Myanmar: Mâu thuẫn dai dẳng giữa quân đội và đảng của bà Aung San Suu Kyi

Thời sự quốc tếThứ Hai, 01/02/2021 11:13:56 +07:00
(VTC News) -

Mâu thuẫn kéo dài giữa Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo được xem là nguyên nhân của những bất ổn hiện nay ở Myanmar.

Hôm 1/2, chính biến đã xảy ra ở Myanmar sau khi quân đội bắt giữ cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi. Quân đội nước này đã chiếm quyền kiểm soát tòa thị chính Yangon, tuyên bố tình trạng khẩn cấp và quyền lực đã được giao cho Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing.

Giới chức quân đội Myanmar tuyên bố, họ tiến hành các vụ bắt giữ này để phản ứng lại những gian lận đã xảy ra trong cuộc tổng tuyển cử hồi cuối năm ngoái ở Myanmar. Quân đội nước này nhiều lần cáo buộc có gian lận bầu cử.

Theo quân đội Myanmar, các hành động của họ là cần thiết để bảo vệ “sự ổn định” của đất nước, cáo buộc ủy ban bầu cử quốc gia đã không giải quyết “những sai phạm lớn” trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11/2020. Trên thực tế, mâu thuẫn giữa Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo và quân đội Myanmar đã âm ỉ từ nhiều năm trước.

Myanmar: Mâu thuẫn dai dẳng giữa quân đội và đảng của bà Aung San Suu Kyi - 1

Mâu thuẫn dai dẳng, kéo dài giữa quân đội và đảng của bà Aung San Suu Kyi được xem là nguyên nhân của bất ổn ở Myanmar. (Ảnh: Reuters)

Giữa quân đội và chính phủ liên tục xảy ra tình trạng "ăn miếng trả miếng" trong 5 năm qua ở Myanmar. Theo đó, mỗi khi Văn phòng Tổng thống ra tuyên bố gì, văn phòng Tổng tư lệnh lại ra thông cáo phản bác và cảnh báo sẽ bãi nhiệm tổng thống vì đi ngược lại với hiến pháp.

Cách đây 5 năm, NLD đã tạo nên lịch sử, giành chiến thắng trong tổng tuyển cử ở Myanmar. Chiến thắng của NLD được coi là chiến thắng của nhân dân vì đã đánh bại Đảng Đoàn kết và phát triển của các cựu tướng lĩnh, qua đó chấm dứt hàng chục năm đất nước được điều hành bởi các đảng phái được quân đội hậu thuẫn.

Tuy nhiên, Myanmar đến nay vẫn chìm trong bất ổn, mâu thuẫn dai dẳng giữa chính phủ và quân đội. Hiện nay, Myanmar vẫn chưa giải quyết được hai vấn đề mang tính cấp bách đối với nước này. Đó là giải quyết các cuộc xung đột sắc tộc và sửa đổi hiến pháp vẫn chưa được giải quyết.

Chính phủ do đảng NLD lãnh đạo được coi là không đủ năng lực về mặt chính trị. Tuy nhiên, việc giải quyết những vấn đề này hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chính trị. Bởi vì, việc sửa đổi hiến pháp năm 2008 đã trao cho quân đội 25% số ghế trong quốc hội. Do đó, rất khó để cho NLD có thể dễ dàng thực thi chính sách của mình.

Mặc dù NLD được cho là đã rất nỗ lực song việc hướng tới giảm quyền lực của quân đội vẫn bất thành. Tháng 3 năm ngoái, tất cả các đại diện quân đội nói "không" với đề xuất giảm dần tỉ lệ ghế của quân đội từ 25% xuống 15% sau cuộc bầu cử năm 2020, 10% sau năm 2025 và 5% sau năm 2030.

Ngoài ra, trong 7 thập kỷ qua ở Myanmar, liên tục xảy ra các cuộc xung đột sắc tộc, chủ yếu diễn ra giữa quân đội và các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số. Xung đột này lại tạo ra cớ cho quân đội nước này tiếp tục có lý do để tiếp tục ở lại chính trường. 

Quân đội Myanmar đã cho thấy quan điểm rõ ràng, họ sẽ không rời khỏi chính trường. Bởi Hiến pháp năm 2008 cho họ ở lại chính trường, giữ 56/224 ghế tại thượng viện và 110/440 ghế tại hạ viện.

Kông Anh
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp