Nghị quyết mới trao cho TP.HCM cơ chế, chính sách đặc thù lớn nhất từ trước đến nay

Chính trịThứ Ba, 27/06/2023 14:00:00 +07:00
(VTC News) -

Với đồng thuận rất cao từ đại biểu Quốc hội khi đạt hơn 97%, Nghị quyết mới đã trao cho TP.HCM những cơ chế, chính sách đặc thù khổng lồ nhất từ trước đến nay.

Sáng 27/6, tại hội thảo Hiện thực hóa Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM do báo Người Lao Động tổ chức, nhiều ý kiến của các lãnh đạo, chuyên gia đã được nêu lên, nhằm đa dạng phương án tiếp cận, phong phú cách thức triển khai.

Chính sách đặc thù lớn nhất từ trước đến nay

Đó là nhận định của ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tại hội thảo.

Theo ông Hoàng Văn Cường, Nghị quyết thông qua 44 cơ chế, chính sách. Trong đó, 7 cơ chế kế thừa từ Nghị quyết 54; 4 cơ chế đã ban hành cho các địa phương khác; 6 cơ chế được đưa vào các dự thảo luật và 27 cơ chế, chính sách chỉ riêng TP.HCM có.

Nghị quyết mới trao cho TP.HCM cơ chế, chính sách đặc thù lớn nhất từ trước đến nay - 1

Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. 

Mặc dù Hà Nội có Luật Thủ đô nhưng cũng không có những cơ chế, chính sách đặc thù như TP.HCM. Điều đặc biệt, đây là một nghị quyết được sự đồng thuận rất cao từ đại biểu Quốc hội khi đạt hơn 97,37%; là cơ chế, chính sách đặc thù khổng lồ nhất từ trước đến nay mà Quốc hội thông qua.

Điều đó cho thấy sự ủng hộ rất cao đối với TP.HCM với mong muốn nhằm khơi dậy đúng mảnh đất năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới; tạo ra động lực, không chỉ giữ vững mà phát huy hơn nữa tính đầu tàu kinh tế của cả nước. 

Ông Cường chia 44 cơ chế, chính sách thành 4 nhóm, gồm nhóm cơ chế làm tăng thêm nguồn thu ngân sách; nhóm biến tiềm năng thành nguồn lực phát triển bao gồm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD) hay cơ chế BOT riêng của TP.HCM; nhóm cơ chế liên quan vấn đề khai thác tài nguyên, đất đai; nhóm cơ chế liên quan tổ chức cán bộ, con người.

Phân tích sâu hơn về các chính sách liên quan vấn đề phân cấp, phân quyền, tổ chức, nhân sự, ông Cường cho rằng: "Phân cấp, phân quyền không phải là để trao quyền nhiều hơn mà chính là cơ sở để thực hiện phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm từ người thực thi đến người quản lý. Khi đã phân định rõ như thế, sẽ không có việc làm xong rồi hỏi… Từ đó, đánh giá hiệu quả của bộ máy, đặc biệt là hiệu quả đầu ra ở cấp cơ sở. Người dân sẽ biết ngay vấn đề này là trách nhiệm của ai. Khi ấy, mỗi cán bộ sẽ phải tự nghĩ cách đào thải, bỏ đi những cơ chế vô lý, nhũng nhiễu.

Đi kèm với việc đó là chế độ đãi ngộ thỏa đáng, động lực để thu hút người tài và cán bộ toàn tâm, toàn ý phục vụ người dân tốt hơn.

Cần lồng ghép 2 cơ chế này để tạo ra cơ chế thực sự vượt trội, làm sao để tạo thành mô hình với chính sách bố trí, sử dụng, trả lương cho cán bộ, công chức hợp lý để cán bộ công chức toàn tâm, toàn ý làm việc, cuộc sống được bảo đảm"

Ông Cường cũng khẳng định, Thành phố cần tạo nên ma trận phân công công việc cho các sở, ban, ngành, cơ quan để nhanh chóng đồng bộ công việc, tránh tình trạng chỗ này muốn làm nhưng phải chờ, hoặc vướng ở chỗ khác.

Nghị quyết mới trao cho TP.HCM cơ chế, chính sách đặc thù lớn nhất từ trước đến nay - 2

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM, phát biểu tại Hội thảo.

Tại hội thảo, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM cho biết, Nghị quyết mới vừa được Quốc hội thông qua là Nghị quyết 98 với mong muốn làm sao khơi thông để TP.HCM có thể tự bứt phá bằng nguồn lực của mình.

Việc ban hành thông qua Nghị quyết 98 thay thế Nghị quyết 54 là 1 trong 5 điểm nhấn của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, với việc ban hành cho TP.HCM một số cơ chế, chính sách để phát triển vượt trội.

Rút kinh nghiệm của 3 khía cạnh từ Nghị quyết 54 không đạt như kỳ vọng, do đó lần này TP.HCM đặt mục tiêu là tổ chức thực hiện thế nào để hiệu quả nhất đáp ứng mong đợi của người dân TP và cả nước. Và do đó, TP.HCM ngay từ đầu đã ban hành kế hoạch, bám sát với các cơ quan Trung ương, bộ, ngành và từng cơ quan liên quan để có kế hoạch dự thảo.

Thành phố đã ban hành kế hoạch trong đó đề ra những nhiệm vụ cụ thể, và sẽ trình 8 tờ trình tới HĐND TP về các cơ chế chính sách; các nội dung cụ thể về TOD, thu hồi đất… Từng quý sẽ có từng nhiệm vụ riêng như quý 3 có 11 nhiệm vụ và quý 4 có 34 nhiệm vụ, từng sở, ngành phải triển khai các đầu việc để hoàn thành. 

Với sự quyết tâm của cán bộ, sở ngành, TP bám sát kế hoạch của Quốc hội, sự quyết tâm, đồng lòng làm sao hiện thực hóa nghị quyết tốt nhất. Hiện TP đang trong quá trình hoàn tất nghị định để triển khai các cơ chế cụ thể trong thời gian sớm nhất. Dự kiến trong năm 2023 sẽ hoàn thành tất cả cơ chế chính sách để thực hiện và Bộ KHĐT đang phối hợp với thành phố để ban hành nghị định sớm nhất triển khai Nghị quyết này.

Dù không có mặt trực tiếp tại hội thảo, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM vẫn gửi những thông tin quý báu cho các lãnh đạo và chuyên gia tham dự.

Nghị quyết mới trao cho TP.HCM cơ chế, chính sách đặc thù lớn nhất từ trước đến nay - 3

Nghị quyết mới đã trao cho TP.HCM những cơ chế, chính sách đặc thù khổng lồ nhất từ trước đến nay. (Hình minh hoạ)

Theo ông Phan Văn Mãi, TP đang khẩn trương chuẩn bị về tâm thế, các nội dung, các điều kiện triển khai Nghị quyết này. Đầu tháng 7/2023, TP.HCM sẽ tổ chức hội nghị toàn TP để triển khai Nghị quyết. Trong quá trình đó, TP sẽ phối hợp với các cơ quan Trung ương, các viện, trường, các chuyên gia để cụ thể hóa hơn các cơ chế, chính sách, sắp xếp ưu tiên để triển khai trong thời gian sắp tới.

"Chúng tôi hiểu rằng việc triển khai Nghị quyết rất khó khăn nên TP.HCM sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan Trung ương, chuyên gia để chuẩn bị tốt nhất. TP.HCM rất mong muốn các cơ quan trung ương hỗ trợ TP để triển khai Nghị quyết đạt kết quả cao nhất", Chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ.

Sớm đưa vào thực tiễn, phát huy hiệu quả tối đa

Ông Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP.HCM nói tại hội thảo: "HĐND TP trên tâm thế sẵn sàng, quyết liệt để cùng TP.HCM thực hiện Nghị quyết này thành công, hiệu quả để TP.HCM mạnh mẽ tiến lên.

Với vai trò, trách nhiệm của HĐND TP, chúng tôi sẽ phối hợp với UBND TP, các sở, ban, ngành để sớm đưa Nghị quyết đi vào thực tiễn, phát huy hiệu quả tối đa, đáp ứng được nhu cầu và mong mỏi của nhân dân TP".

Nghị quyết mới trao cho TP.HCM cơ chế, chính sách đặc thù lớn nhất từ trước đến nay - 4

Ông Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP.HCM.

Ông Lê Trương Hải Hiếu nhìn nhận, Quốc hội đã cho TP.HCM một cơ chế mở, giúp TP huy động, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Ngay khi Nghị quyết được thông qua, Thường trực HĐND TP đã phân công cho các ban lên kế hoạch và hoàn thành kế hoạch thực hiện Nghị quyết này. 

Đồng tình với ý kiến của ông Lê Trương Hải Hiếu, ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, Sở đã chủ động xây dựng kế hoạch.

Việc chủ động triển khai thực hiện cơ chế chính sách, TP đã có sự chuẩn bị ngay khi dự thảo nghị quyết được Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua. Sở GTVT đã chủ động bám sát kế hoạch của UBND TP để xây dựng kế hoạch triển khai.

Sở đã tổ chức thực hiện đối với việc áp dụng hợp đồng BOT đối với hệ thống đường bộ hiện hữu. Thực hiện rà soát, đánh giá và tham mưu, đề xuất quy định tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính và danh sách các dự án áp dụng hợp đồng BOT đối với đầu tư, xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu…

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện Nghị quyết phải liên tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ phía Trung ương, không phải đợi đến 3 năm sơ kết hay 5 năm. 

Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM cho rằng, Trung ương cần tạo cho TP.HCM sự chủ động nhiều hơn nữa, nhất là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Cùng với đó, cần tạo điều kiện cho TP.HCM thực hiện thành công mô hình chính quyền đô thị, phát huy vai trò đầu tàu.

Đào Thắm
Bình luận
vtcnews.vn