Người bạo lực gia đình có thể phải lao động công ích

Chính trịThứ Tư, 26/10/2022 18:30:22 +07:00
(VTC News) -

Người có hành vi bạo lực gia đình được lựa chọn hình phạt lao động công ích như chăm sóc cây xanh khu công cộng hoặc sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm.

Chiều 26/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, theo dự thảo, người từ 18 tuổi trở lên có hành vi bạo lực gia đình 2 lần/năm nhưng chưa đến mức bị xử lý hành chính hoặc đã bị xử phạt hành chính, sẽ bị cộng đồng dân cư góp ý, phê bình. Trường hợp người này cố ý vắng mặt, công an cấp xã sẽ hộ tống đến.

Tuy nhiên, nếu người bạo lực gia đình tự nguyện làm việc phục vụ cộng đồng sẽ không bị áp dụng biện pháp nêu trên. Công việc bao gồm trồng cây, làm sạch nơi công cộng, cải thiện môi trường sống và cảnh quan cộng đồng. Những việc cụ thể do chủ tịch cấp xã quyết định trên cơ sở thảo luận với cộng đồng dân cư.

Người bạo lực gia đình có thể phải lao động công ích - 1

Bà Nguyễn Thuý Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội.

Bà Thúy Anh cho biết, trong quá trình thảo luận, một số đại biểu đề nghị bổ sung biện pháp xử phạt lao động vì lợi ích cộng đồng vào dự thảo luật, rà soát để đảm bảo tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thường vụ Quốc hội thấy rằng, bổ sung biện pháp mang tính xã hội nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng là cần thiết để xử lý hành vi bạo lực gia đình chưa đến mức xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

"Biện pháp này đã được các cơ quan đánh giá và rà soát tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành. Báo cáo kết quả tham vấn ý kiến nhóm lãnh đạo, người dân, trẻ em tại 5 tỉnh, thành cho biết đây là biện pháp có tính giáo dục cao và khả thi", bà Thúy Anh nói.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, dự án Luật đã được sửa theo hướng nêu trên, đồng thời bỏ quy định thời gian thực hiện công việc phục vụ cộng đồng mỗi lần không quá 20 tiếng và không quá 4 tiếng/ngày.

Bà Nguyễn Thị Minh Trang, Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long cho rằng, quy định người bạo lực gia đình phải lao động phục vụ cộng đồng là điểm mới, có tính răn đe, giáo dục cao. Tuy nhiên, điều khoản này cần thiết kế khoa học, chặt chẽ, tránh phát sinh thêm thủ tục hành chính, các cơ quan cũng cần làm rõ tính tự nguyện lao động vì cộng đồng.

"Cần quy định rõ đây là biện pháp hành chính bắt buộc hay là tự nguyện để tránh mâu thuẫn và dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, khiến chế tài không nghiêm", bà Trang nói.

Nữ đại biểu cũng đề nghị xem lại quy định người bạo lực gia đình phải bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả, bởi phần lớn người bị bạo lực và người bạo lực cùng gia đình, nên việc thực thi sẽ khó khăn.

Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, quy định này mang tính chất tự nguyện, do ý kiến của cộng đồng, nhưng lại được thực hiện bởi quyết định của chủ tịch cấp xã là chưa hợp lý. Nếu giữ nguyên như dự thảo, bà Ánh đề nghị cần thể hiện rõ tính tự nguyện và phục vụ lợi ích cộng đồng.

Giải trình ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nói, người bạo lực gia đình được lựa chọn bị phê bình ở cộng đồng dân cư hoặc lao động phục vụ lợi ích công cộng.

"Biện pháp này có ý nghĩa giáo dục, giúp người bạo lực gia đình nhận ra được hành vi sai trái để thay đổi", ông Hùng nói.

Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) được trình xin ý kiến Quốc hội lần đầu tại kỳ họp thứ 3, dự kiến thông qua vào ngày 11/11.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn