Nghèo vì dành chi phí lớn để mua thực phẩm, nhiên liệu

Kinh tếThứ Sáu, 10/06/2011 07:20:00 +07:00

(VTC News)- Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng: "Nhiều người có khả năng tái nghèo khi có những cú sốc về kinh tế và khủng hoảng".

(VTC News)- Bà Victoria Kwakwa, giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng: "Nhiều người có khả năng tái nghèo khi có những cú sốc về kinh tế và khủng hoảng". Còn ngài Bruce Campbell - Quyền điều phối viên Thường trú của Liên hợp quốc nói, nhiều người nghèo vì phải dành phần lớn thu nhập để mua thực phẩm...

Người nghèo và lạm phát

Tại Hội nghị giữa kỳ nhóm Tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam chiều 9/6/2011, một số đối tác cho rằng, chính sách bình ổn giá đang được thực hiện tại các thành phố lớn tỏ ra không đem lại lợi ích cho người nghèo. Người nghèo có xu hướng không mua thực phẩm ở các điểm bán hàng “bình ổn giá” do giá cả không thấp hơn nhiều so với giá thị trường, chủng loại mặt hàng nghèo nàn. Bản thân họ không được vay nợ, điều này trái ngược với việc mua hàng tại nhiều cửa hàng đại lý của người dân địa phương.

Với các biện pháp đền bù những hộ gia đình nghèo do giá điện tăng, vẫn có dấu hiệu cho thấy người dân nghèo từ các tỉnh lẻ di cư vào thành phố không được liệt vào danh sách hộ gia đình đủ điều kiện được đền bù. Chính sách này có thể cũng không đến được với người di cư nghèo trả tiền điện qua chủ nhà trọ. Đối với những hộ nghèo có đăng ký, ngưỡng 50kWh/tháng là quá thấp và trợ cấp 30.000 đồng/tháng là quá nhỏ để có tác động đáng kể với giá điện hiện nay.

Bà Kwakwa - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu: "Nhiều người có khả năng tái nghèo khi có những cú sốc về kinh tế và khủng hoảng".

Tại hội nghị - Quyền điều phối viên Thường trú của Liên hợp quốc – Ngài Bruce Campbell đã nhấn mạnh: Lạm phát cao có tác động nhiều hơn đến người nghèo và có khả năng đẩy nhiều hộ gia đình vào tình trạng nghèo đói.

Cụ thể như người nghèo đô thị, người lao động di cư và cán bộ viên chức nghỉ hưu, những người phải dành phần lớn thu nhập để mua thực phẩm – là những đối tượng bị tác động nhiều nhất bởi giá nhiên liệu, nhà ở, đi lại và chi phí cho các dịch vụ xã hội gia tăng.

Cũng theo ông Campbell, lạm phát ảnh hưởng đến các hộ gia đình nghèo làm nông nghiệp và ngay cả những hộ sản xuất lương thực, do họ phải trả nhiều hơn cho chi phí đầu vào các dịch vụ xã hội.

Các biện pháp bảo trợ xã hội được đưa ra trong Nghị quyết 11 đã được thiết kế nhằm giảm nhẹ những tác động kể trên. Tuy nhiên, các biện pháp này có thể không đến được với những người lao động di cư nghèo do họ không có đăng ký nhân khẩu và thường trả tiền điện thông qua chủ nhà trọ. Người lao động không chính thức, người di cư nghèo, người sống chung với HIV và người khuyết tật ít được tiếp cận với an sinh xã hội cơ bản. Phụ nữ - đối tượng thường tập trung ở khu vực lao động không chính thức, làm những việc thiếu đảm bảo – là những người đặc biệt dễ bị tổn thương.

Với lạm phát tăng cao đã ảnh hưởng đến đời sống của người nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội. Theo con số mà ông Nguyễn Trọng Đàm –Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra cho thấy, số lượng lượt nghèo đói trong 2 tháng đầu năm 2011 là 838,6 nghìn lượt người, cao gấp hai lần so với  hai tháng đầu năm 2010. Khoảng cách giàu nghèo có xu hướng tăng lên.

Giá cả tăng cao đã ảnh hưởng đến đời sống của hầu hết mọi người dân. Đối tượng bị ảnh hưởng lớn nhất là những người làm công, ăn lương do không có nguồn thu nhập nào ngoài tiền lương nhưng đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là người nghèo và các đối tương bảo trợ xã hội do thiếu năng lực tự chống được.

Đâu là giải pháp cho người nghèo

Ông Nguyễn Trọng Đàm – Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương Binh – Xã hội đề cập đến Chính phủ đã đồng thời triển khai hai nhóm giải pháp có tính chất ổn định trong dài hạn và các giải pháp tình thế, cụ thể như: Mở rộng độ bao phủ và nâng mức trợ giúp xã hội thường xuyên, triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, tăng cường dạy nghề và giải quyết việc làm, ban hành và thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội nhằm giảm thiểu những rủi ro do tác động của bất ổn kinh tế vĩ mô. Chính sách hỗ trợ giáo dục cho con em trong các gia đình nghèo, chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, thực hiện quyết định 167/2008/QD-TTg nhằm hỗ trợ gia đình nghèo về chỗ ở, ban hành Nghị quyết 80/NQ-CQ về giảm nghèo bền vững thời kỳ năm 2011-2020.

Còn về giải pháp tình thế mà Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là thực hiện trợ giúp đột xuất tức là hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo (30.000 đồng/tháng), cấp gạo cứu đói kịp thời cho những địa phương không có khả năng tự đảm bảo. Hỗ trợ phục hồi sản xuất nhằm thu hút lao động trong đó Nhà nước hỗ trợ 40% lãi suất đề các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng ổn định sản xuất. Trong 2 năm, các doanh nghiệp đã được vay khoảng 8 tỷ USD, trong đó nhà nước bỏ ra khoảng 1 tỷ USD để bù lãi suất.

Ông Đàm cũng nhấn mạnh: “Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh, Xã hội đang xây dựng chiến lược an sinh xã hội của Việt Nam và Đề án an sinh xã hội cho dân cư nông thôn thời kỳ 2001-2020, Bộ sẽ sớm trình Chính phủ ban hành”.

Bà Victoria Kwakwa đưa ra giải pháp: "Cần có hệ thống an sinh xã hội tính tới các đối tượng trong đó là xây dựng khả năng chịu đựng để họ không rơi vào tình trạng tái nghèo. Cần  lồng ghép các chương trình chính sách để đưa ra các chiến lược an sinh xã hội lớn hơn".

Theo ông Campbell cần có hệ thống bảo trợ xã hội thống nhất dành cho tất cả mọi người, trong đó kết hợp các chương trình hiện có nhằm hỗ trợ tất cả mọi người dân Việt Nam khi họ trải qua các cú sốc và khủng hoảng về kinh tế, sức khỏe và môi trường.

Ngoài ra các đối tác khác hoan nghênh Nghị quyết 80 về giảm nghèo bền vững ở Việt Nam. Nghị quyết này là một bước tiến quan trọng trong việc xem xét và lồng ghép một số yếu tố vào Chiến lược An sinh xã hội. Việc cần thiết phải có sự cộng tác giữa các cơ quan Chính phủ và hợp tác với các chủ thể ngoài nhà nước đã được ghi nhận rõ ràng, các khuôn khổ hợp tác và đối thoại chính sách mạnh mẽ cùng với Ban Điều hành quốc gia về giảm nghèo sẽ là phương tiện cho nỗ lực này

Đặc biệt, các đại biểu cùng chung quan điểm: Các chương trình giảm nghèo và bảo trợ xã hội cần được sắp xếp hợp lý hơn để cung cấp an sinh xã hội thống nhất, hiệu quả và hiệu suất hơn, gồm cả những hỗ trợ cho những người dễ bị tổn thương trước các cú sốc.

Bài, ảnh: Thành Công




 

Bình luận
vtcnews.vn