Làm gì để người lao động không rút bảo hiểm xã hội một lần?

Tin nhanh 24hChủ Nhật, 25/12/2022 10:48:00 +07:00
(VTC News) -

Việc nhận bảo hiểm xã hội một lần có thể giải quyết một số khó khăn trước mắt, song người lao động sẽ đánh mất cơ hội hưởng an sinh xã hội khi đến tuổi già.

Theo quy định, sau một năm nghỉ việc, người lao động không tìm được việc làm mới, không tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ đủ điều kiện làm thủ tục nhận BHXH một lần.

Thế nhưng, trong năm 2022, tỷ lệ người lao động ở Thừa Thiên - Huế rút BHXH một lần giảm đáng kể, bởi họ hiểu được BHXH không chỉ mang lại lương hưu cho họ khi về già, mà còn có thêm nhiều chính sách về bảo hiểm y tế (BHYT), chế độ tử tuất…

Làm gì để người lao động không rút bảo hiểm xã hội một lần? - 1

Tỷ lệ người lao động ở Thừa Thiên - Huế rút bảo hiểm xã hội một lần giảm đáng kể. (Ảnh minh hoạ)

Thay đổi nhận thức

Thời điểm này, hàng nghìn người lao động tại các tỉnh, thành phố trong cả nước đang đổ xô đến cơ quan BHXH các địa phương để làm thủ tục nhận BHXH một lần dẫn đến tình trạng chờ đợi, chen lấn ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Trong khi đó, tại Thừa Thiên - Huế, tỷ lệ người lao động đăng ký thủ tục nhận BHXH một lần lại giảm đáng kể so với các năm trước.

Theo thống kê của BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế số người hưởng BHXH một lần trong tháng 11/2022 giảm 772 người so với cùng kỳ năm trước (trong khi số liệu toàn quốc tăng 56.769 người so với cùng kỳ năm trước). Đây là tín hiệu mừng, một phần nhờ vào nhận thức của người lao động, đồng thời nhờ vào những giải pháp truyền thông đến từng cơ quan, doanh nghiệp và người lao động của BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Việc nhận BHXH một lần có thể giải quyết một số khó khăn trước mắt, song người lao động sẽ đánh mất cơ hội hưởng an sinh xã hội khi đến tuổi già, cái tuổi dễ đau ốm, bệnh tật nhất. Hiểu được điều này, nhiều người lao động lựa chọn giữ lại sổ BHXH để có cơ hội nhận lương hưu và được cấp thẻ BHYT miễn phí để chăm sóc sức khỏe.

Anh Đỗ Anh Tuấn (trú tại phường Thủy Xuân, TP Huế) cho biết, sau hơn 7 năm đi làm công nhân tại Bình Dương, nay trở về địa phương mở cửa hàng kinh doanh tại nhà, anh vẫn tiếp tục duy trì tham gia đóng BHXH để sau này về già, đó sẽ là “của để dành” cho tương lai. Không chỉ được hưởng chế độ lương hưu như nhiều người khác, anh sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí, được chăm sóc sức khỏe khi tuổi cao, từ đó giúp giảm bớt gánh nặng cho gia đình, hạn chế phụ thuộc vào con cháu.

Đồng quan điểm với anh Tuấn, chị Mai Ngọc (trú phường An Đông, TP Huế) đóng BHXH bắt buộc được 12 năm, sau khi thất nghiệp chị không lựa chọn nhận BHXH một lần, thay vào đó tiếp tục đóng BHXH tự nguyện để không rời khỏi hệ thống an sinh xã hội.

Nhận BHXH có thể có ngay một số tiền lớn để chi tiêu trong thời điểm này, nhưng nghĩ đến cảnh về già không có lương hưu, đặc biệt không được cấp thẻ BHYT miễn phí để hưởng các quyền lợi về khám, chữa bệnh BHYT, chăm sóc sức khỏe khi tuổi già sẽ thiệt thòi rất lớn. Mình còn trẻ, còn sức khỏe nên tiếp tục tham gia để đến khi về già không phải lo nghĩ cho cuộc sống của bản thân, không phải phụ thuộc con cái đó cũng là niềm hạnh phúc”, chị Mai chia sẻ.

Đẩy mạnh công tác truyền thông

Việc người lao động hưởng BHXH một lần sẽ rất thiệt thòi. Theo đó, khi rút BHXH một lần, số tiền thực tế sẽ thấp hơn nhiều so với số tiền tham gia đóng vào quỹ BHXH.

Cụ thể, theo quy định hiện nay, tổng mức đóng vào quỹ BHXH sẽ là 22% tiền lương tháng, tương đương trên 2,6 tháng lương/năm. Nếu rút BHXH thì người lao động chỉ được trả lại bằng 2 tháng lương cho mỗi năm đóng BHXH, đồng thời khi về già sẽ không có tiền hưu trí, phải sống phụ thuộc vào con cháu; khi ốm đau, bệnh tật, không được hưởng BHYT miễn phí; khi tử vong, gia đình không được trợ cấp mai táng... Nếu người lao động sau này đi làm trở lại và có tham gia BHXH thì thời gian đóng trước đó cũng không được tính do đã hưởng BHXH một lần.

Để hạn chế tình trạng người lao động hưởng BHXH một lần, BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế luôn tăng cường tuyên truyền về lợi ích, tính nhân văn của chính sách BHXH thông qua các buổi truyền thông nhóm, truyền thông cá nhân; tuyên truyền, giới thiệu các chính sách bảo hiểm đến với người lao động, người dân.

Trong đó, nhấn mạnh việc tuyên truyền những thiệt thòi khi người lao động lựa chọn nhận BHXH một lần và coi đó là chủ đề chủ điểm để lên kế hoạch thực hiện cụ thể. Ngoài ra, tập trung nhấn mạnh việc NLĐ sẽ mất cơ hội được hưởng lương hưu, không có điều kiện vật chất đảm bảo cho cuộc sống lúc tuổi già; mất quyền lợi được cấp thẻ BHYT miễn phí để hưởng các quyền lợi về khám, chữa bệnh BHYT; mất chế độ tử tuất... Đồng thời, kết hợp truyền thông kết quả vận động người lao động không rút BHXH một lần.

Theo lãnh đạo BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế, từ việc kết hợp truyền thông trực tiếp tại các hội nghị đối thoại với người lao động, nay đơn vị phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tuyến tin bài, phóng sự chuyên sâu…

Ngoài ra, thường xuyên thông tin, truyền thông trên các phương tiện truyền thông của ngành, truyền thông qua hoạt động hỗ trợ, tư vấn, giải đáp trên môi trường Internet, mạng xã hội, hệ thống loa truyền thanh cơ sở; truyền thông qua các sản phẩm truyền thông như tờ rơi, tờ gấp…Việc lựa chọn truyền thông qua nhân vật thực tế (người thật việc thật) được cho là có hiệu quả lan tỏa rộng lớn hơn cả.

Một trong những giải pháp tuyên truyền hiệu quả để nguời lao động không rút BHXH một lần, đó là phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm phát tờ rơi để tuyên truyền, vận động người lao động nên bảo lưu hoặc tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, không vội vàng hưởng BHXH một lần, nhằm cộng nối thời gian tham gia BHXH để hưởng các chế độ an sinh lúc về già.

Trong đó, chú trọng truyền thông tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thông qua các buổi làm việc trực tiếp tại đơn vị sử dụng lao động, kết hợp với việc phát tờ rơi, tờ gấp; truyền thông trên bảng tin; phát video clip, phóng sự ngắn trên bảng điện tử của các doanh nghiệp, khu công nghiệp...

BẢO HƯNG
Bình luận
vtcnews.vn