Người Việt chết cháy ở Nga: Tang thương xóm nghèo

Thời sựThứ Năm, 13/09/2012 08:00:00 +07:00

(VTC News) – Cả thôn xóm nơi có các nạn nhân tử nạn trong vụ cháy lớn tại Liên bang Nga bao trùm tang thương. Nhiều gia đình suy sụp sau mất mát quá lớn.

(VTC News) – Cả thôn xóm nơi có các nạn nhân tử nạn trong vụ cháy lớn tại Liên bang Nga bao trùm tang thương. Nhiều gia đình suy sụp sau nỗi đau mất mát quá lớn.

Chiều13/9, PV VTC News có mặt tại gia đình các nạn nhân thiệt mạng trong vụ cháy xưởng may tại thị trấn Yegoryevsk (Mát-xcơ-va, Liên bang Nga) ngày 11/9 để tìm hiểu thông tin về diễn biến cứu nạn các nạn nhân xấu số.
Về tới xóm nghèo Thế Lộc (xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), nơi đây đang bao trùm một không khí tang thương khi thông tin những nạn nhân bị nạn tại Nga được báo về với gia đình.

Rất đông bà con lối xóm đã đến chia buồn, giúp đỡ các gia đình có người bị nạn.

Tại gia đình của bà Nguyễn Thị Vui, nỗi đau mất mát 2 người con là vợ chồng chị Nguyễn Thị Hoài (SN 1990) và anh Nguyễn Quang Thể (SN 1984) đã khiến bà và người thân gần như suy sụp hoàn toàn.

Bà Vui đau đớn kể: "Hai vợ chồng nó vay mượn được hơn 100 triệu để sang Nga làm ăn từ đầu năm, chưa kịp trả nợ thì đã mãi mãi ra đi. Thằng con trai nó giờ cũng còn quá bé, chưa biết bố mẹ nó chết cháy là như thế nào...Chúng nó sang đó với hy vọng làm ăn, đổi đời vậy mà tai hoạ lại ập xuống."

 Rất đông bà con lối xóm đến chia buồn với gia đình các nạn nhân xấu số

Cũng trong xóm Thế Lộc, nhà nạn nhân Phan Hồng Phong (SN 1976) không khí tang thương bao trùm.

Ông Phan Văn Diến, bố nạn nhân Phong vẫn còn bàng hoàng, không hiểu chuyện gì đang xảy ra với gia đình mình. 
 

“Nó mới điện về nói là ba mẹ gắng chịu khổ một thời gian nữa thôi rồi con gắng kiếm tiền giúp gia đình, vậy mà giờ tôi đã mãi mãi mất nó…”

Bố nạn nhân Mai Văn Hồng
 
"Một đời bươn chải nhưng vẫn nghèo khó, nay cháu Phong sang đó làm ăn với hy vọng có ít tiền để thay đổi cuộc sống thì lại bị nạn. Căn nhà cấp 4 lụp xụp nay lại gánh chịu thêm một nỗi đau quá lớn." - ông Diến chia sẻ.

Ông Diến cho biết, gia đình đã lập bàn thờ cho anh Phong sau khi nghe hung tin. Dưới bàn thờ, chị Hồ Thị Dung, vợ nạn nhân Phong đã khóc ngất 2 ngày qua. Hai đứa con thơ còn quá nhỏ, thấy mẹ khóc cũng khóc theo… 
Chúng tôi đến nhà nạn nhân Mai Văn Hồng (SN 1990) trong xóm chài nghèo ở thôn Cửa Thôn (xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) cũng có rất đông người dân địa phương và bà con làng xóm đến chia buồn.
Bà Mai Thị Han, mẹ nạn nhân Hồng nằm khóc ngất từ khi biết tin. Nỗi đau khiến bà suy sụp và không ăn uống được gì.

Mẹ nạn nhân Hồng khóc ngất đã 2 ngày nay sau khi nghe hung tin 

Ông Mai Minh Hải, bố nạn nhân Hồng cho biết, gia đình ông nhận được thông tin vào chiều ngày 12/9. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau khi học xong lớp 9 Hồng phải bỏ học, bươn chải làm ăn kiếm sống rồi vay mượn tiền sang Nga làm ăn với hy vọng đổi đời.

“Nó mới điện về nói là ba mẹ gắng chịu khổ một thời gian nữa thôi rồi con gắng kiếm tiền giúp gia đình, vậy mà giờ tôi đã mãi mãi mất nó…” - ông Hải nghẹn ngào trong nước mắt.


Những gia đình các nạn nhân bị nạn đều có hoàn cảnh rất khó khăn, phải vay tiền ngân hàng để có tiền sang Nga làm ăn kiếm sống. Vì vậy khi những họ tử nạn đã để lại những khoản nợ chồng chất cho gia đình. 
Chị Hồ Thị Dung, vợ nạn nhân Phong đau đớn vật vã từ khi biết tin.

Trước bàn thờ của anh, chị khóc nấc:  “Anh ấy ra đi để lại 2 người con thơ dại, cùng với khoản nợ lớn ở ngân hàng. Giờ tui biết phải làm chi để sống đây…”

 Chị Dung khóc ngất trước bàn thờ người chồng xấu số

Giờ đây, gia đình ông Hải, cũng như nhiều gia đình khác hiện không biết các nhà chức trách bên Nga chuyển thi thể của các nạn nhân về Việt Nam như thế nào. Họ mong muốn được nhận lại thi thể của con nhưng lại canh cánh với nỗi lo về khoản tiền phải chi trả cho việc đưa thi hài các nạn nhân về nhà.
Gia đình các nạn nhân ở đây cho biết, việc sang Nga làm việc đều do người quen chỉ dẫn rồi nộp tiền đi chứ không qua công ty Xuất khẩu lao động hay cơ quan, tổ chức nhà nước. Vì vậy khi bị nạn, gia đình không biết bấu víu vào đâu để có thông tin và nhờ trợ giúp.
Theo UBND xã Tân Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) thì thời gian qua đã có rất nhiều người dân trong xã đi xuất khẩu lao động bằng các con đường không chính thống và không báo cáo với chính quyền địa phương.
Hiện gia đình, thân nhân các nạn nhân chỉ biết ngồi ở nhà ngóng đợi thông tin từ chính quyền sở tại trong nước mắt và hy vọng một phép màu có thể xảy ra.
Tâm Huyền
Bình luận
vtcnews.vn