Người tiêu dùng cam chịu là tiếp tay cho gian thương đẩy giá vô tội vạ

Doanh nghiệp vì người tiêu dùngThứ Hai, 05/09/2022 11:08:00 +07:00
(VTC News) -

Dẫn giải tình trạng hàng hóa nhiều khi tăng giá vô lý, chuyên gia cho rằng người tiêu dùng cam chịu, phản ứng hời hợt là đã tiếp tay cho gian thương “làm giá".

Từ đầu năm đến nay, thị trường tiêu dùng đã chứng kiến nhiều đợt tăng giá phi mã của hàng loạt sản phẩm thiết yếu. Gần đây nhất là giá rau xanh, thực phẩm có loại tăng đến hàng chục phần trăm, thậm chí gấp đôi, gấp ba lần chỉ sau vài tháng với lý do tăng theo giá xăng dầu lên "đỉnh". Tuy nhiên, khi giá xăng dầu liên tục giảm "nhiệt", giá hàng hóa vẫn cố thủ ở mức cao và giảm nhỏ giọt, do đó hiện giờ nhiều loại vẫn đắt hơn 15-30% so với hồi đầu năm. Điều này khiến người tiêu dùng rất bức xúc, bất bình.

Người tiêu dùng cam chịu là tiếp tay cho gian thương đẩy giá vô tội vạ - 1

Giá nhiều loại rau xanh, củ quả sau khi tăng nhanh, giảm chậm hiện đã thiết lập mặt hàng mới đắt đỏ, khiến người tiêu dùng khó khăn. (Ảnh minh họa)

Bức xúc nhưng đành chấp nhận

Anh Nguyễn Thành Đông (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, nhìn lại quãng thời gian gần một năm trở lại đây, giá cả thị trường đã thay đổi quá khác biệt, hầu hết các mặt hàng đều tăng giá lên mà không thấy giảm. 

Bây giờ ra đường, ăn một bát phở cũng phải 35.000 - 40.000 đồng, chắc hẳn sẽ không bao giờ về giá 30.000 đồng như trước nữa. Có những nơi còn có giá cắt cổ hơn, lên đến gần trăm nghìn đồng/bát. Đúng là trước kia không bao giờ nghĩ giá phở có thể đắt như thế này", anh Đông thở dài nói.

Chị Thu Hằng (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng chia sẻ nỗi bức xúc tương tự: "Giá hàng hóa tăng thì nhanh lắm nhưng giảm thì nhỏ giọt, thậm chí là thường xuyên không giảm. Một bát phở tăng vọt lên 35.000 đồng với lý do bị ảnh hưởng bởi xăng tăng giá nhưng giờ khi xăng hạ mạnh thì khách vẫn phải chịu mức giá cũ. Vậy là nghiễm nhiên phở có mặt bằng giá mới, thực khách muốn ăn thì phải chấp nhận chi tiền nhiều hơn".

Chị Hằng cho biết thêm, từ khi giá xăng giảm mạnh, chị luôn để ý xem có mặt hàng nào giảm theo không, vì trước đó nhiều món hàng tăng rất mạnh khiến mỗi lần đi chợ chị luôn phải tính toán, đắn đo. Nhưng chờ đã nhiều ngày mà chị Hằng không thấy các loại rau xanh hay lương thực, thực phẩm nhúc nhích như chị hy vọng. Những người bán hàng trước kia từng trả lời chị là do giá xăng tăng nên phải điều chỉnh giá hàng hóa thì nay lại lý giải chưa thấy giá nhập vào giảm nên vẫn phải bán như trước.

Chị Nhung (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết đang phải chăm lo cho gia đình 5 người. Chị thường xuyên phải "cân đo đong đếm" cẩn thận để thắt chặt chi tiêu gia đình trong thời kỳ lạm phát.

"Mỗi lần đi chợ phải cân nhắc mua gì, để tiết kiệm nhất. Vật giá tăng cao, có khi cầm 500.000 đồng đi chợ, chưa mua được gì nhiều đã thấy hết tiền rồi. Lúc trước, cả gia đình chi tiêu hết tầm 7-8 triệu/tháng thì giờ cũng phải tăng thêm 1-2 triệu tiền đi chợ nữa thì bữa cơm mới được đảm bảo như trước", chị Nhung than.

Chị Trà My (27 tuổi, Hà Nội) cũng lo lắng sau khi đại dịch COVID-19 qua đi, công việc, kinh tế gia đình chưa được phục hồi như trước nhưng giá cả thị trường cứ tăng không giảm khiến gia đình chị rơi vào cảnh khó khăn. "Tôi đang nuôi con nhỏ, vừa rồi lương chưa phục hồi được như cũ mà các chi phí sinh hoạt lại tăng nữa, đâu đâu cũng cần dùng đến tiền. Mỗi tháng, tôi phải chắt bóp từng đồng mới đủ phí sinh hoạt cho cả gia đình", chị My ngán ngẩm.

“Ngày trước tôi cầm tờ tiền mệnh giá 1.000 đồng ra chợ có khi vẫn mua được quất, ớt. Bây giờ vẫn đồng tiền này, đem ra mua ớt, hành tỏi khô chẳng hàng nào nhận, họ bảo bây giờ 1.000 đồng không đủ mua được món gì. Đi siêu thị mà thừa 1.000 đồng, nhiều khi cũng bị người bán bỏ qua, trả thay bằng kẹo vì giờ ít ai mua hàng hóa bằng đồng tiền mệnh giá này”, chị Thanh, công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long, nói.

Trong khi đó chị Thanh Tuyến (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, chuyện hàng hóa tăng giá là một chuyện, cũng không phải là mới lạ nữa. Nhưng một vấn đề khác cũng cần quan tâm đó là phải có cách nào đó để người tiêu dùng được bảo vệ quyền lợi tốt nhất. Nhiều người tiêu dùng bức xúc vì dù hàng hóa đã tăng giá rất mạnh nhưng bất cứ lúc nào họ cũng có thể gặp phải rủi ro khi mua sắm mà không dễ khiếu nại, khiếu kiện.

"Có lần tôi mua một gói xúc xích tại một siêu thị mimi. Dù vẫn còn hạn sử dụng, bao bì cũng không có dấu hiệu đã từng bị bóc nhưng khi tôi đem ra dùng thì một chiếc xúc xích trong đó bốc mùi hôi, có dấu hiệu hỏng, thối. Tôi phàn nàn với nhân viên siêu thị thì họ nói với tôi rằng họ cũng không kiểm soát được, có thể hàng bị hỏng do quá trình vận chuyển. Trong hoàn cản này, tôi cũng không biết phải làm gì nên đành ngậm ngùi cho qua chuyện", chị Tuyến kể.

Cam chịu là tiếp tay cho gian thương

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia trước thực trạng người tiêu dùng tuy biết, bức xúc trước những hành vi vi phạm, kinh doanh thiếu lành mạnh của một số tiểu thương, doanh nghiệp nhưng vẫn chọn cách làm ngơ, chấp nhận móc túi trả tiền. 

Phân tích trường hợp giá hàng hóa tăng mạnh theo giá xăng dầu nhưng lại không chịu giảm khi giá xăng dầu hạ "nhiệt", TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, việc xăng lên kéo theo nhiều mặt hàng tăng giá là quy luật tất yếu của thị trường, bởi xăng dầu là mặt hàng chiến lược, khi xăng dầu tăng thì hàng hoá bán lẻ sẽ tăng theo. Tuy nhiên, khi xăng dầu giảm giá, các mặt hàng khác không giảm theo ngay cũng là điều dễ hiểu. Trong đó, nguyên nhân chính nhất đó là do tâm lý của người tiêu dùng đã chấp nhận mặt bằng giá mới và hoàn toàn phụ thuộc vào các tiểu thương, tư thương kinh doanh tại các chợ truyền thống.

Hay nói cách khác, tâm lý cam chịu của người tiêu dùng đã tiếp tay cho gian thương tăng giá, neo giá sản phẩm ở mức cao trong thời gian dài.

“Hệ thống phân phối bán lẻ của Việt Nam chủ yếu là chợ truyền thống, do tư thương quyết định, còn hệ thống chuỗi siêu thị chiếm thị phần rất ít. Bên cạnh đó là thói quen tát nước theo mưa nên khi giá xăng dầu tăng thì tất cả các mặt hàng cũng tăng theo, còn khi giá xăng dầu giảm xuống thì các tư thương ở chợ truyền thống vì lợi ích cá nhân nên không chủ động giảm giá”, ông Lâm phân tích.

Ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh - giảng viên Học viện Tài chính - cho rằng, giá hàng loạt mặt hàng tăng mạnh thời gian vừa qua là quy luật cung cầu của thị trường. Theo đó, các mặt hàng phục vụ cho sản xuất, kinh doanh tăng giá như nhân công, xăng dầu, logistic kéo hàng hóa đắt đỏ lên là điều dễ.

“Tuy nhiên, chúng ta đã có hai bộ quản lý giá gồm Bộ Công Thương với Tổng cục quản lý thị trường và Bộ Tài chính với Cục Quản lý giá. Họ phải xem giá xăng dầu, giá cả đầu vào tăng bao nhiêu, tác động tới giá thành thế nào. Từ cơ sở đó thì mới tính toán giá bán tăng như thế nào. Ngoài ra, khi xăng dầu giảm thì cần có độ trễ nhất định để hàng hóa điều chỉnh giá, theo chu trình sản xuất thì phải ít nhất 1 tháng. Nếu hàng hóa không giảm thì hai đơn vị quản lý này phải vào cuộc”, ông Thịnh nói.

Tuy nhiên, ông Thịnh thừa nhận, các mặt hàng tự do hiện đang không theo quy luật này vì người kinh doanh càng giữ được giá cao thì lợi nhuận càng cao. "Chính vì thế, đã đến lúc cần sự vào cuộc của Tổng cục quản lý thị trường và Cục Quản lý giá, nếu các mặt hàng có điều kiện giảm giá mà vẫn bảo thủ không chiụ điều chỉnh”, ông Thịnh nói.

Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng nếu người tiêu dùng có chính kiến, kiên quyết không đồng tình với việc đẩy giá một cách vô lý của các tiểu thương thì chắc chắn sẽ hạn chế được phần lớn tình trạng trên. Theo đó, người tiêu dùng hoàn toàn có thể tỏ thái độ "tẩy chay" những cơ sở, địa điểm vi phạm quy luật thị trường để tìm đến những địa chỉ uy tín hơn. Hoặc cao hơn nữa, người tiêu dùng có thể phản ánh trực tiếp đến cơ quan chức năng để có sự xử lý, chấn chỉnh kịp thời, nghiêm khắc.

Người tiêu dùng khi có khiếu nại có thể gửi yêu cầu tới Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; Hội Bảo vệ người tiêu dùng các tỉnh, thành phố.

Đối với tranh chấp liên quan nhiều chủ thể, khác địa bàn địa lý hoặc các tranh chấp khác, người tiêu dùng có thể gửi yêu cầu tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) qua bưu điện đến Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương (Địa chỉ: 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Người tiêu dùng cũng có thể gửi phản ánh qua email: [email protected]; hoặc gọi tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng: 18006838.

Hạo Nhiên
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp