ thể, tham gia vào chức năng sinh sản, miễn dịch, điều hòa vị giác, cảm giác ngon miệng. Thiếu kẽm làm cản trở các kỹ năng nhận thức và tổn thương hệ thống thần kinh. Thậm chí, thiếu kẽm gây ra chứng khó đọc ở trẻ. Thiếu kẽm ảnh hưởng đến vị giác và khứu giác khiến trẻ không có cảm giác ngon miệng khi ăn. Trẻ chậm phát triển thể chất đặc biệt là chiều cao. Những trẻ bị thiếu kẽm dễ bị nhiễm trùng, cảm lạnh và cảm cúm. Thiếu kẽm là một trong những lý do chính gây ra rụng tóc, làm suy yếu các tế bào trên da đầu và tóc bị gãy, khô.

Ths.Bs Trần Khánh Vân, Phó Trưởng khoa Vi chất Dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, việc thiếu vi chất dinh dưỡng gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, trí tuệ, khả năng sinh sản và lao động của người lớn, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em. Thiếu vi chất dinh dưỡng còn là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới suy dinh dưỡng thấp còi, chậm phát triển chiều cao khi trưởng thành.

Theo đó, để bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ em và bà mẹ sau sinh trong Ngày Vi chất Dinh dưỡng (ngày 1 và 2-6) năm nay, Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã cấp hơn 7,6 triệu liều viên nang vitamin A cho 63 tỉnh, thành phố. Dự kiến sẽ có gần 5 triệu trẻ từ 6 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi và khoảng 500.000 bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng được uống bổ sung viên nang vitamin A.

Các giải pháp phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng cũng đã được các chuyên gia đưa ra như sau:

Ăn đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng; Cho trẻ bú sớm, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú đến 24 tháng hoặc lâu hơn;

Bữa ăn của trẻ có những thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng, thêm mỡ hoặc dầu để tăng hấp thu vitamin A, D;

Các mẹ có thể bổ sung kẽm cho trẻ qua các thực phẩm giàu kẽm hàng ngày như: tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng), cùi dừa già, khoai lang…

Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên có thể bổ sung kẽm qua thức ăn và thực phẩm bổ sung được bác sĩ chỉ định. Để trẻ hấp thụ kẽm tốt nhất nên bổ sung vitamin C cho trẻ từ chính các loại trái cây tươi giàu lượng vitamin C sẵn có như cam, chanh, quýt, bưởi… Ngoài ra, với trẻ biếng ăn, đặc biệt trẻ bị ốm nên uống bổ sung một số sản phẩm bổ sung vi chất kẽm kết hợp với Lysine, Taurine, Vitamin nhóm B…

bua an 3

 Bữa cơm của người Việt vẫn thiếu vi chất dinh dưỡng. (Ảnh: minh họa)

Cho trẻ trong độ tuổi uống vitamin A liều cao 2 lần/ năm, bà mẹ sau khi sinh trong vòng 1 tháng uống một liều vitamin A; Trẻ từ 24 – 60 tháng tuổi uống thuốc tẩy giun 2 lần/ năm;

Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, môi trường trong phòng chống nhiễm giun; Phụ nữ tuổi sinh đẻ và mang thai nên uống thêm sắt axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn…

Cũng liên quan đến vấn đề bổ sung vi chất dinh dưỡng, hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng thực đơn chuẩn để đưa vào trường học, nhằm bảo đảm thực đơn cân bằng dinh dưỡng trong các bữa ăn tại nhà trường. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, từ các thực đơn chuẩn trong trường học, chúng ta sẽ xây dựng thói quen ăn uống khoa học, góp phần kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì, suy dinh dưỡng, thiếu vi chất trong học sinh, bảo đảm sự phát triển toàn diện của trẻ.

Phương Lan
Bình luận
vtcnews.vn