Năm 2014, Chính phủ tiết kiệm được hơn 15.000 tỷ đồng

Thời sựThứ Hai, 11/05/2015 06:20:00 +07:00

Trong năm 2014, các cơ quan đơn vị của Chính phủ đã tiết kiệm được 15.263 tỷ đồng kinh phí từ ngân sách nhà nước.

(VTC News) - Trong năm 2014, các cơ quan đơn vị của Chính phủ đã tiết kiệm được 15.263 tỷ đồng kinh phí từ ngân sách nhà nước.

Chiều 11/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội – Phùng Quốc Hiển cho rằng kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014 đã có sự tiến bộ hơn những năm trước.

Các cấp, các ngành đã chủ động rà soát, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cấp thiết, các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, chi phí công tác ngoài nước và các khoản chi tiêu khác chưa thực sự cấp bách nhưng vẫn đảm bảo hoàn thành tốt, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

“Kết quả trong năm 2014, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện tiết kiệm được 15.263 tỷ đồng kinh phí từ ngân sách nhà nước (NSNN)”, ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.
tiết kiệm ngân sách
Năm 2014, ngân sách nhà nước tiết kiệm được hơn 15.000 tỷ đồng 
Trong năm 2014, Bộ Tài chính đã tiến hành rà soát, cắt giảm được 290 giờ làm thủ tục về thuế cho người nộp thuế (từ 537 giờ/năm xuống còn 247 giờ/năm) và sẽ giảm tiếp 80 giờ (từ 247 giờ/năm xuống còn 167 giờ/năm) khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về Thuế có hiệu lực từ 01/01/2015. Tổng số giờ làm thủ tục về thuế được cắt giảm là 370 giờ.
 
Triển khai hệ thống dịch vụ nộp thuế điện tử cho 18 tỉnh, thành phố trên cả nước: tổng số doanh nghiệp đã đăng ký sử dụng dịch vụ và thực hiện nộp tiền vào NSNN là trên 3.600 doanh nghiệp với tổng số tiền đã nộp vào NSNN qua cổng thông tin dịch vụ nộp thuế điện tử của cơ quan Thuế trên 1.460 tỷ đồng.

Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách nhận thấy, bên cạnh kết quả đạt được, tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014 còn nổi lên một số tồn tại, hạn chế.

“Việc ban hành Nghị định, Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật còn chậm. Trong lĩnh vực quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước tuy có nhiều cố gắng, nhưng vẫn còn hạn chế nhất định“, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách nhận định.

Qua báo cáo của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước cho thấy, vi phạm trong quản lý, sử dụng NSNN còn nhiều.

"Không ít các bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn xảy ra tình trạng chi chưa đúng tiêu chuẩn, chế độ, định mức. Một số địa phương chưa thực hiện tốt chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mua sắm tài sản, cho vay, tạm ứng nhưng chậm thu hồi", ông Hiển nhận định.

Tình trạng chi vượt dự toán vẫn xảy ra, còn biểu hiện chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm, để xảy ra lãng phí .

Công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2014 đã có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, qua kết quả kiểm toán năm 2014 và báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, các vi phạm trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản vẫn xảy ra khá nhiều và trong hầu hết các khâu của quá trình đầu tư.

Một số dự án được phê duyệt khi chưa xác định nguồn vốn, việc bố trí vốn cho các dự án còn tình trạng quá thời hạn quy định, nghiệm thu chưa đúng khối lượng, đơn giá, một số dự án suất đầu tư cao, đầu tư thiếu đồng bộ.
Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội
Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội 
Tình trạng dàn trải, chậm tiến độ, nợ đọng xây dựng cơ bản còn lớn  vẫn chưa được xử lý triệt để. Công tác quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ngày càng đi vào thực chất, góp phần tích cực cho việc sử dụng đất hợp lý và hiệu quả, chống lãng phí.

Tuy nhiên, công tác quản lý, sử dụng đất tại một số địa phương còn hạn chế, sử dụng đất không đúng mục đích, sử dụng đất không hiệu quả, đặc biệt là lãng phí, sai phạm trong quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường quốc doanh.

Tỷ lệ hoàn thành phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước chưa cao.

Video: Lời hứa của các Bộ trưởng tại phiên chất vấn trước Quốc hội

Nguồn: VTV

Năm 2014, công tác quản lý, tổ chức lễ hội đã được các cấp, các ngành tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý các sai phạm trong công tác tổ chức lễ hội, hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng.

”Tuy nhiên, việc tổ chức quá nhiều lễ hội đã gây lãng phí các nguồn lực. Công tác quản lý, tổ chức lễ hội vẫn còn tồn tại một số hạn chế như tại một số lễ hội vẫn còn diễn ra các hoạt động chưa phù hợp với thuần phong mỹ tục, một số hiện tượng mê tín dị đoan trong khu vực lễ hội chưa được xử lý đúng mức...”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách nhận định. 

Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, những tồn tại, hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014 có những nguyên nhân khách quan do tác động không thuận từ nền kinh tế, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thực hiện còn chưa tốt, hiệu quả chưa cao.

 Năm 2014, hệ thống kho bạc nhà nước đã phát hiện 36.500 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định, từ chối chưa thanh toán với số tiền 40 tỷ đồng; từ chối thanh toán 90 tỷ đồng vốn đầu tư do một số chủ đầu tư đề nghị thanh toán không đúng quy định.

Toàn ngành Thanh tra đã triển khai 7.072 cuộc thanh tra hành chính và 233.811 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, kiến nghị thu hồi về NSNN 51.583 tỷ đồng; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý 13.777 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành 188 cuộc kiểm toán với tổng số tiền kiến nghị xử lý về tài chính là 23.425 tỷ đồng, trong đó: số tăng thu là 4.474 tỷ đồng; giảm chi là 7.461 tỷ đồng.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn