Ngã không ai đỡ dậy, bị ôtô đâm chết: Bỏ mặc người, ai sẽ cứu ta khi gặp nạn?

Ý kiếnThứ Năm, 17/12/2020 07:00:00 +07:00
(VTC News) -

Khi biện minh cho việc bỏ mặc người bị nạn, như chàng trai Bình Dương bị ô tô đâm chết vì ngã không ai đỡ dậy, bạn có tự hỏi nếu mình cũng gặp nạn thì ai sẽ cứu?

Video: Nam thanh niên ngã xe nhưng không ai đỡ dậy nên bị xe khách cán chết

Tôi đã đọc trên VTC News bài “Ngã không ai đỡ dậy, bị ôtô đâm chết thảm khốc: Vô cảm cũng là giết người” cũng như xem kỹ các bài viết và bình luận liên quan. Cảm giác thật buồn và đau lòng. Buồn đau vì thực tế cuộc sống có quá nhiều thứ cản trở chúng ta tuân theo bản tính thiện lương trời sinh – “nhân chi sơ tính bản thiện”, như sách xưa đã nói. Buồn đau vì có vẻ như ngày càng nhiều người chấp nhận điều đó như là tất yếu. Số bình luận có chiều hướng bênh vực, ủng hộ cách hành xử “mặc kệ nạn nhân để bảo vệ mình an toàn” thể hiện rõ điều này.

Tất cả những trở ngại mà các bạn nêu đều đúng, rằng cứu người có thể bị vạ lây: Bị người nhà nạn nhân đánh do hiểu lầm mình là người gây tai nạn, phải làm việc với cơ quan chức năng, bị mất tài sản (xe chẳng hạn) khi đưa người bị nạn đi cấp cứu, bị sập bẫy của những kẻ lừa đảo, cướp giật, thậm chí có nguy cơ vướng vòng lao lý một cách oan ức… Quả thật, cộng đồng và các cơ quan hữu trách cần có giải pháp đồng bộ để bảo vệ những người làm việc tốt, để các nạn nhân có nhiều cơ hội được cứu. Chắc rằng đây sẽ là một hành trình dài và không dễ dàng.

Ngã không ai đỡ dậy, bị ôtô đâm chết: Bỏ mặc người, ai sẽ cứu ta khi gặp nạn? - 1

Hiện trường vụ tai nạn đêm 11/12 ở Bình Dương, nạn nhân là anh P., bị xe khách đâm chết sau khoảng thời gian nằm trên đường do ngã xe nhưng không ai đỡ dậy.

Nhưng chẳng lẽ trong thời gian chờ đợi “mùa xuân” đó, những người như anh P. Bình Dương – người bị ô tô tông chết chỉ vì không ai đỡ dậy sau cú ngã xe – cũng phải chờ chết? Hãy thử đặt mình vào địa vị chàng trai bị ngã không thể đứng dậy ấy, chỉ cần ai đó chìa một bàn tay đỡ đưa vào lề đường là sẽ an toàn, thế nhưng cứ phải tuyệt vọng nhìn hết người này đến người khác hờ hững đi qua không trao cho mình thứ gì ngoài ánh mắt lướt vội, và rồi kinh hoàng đón nhận cái chết trong hình hài chiếc xe khách.

Khi đó, bạn có còn cho rằng bỏ mặc người bị nạn để khỏi phiền toái, vạ lây là điều hợp lý, đương nhiên, không đáng phê phán?

Đành rằng những bất cập kia là có thật, nhưng lòng thiện của con người cần chiến thắng nó. Thế mới có những trường hợp xả thân cứu người trong tình huống nguy hiểm ngàn cân treo sợi tóc mà không kịp nghĩ suy, tính toán được mất. Chúng ta trầm trồ là những người được cứu ấy thật may mắn, nhưng rõ ràng may mắn ấy không phải do trời ban, mà là kết quả sự xả thân, quên mình của con người nào đó. Nếu mỗi người chúng ta đều vì sợ phiền, sợ lụy, sợ làm ơn mắc oán thì ai sẽ là người tạo ra may mắn ấy đây?

Ngã không ai đỡ dậy, bị ôtô đâm chết: Bỏ mặc người, ai sẽ cứu ta khi gặp nạn? - 2

Cô gái bị tai nạn giao thông nằm bất động trên vỉa hè TP.HCM rạng sáng 25/6/2019. Mấy chục người đi qua chỉ nhìn mà không dừng lại, cô gái qua đời sau đó. (Ảnh cắt từ clip)

Chúng ta có quyền ích kỷ, chúng ta phải bảo vệ bản thân. Điều đó đúng. Nói đạo đức thì dễ, đến lúc đối mặt với nguy hiểm thì con người rất dễ trở nên hèn nhát và sẽ bỏ qua việc nghĩa để giữ an toàn cho mình. Điều đó không sai. Nhưng cho dù chính mình chưa dám sống nghĩa hiệp, chúng ta cũng không nên coi việc bỏ mặc đồng loại là đương nhiên và chính đáng, mà phải nhìn nhận đó là hèn nhát và tội lỗi. Có như thế chúng ta mới có thể hướng mình đến điều tốt đẹp hơn, mới có thể hy vọng tuy lần này ta chưa dám làm việc thiện, nhưng lần sau có thể sẽ dám làm.

Biện minh cho việc thấy chết không cứu để tránh nguy hiểm cho mình, nhiều người viện dẫn câu “Người không vì mình, trời tru đất diệt”, nhưng họ đã hiểu câu nói này một cách sai lệch và cực đoan rồi. Vì mình mà để người khác bị hủy diệt, không có trời đất nào đồng tình cả. Và tại sao khi đối diện với lựa chọn cứu người hay bỏ đi, bạn không nghĩ đến câu nói của Địa Tạng Bồ tát: “Ta không vào địa ngục thì ai sẽ vào?”.

Cuối cùng, có lẽ mỗi chúng ta đều nên tự hỏi, nếu ai cũng cân nhắc, tính toán khi cần cứu người rồi quyết định mặc kệ, thì khi chính mình gặp nạn, ai là người sẽ cứu ta?

Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.

Nhật Lê
Bình luận
vtcnews.vn