Mỹ lo ngại Iran sẽ có được AUV Remus 600 sau khi rơi vào tay Houthi

Quân sựThứ Hai, 04/03/2024 08:11:37 +07:00
(VTC News) -

Lực lượng Houthi được cho là thu giữ phương tiện không người lái dưới nước Remus 600 của Mỹ, nhiều chuyên gia lo ngại Iran sẽ có cơ hội nghiên cứu loại AUV này.

Một đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội Telegram tuần trước cho thấy cảnh lực lượng Houthi thu giữ các thiết bị quân sự hoạt động dưới biển của Quân đội Mỹ. Cụ thể, trong đoạn video có thể thấy một thiết bị màu vàng được cho là phương tiện tự hành dưới nước (AUV) Remus 600 của Mỹ. 

Một số nguồn tin cho rằng phương tiện không người lái dưới nước trên đã được vận chuyển đến Iran. Tại đó, các chuyên gia Iran sẽ mổ xẻ để tìm hiểu về cấu trúc, các bộ phận và cách thức hoạt động của chiếc AUV.

Tuy nhiên, vẫn chưa thể xác minh những thông tin trên do hình ảnh trong clip bị mờ, chất lượng thấp. Như hiện tại, cả chính phủ Mỹ lẫn chính quyền ở Yemen hay Iran đều chưa đưa ra tuyên bố nào về thông tin trên. 

Nếu nguồn tin trên là chính xác, điều này được cho là có giá trị lớn đối với quân đội Iran. Mặc dù AUV Remus 600 không có khả năng tấn công nhưng khả năng chống mìn của nó có thể cách mạng hóa chiến lược quân sự của quốc gia này.

Hình ảnh cắt từ video được cho là cảnh lực lượng Houthi thu giữ AUV Remus 600.

Hình ảnh cắt từ video được cho là cảnh lực lượng Houthi thu giữ AUV Remus 600.

AUV Remus 600

Remus 600 là một phương tiện tự hành dưới nước được sử dụng chủ yếu để khảo sát thủy văn, giải quyết các mối đe dọa về bom mìn, giám sát môi trường, lập bản đồ địa hình và lấy mẫu khoa học. Được sản xuất bởi Hydroid Inc., một công ty con của Kongsberg Maritime, chiếc AUV này nổi bật nhờ tính linh hoạt và độ bền, được thiết kế để triển khai ở độ sâu tới 600 mét dưới bề mặt. 

Các ứng dụng khác nhau của nó được Hải quân Mỹ đánh giá cao, họ chủ yếu sử dụng Remus 600 để chống mìn. Sonar quét của Remus 600 có độ phân giải cao cho phép nó phát hiện, phân loại và định vị các mối đe dọa dưới nước.

Đúng như tên gọi, Remus 600 có thể hoạt động tới độ sâu 600 mét, thể hiện độ bền, độ tin cậy và khả năng thu thập dữ liệu chất lượng của phương tiện này. Với chiều dài 3,25 mét và đường kính 32,4 cm, thiết kế nhỏ gọn và nhẹ giúp Remus 600 dễ dàng triển khai và thu hồi. Chiếu AUV này có khả năng đạt tốc độ lên tới 5 hải lý/giờ và nó có thể hoạt động tới 70 giờ cho một lần sạc đầy pin.

AUV Remus 600 của Mỹ.

AUV Remus 600 của Mỹ.

Một loạt các cảm biến

Phạm vi hoạt động của Remus 600 rất ấn tượng. Tùy thuộc vào tốc độ và cấu hình tải trọng, nó có thể di chuyển trên quãng đường lên tới 286 km trong một nhiệm vụ. Phương tiện này được trang bị một bộ điều hướng tiên tiến, bao gồm hệ thống dẫn đường quán tính (INS), nhật ký vận tốc Doppler (DVL) và GPS, đảm bảo định vị và theo dõi chính xác. 

Chiếc AUV này còn được trang bị một loạt các cảm biến và thiết bị cho phép nó thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ khác. Bao gồm một sonar quét bên để chụp ảnh đáy biển, một máy phân tích dưới đáy để xác định các vật thể bị chôn vùi, một cảm biến CTD để đo đặc tính nước, một máy đo tiếng vang đa tia để nghiên cứu độ sâu và một máy ảnh kỹ thuật số để chụp ảnh có độ phân giải cao. 

Về thông số kỹ thuật, Remus 600 có tải trọng 40 kg, nghĩa là nó có thể mang nhiều loại dụng cụ và cảm biến. Được cung cấp năng lượng bởi pin lithium-ion, nó có độ bền rất cao. Hơn nữa, thiết kế mô-đun của Remus 600 cho phép bảo trì đơn giản và hoán đổi tải trọng để đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ khác nhau.

AUV Remus 600.

AUV Remus 600.

Những chiếc AUV tương tự của Iran

Iran cũng đã phát triển một số phương tiện tự hành dưới nước và được coi là đối thủ hoặc bản sao của Remus 600, bao gồm Tareq và Nahang . Giống như Remus 600, Tareq là một chiếc AUV được thiết kế để thám hiểm vùng biển sâu đòi với tầm hoạt động xa. 

Tareq có công nghệ điều hướng và khả năng phát hiện vật thể ấn tượng nhờ hệ thống sonar tiên tiến. Kết hợp với camera độ phân giải cao có thể chụp được hình ảnh chi tiết về đáy biển. Với độ sâu hoạt động lên tới 1.000 mét, Tareq thực sự có thể so sánh với Remus 600. 

Ngược lại với Tareq, Nahang nhỏ hơn và nhẹ hơn, nhưng rõ ràng nó có nét giống với Remus 600. Nahang, được tối ưu hóa cho hoạt động ở vùng nước nông, có thể đạt độ sâu tới 200 mét. 

Giống như Tareq, Nahang được trang bị hệ thống sonar để định vị và phát hiện vật thể, bổ sung thêm camera để chụp ảnh dưới nước. Hơn nữa, nó hỗ trợ truyền dữ liệu theo thời gian thực đến trung tâm điều khiển thông qua hệ thống liên lạc mạnh mẽ. 

Tương tự Remus 600, cả Tareq và Nahang đều được thiết kế để có thể hoạt động độc lập. Điều này có nghĩa là những chiếc AUV trên có thể thực hiện các nhiệm vụ một cách tự động trong thời gian dài, mà không cần sự can thiệp của con người. 

Mặc dù những chiếc AUV của Iran có nhiều đặc điểm giống với Remus 600 nhưng mỗi chiếc đều có những tính năng và khả năng tác chiến riêng biệt. Ví dụ, khả năng hoạt động tầm xa của Tareq thích hợp cho việc hoạt động xa bờ và thời gian dài dưới nước, còn thiết kế nhỏ gọn của Nahang giúp cho nó có thể hoạt động hiệu quả ở vùng nước gần bờ.

Một phương tiện không người lái dưới nước của Iran.

Một phương tiện không người lái dưới nước của Iran.

Video được cho là cảnh lực lượng Houthi bắt giữ AUV Remus 600.

Lê Hưng(Nguồn: Bulgarian Military)
Bình luận
vtcnews.vn