Nam thanh niên gặp tai nạn không ai giúp ở Bình Dương: Khó xử lý người đi đường

Pháp đìnhThứ Ba, 15/12/2020 16:09:00 +07:00
(VTC News) -

Theo luật sư, việc bỏ mặc người bị tai nạn nguy hiểm đến tính mạng có thể xử lý hình sự, song thực thế rất khó xác định, xử lý những người đi đường bỏ mặc nạn nhân.

Trước đó, khoảng 22h05 ngày 11/12, anh P.H.P. (30 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) điều khiển xe máy từ Bình Dương đi Bình Phước.

Khi đến đoạn đường thuộc xã Vĩnh Hòa (huyện Phú Giáo) thì bất ngờ bị ngã xe nằm bất tỉnh giữa đường.

Nam thanh niên gặp tai nạn không ai giúp ở Bình Dương: Khó xử lý người đi đường - 1

Hiện trường nơi xảy ra tai nạn khiến nam thanh niên chết thảm.

Tại đây, có một số người dân đi xe máy ngang qua chứng kiến vụ việc (trong đó có người còn dừng lại nhìn) nhưng không một ai giúp đỡ. Ngay sau đó, anh P. bị một chiếc xe khách cán qua người, khiến anh P. chết tại chỗ.

Sau khi biết sự việc nhiều người bày tỏ bức xúc trước  sự vô cảm, bỏ mặc nạn nhân của những người đi đường.

Liên quan đến sự việc trên, chiều 15/12, trả lời VTC News, luật sư Trần Minh Cường (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, trong một số hoàn cảnh cụ thể hành vi không cứu giúp nạn nhân của những người đi đường có thể bị xử lý về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo Điều 132 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017 (trong đó mức hình phạt đến 7 năm tù).

“Trên thực tế để xử lý về tội này thì không dễ dàng. Vì khi xác định tội này thì hành vi không cứu giúp người cần xác định mối quan hệ nhân quả của hành vi không cứu giúp với hậu quả chết người. Có nghĩa là nếu xác định vì không cứu mà dẫn đến hậu quả người đó chết thì mới có tội (trong khi mình có khả năng cứu nhưng lại không cứu).

Ngoài ra việc phải xác định được danh tính cụ thể những người đi đường, việc chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi với hậu quả chết người là rất khó.

Một câu hỏi đặt ra là nếu có rất nhiều người đi ngang qua thấy vụ tai nạn mà không cứu thì chúng ta sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự hết tất cả người này hay sao? Điều này gần như là không thể”, luật sư Cường nói.

Theo luật sư Cường, cứu giúp người bị gặp nạn nguy hiểm không chỉ là tình người mà còn là nghĩa vụ của công dân. Tuy nhiên, trên thực tế không ít người cho rằng việc giúp người gặp nạn có thể đem đến rắc rối, phiền phức chẳng hạn như được cơ quan Công an hoặc người nhà nạn nhân mời lên làm việc rất nhiều lần với vai trò nhân chứng…. từ đó dẫn đến tâm lý e dè và ngại cứu giúp người bị nạn.

“Tuy nhiên, cho dù với lý do gì, qua việc này, chúng ta có thể thấy sự vô cảm đang hình thành xung quanh chúng ta, cho dù có bị pháp luật xử lý hay không thì việc cứu giúp người trong hoàn cảnh gặp tai nạn, nguy hiểm là một truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam từ bao đời nay và chúng ta cần duy trì điều này.

Còn khi gặp các trường hợp người tham gia giao thông bị nạn, cách tốt nhất để cứu được người bị nạn là gọi điện cho Tổng đài cấp cứu y tế (115). Vì việc vô tình sơ cứu người không đúng cách đôi khi còn gây nguy hiểm hơn cho người bị nạn, bên cạnh đó có thể kêu gọi những người xung quanh giúp đỡ, hỗ trợ để sơ cứu người gặp nạn”, luật sư Cường nói.

KHUẤT NGUYÊN
Bình luận
vtcnews.vn