Nam sinh nguy kịch do nhiễm khuẩn chưa thể xác định

Tin tứcThứ Bảy, 28/11/2020 11:43:45 +07:00

Sau lần té ngã, nam sinh 14 tuổi rơi vào nguy kịch, sốc, nhiễm trùng huyết toàn thân, hiện loại vi khuẩn mà bệnh nhân này bị nhiễm chưa thể xác định.

Các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) vừa tiếp nhận ca nguy kịch vì bị nhiễm một loại vi khuẩn tụ cầu chưa rõ loại. Đó là một nam sinh 14 tuổi. 10 ngày trước, bệnh nhân đi làm phụ gia đình tại vùng sông nước Kiên Giang, vô tình vấp cọng dây và bị té ngã, trật chân phải. Em không bị chấn thương vùng đầu. Tuy nhiên, đến chiều, nam sinh sốt cao. Kết quả chụp X-quang tại bệnh viện đầu tiên cho thấy bệnh nhân bị chấn thương phần mềm, kê thuốc uống tại nhà.

Đến ngày thứ 3, vùng mắt cá chân phải của bệnh nhân sưng to, kèm theo sốt. Tại bệnh viện, em được truyền dịch hạ sốt. Tuy nhiên, sang ngày 23/11, bệnh nhân sốt, than mệt, không tự ngồi dậy được và vẫn ăn uống bình thường. Người nhà đưa nam sinh tới Bệnh viện tỉnh An Giang. Đến 9h cùng ngày, bệnh nhân bắt đầu nói sảng nhưng không co giật.

Nam sinh nguy kịch do nhiễm khuẩn chưa thể xác định - 1

Nam sinh nguy kịch sau bị vấp cọng dây, nhiễm loại khuẩn chưa thể xác định. (Ảnh: BVCC)

22h ngày 24/11, bệnh nhân bị suy hô hấp, phải đặt ống thở, thở máy, dùng kháng sinh, thuốc vận mạch. Lúc này, em được chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM). Chỉ từ vết thương ngõ vào xâm nhập từ khớp gối, nam bệnh nhân rơi vào nguy kịch, có triệu chứng sốc, nhiễm trùng huyết toàn thân, sưng khớp tiến triển.

Ê-kíp chuyên gia tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đang ra sức bảo tồn chức năng các cơ quan cho bệnh nhân. Sau khớp gối, gan, thận và đặc biệt là màng tim của nam sinh đang có nguy cơ bị vi khuẩn tấn công. Dịch khớp gối đầy mủ, máu. Các bác sĩ đã chọc hút và đem đi xét nghiệm để tìm ra chủng khuẩn đặc hiệu cũng như phổ kháng sinh phù hợp cho điều trị.

Có thể nhận thấy diễn tiến bệnh của trường hợp nói trên nặng không kém Whitmore do trực khuẩn Burkholderia Pseudomallei gây nên. Tụ cầu khuẩn là các vi khuẩn gram dương, hiếu khí. Trong đó, Staphylococcus aureus là tác nhân gây bệnh nhiều nhất. Nó thường gây ra nhiễm trùng da và đôi khi viêm phổi, nội tâm mạc, viêm tủy xương và dẫn tới tình trạng áp-xe. Một số chủng khác tạo thành các độc tố phức tạp, gây viêm dạ dày ruột, hội chứng bong vảy da và sốc nhiễm độc.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố khuyến cáo các dòng vi khuẩn tụ cầu dễ tìm thấy ngoài môi trường đất, nước bẩn, ruộng đồng, vùng nước tù đọng và lây sang người, động vật khi tiếp xúc trực tiếp. Chỉ một vết thương nhỏ ngoài da, bệnh nhân bị vi khuẩn xâm nhập có thể gặp biến chứng viêm mô tế bào, nhiễm trùng huyết toàn thân, da, khớp, tim.

Do đó, mùa mưa lũ vừa qua, người dân miền Trung và vùng sông nước cần đặc biệt nâng cao các biện pháp phòng bệnh Whitmore, nhiễm trùng các loại. Nguyên tắc đầu tiên đó là luôn đảm bảo vệ sinh cá nhân, dọn dẹp môi trường sạch sẽ, sử dụng đồ bảo hộ khi làm việc có tiếp xúc bùn, đất, nước bẩn và ăn chín, uống sôi.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn