Nghị quyết 96/NQ-BCS: Chìa khóa mở cánh cửa giúp Quảng Nam truyền thông hiệu quả

Tin nhanh 24hThứ Năm, 29/12/2022 16:41:00 +07:00
(VTC News) -

Sau 5 năm triển khai Nghị quyết số 96/NQ-BCS ngày 24/8/2017 của Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh Quảng Nam đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng.

Ông Nguyễn Thanh Danh - Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam cho biết, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 96/NQ-BCS, sự đổi mới của công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân đối với chính sách BHXH, BHYT. Từ hình thức đơn giản chỉ là phổ biến, sau 5 năm công tác tuyên truyền đã chuyển sang phương châm lấy người dân, NLĐ làm trung tâm. Đáng chú ý, với việc triển khai tuyên truyền đa dạng đến các nhóm đối tượng, đã từng bước giúp người dân tiếp cận đầy đủ, chính xác thông tin, hiểu rõ về những lợi ích của chính sách BHXH, BHYT để chủ động tham gia.

Nghị quyết 96/NQ-BCS: Chìa khóa mở cánh cửa giúp Quảng Nam truyền thông hiệu quả - 1

Sau 5 năm triển khai Nghị quyết số 96/NQ-BCS ngày 24/8/2017 của Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh Quảng Nam đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng.

Bám sát tinh thần Nghị quyết số 96/NQ-BCS, BHXH tỉnh Quảng Nam đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh coi công tác truyền thông về BHXH, BHYT là nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền địa phương, của cả hệ thống chính trị và phải được tiến hành một cách chủ động, tích cực, thường xuyên, liên tục. Đặc biệt, làm tốt công tác truyền thông sẽ góp phần củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân vào chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT. Đây chính là cơ sở để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu mà Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương đã đề ra trên địa bàn tỉnh.

Cũng theo ông Danh, giai đoạn trước khi có Nghị quyết số 96/NQ-BCS, hình thức truyền thông trực tiếp còn nhiều hạn chế. Theo đó, hình thức chủ yếu là phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan, theo tính chất từng giai đoạn, không liên tục và chủ yếu mang tính chất phổ biến nội dung cơ bản về chính sách, chứ chưa thật sự tuyên truyền sâu rộng, bám sát đến từng nhóm người tiềm năng.

Tuy nhiên, sau khi Nghị quyết số 96/NQ-BCS ra đời, nội dung và hình thức tuyên truyền đã có nhiều thay đổi. Theo đó, nội dung truyền thông ngắn gọn, súc tích (xây dựng các thông điệp truyền thông gần gũi, dễ nhớ) như pano, áp phích, tờ rơi, tờ gấp. Bên cạnh phổ biến kiến thức về chế độ BHXH, BHYT, còn đẩy mạnh truyền thông về ý nghĩa, vai trò, lợi ích, tính nhân văn của chế độ BHXH, BHYT, đặc biệt là chế độ BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; tăng cường truyền thông về các gương người tốt-việc tốt, sáng kiến hay, hữu ích trong thụ hưởng và thực hiện các chính sách BHXH, BHYT; tuyên truyền để thấy rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; truyền thông quảng bá vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, đặc trưng, bản chất của BHXH, BHYT, giúp cho xã hội phân biệt được BHXH, BHYT với các loại hình bảo hiểm thương mại.

Với sự phát triển của Internet, truyền thông xã hội còn cho phép công dân mạng tự tạo lập kênh thông tin của riêng mình, có mạng lưới độc giả rộng lớn, có khả năng lan truyền và truyền tải thông điệp rất nhanh. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, nhằm đa dạng công tác tuyên truyền, vào tháng 9/2021, BHXH tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập 2 kênh truyền thông chính thức trên mạng xã hội Zalo và Facebook với tên gọi “Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Nam”. Đội ngũ CCVC và NLĐ toàn hệ thống tích cực sử dụng tài khoản cá nhân (Facebook, Zalo…) đăng tải rộng rãi các sản phẩm trong “Danh mục sản phẩm truyền thông”… tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT một cách rất nhiệu quả.

Bên cạnh những nội dung truyền thông chủ yếu trên, BHXH tỉnh Quảng Nam còn vận dụng sáng tạo tinh thần Nghị quyết 96-NQ/BCS và Quyết định số 1676/QĐ-TTg để đổi mới toàn diện công tác tuyên truyền chính sách BHXH. Các sản phẩm truyền thông của BHXH tỉnh Quảng Nam đem lại hiệu quả cao, có sức lan tỏa mạnh như: Treo áp phích tuyên truyền về Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 214, Điều 215, Điều 216 của Bộ luật Hình sự về các tội danh liên quan đến chính sách BHXH, BHYT; xây dựng “Nhạc chờ”, tổ chức đêm hội “Bài chòi” tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, gửi “Thư ngỏ” giúp phát riển nhanh BHXH tự nguyện và hạn chế nhận BHXH một lần.

Bà Đỗ Thị Bích Hoa - Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng (BHXH tỉnh Quảng Nam) cũng cho biết, thời gian qua, BHXH tỉnh Quảng Nam đã đổi mới mạnh mẽ quy trình nghiệp vụ, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, tinh thần thái độ phục vụ nhân dân; nỗ lực trong việc thực hiện cải cách TTHC và ứng dụng CNTT trong quản lý các hoạt động nghiệp vụ. Đáng chú ý, ra sức xây dựng hình ảnh người cán bộ BHXH “thân thiện, nghĩa tình, tận tụy và trách nhiệm” gắn với phong trào mỗi CCVC, NLĐ là một tuyên truyền viên BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, đội ngũ CCVC của BHXH tỉnh Quảng Nam còn luôn nêu cao tinh thần "lấy người dân, DN làm chủ thể, trung tâm phục vụ".

Nhờ vậy, từ năm 2017 đến nay, số người tham gia BHXH, BHYT tăng đều qua các năm. Nếu năm 2017 chỉ có 162.594 người thàm gia BHXH bắt buộc, 2.392 người tham gia BHXH tự nguyện, 1.366.818 người tham gia BHYT, thì 9 tháng đầu năm 2022 toàn tỉnh đã có 187.811 người tham gia BHXH bắt buộc, 20.137 người tham gia BHXH tự nguyện, 1.456.250 người tham gia BHYT…

Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Thanh Danh, để có thể thay đổi nhận thức của người dân một cách toàn diện, công tác tuyên truyền cần tiếp tục được quan tâm, chú trọng hơn nữa và phải xác định đây là việc làm lâu dài và còn đối mặt rất nhiều khó khăn. Do đó, đòi hỏi BHXH tỉnh Quảng Nam phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa đổi mới cả hình thức và nội dung công tác truyền thông, nhất là chú trọng truyền thông trực tiếp đến từng nhóm đối tượng, từng địa bàn để duy trì phát triển bền vững số người tham gia BHXH, BHYT.

THANH DŨNG
Bình luận
vtcnews.vn