Muôn vẻ cô dâu Việt lấy chồng nước ngoài

Thời sự quốc tếChủ Nhật, 01/08/2010 06:47:00 +07:00

(VTC News) - Mới đây, dư luận lại rộ lên việc đàn ông Malaysia cũng muốn được lấy vợ VN. Trong khi đó, hơn 50 ngàn cô gái Việt đã lấy chồng Hàn Quốc...

(VTC News) - Mới đây, dư luận trong nước lại rộ lên việc đàn ông Malaysia cũng muốn được lấy vợ Việt Nam. Như vậy là trong suốt một thập kỷ qua, việc tìm kiếm cô dâu Việt đã trở thành xu hướng phổ biến ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ phát triển tại châu Á như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore và bây giờ lan sang cả Malaysia.

Trong suốt một thập kỷ qua, việc tìm kiếm cô dâu Việt đã trở thành xu hướng phổ biến ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ phát triển tại châu Á như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore và bây giờ lan sang cả Malaysia. 


Malaysia thành đối tác mới cho các Trung tâm môi giới hôn nhân


Xu hướng lấy vợ Việt Nam đang bùng nổ tại Malaysia khi ngày càng có nhiều chàng trai độc thân ở nước này đăng ký tìm kiếm các cô gái Việt để tiến tới hôn nhân. Trong số đó, nhiều người cũng có địa vị ở Malaysia như kỹ sư, kiến trúc sư và quản lý cấp cao.

Lý do phổ biến được đưa ra là: áp lực gia đình khi những người đàn ông đã đến tuổi kết hôn, bị các cô gái địa phương chê là không đủ hấp dẫn, thông minh hay quá già. Thậm chí, một số người quá nhút nhát để có thể chinh phục trái tim những cô gái xung quanh.

Theo một trung tâm môi giới hôn nhân ở Penang, những người có học vị cao chiếm tới 20% đàn ông tìm kiếm vợ ngoại, đặc biệt là phụ nữ từ Việt Nam, Campuchia, Indonesia và Trung Quốc.

Kh’ng Kek Kon, giám đốc trung tâm tư vấn hôn nhân Cupid, người đã làm “bà mối” thành công cho 100 nam giới Malaysia lấy vợ Việt Nam, cho biết các khách hàng của bà rất nhút nhát. Một số cảm thấy họ không đủ hấp dẫn với phụ nữ trong nước, số khác lại liên tục thất bại trong các mối quan hệ và muốn có sự bắt đầu mới lạ với phụ nữ nước ngoài.

Các cô gái Việt chuẩn bị gặp mặt chú rể Malaysia lần đầu tại Trung tâm tư vấn hôn nhân Cupid 

Khi phụ nữ Malaysia ngày càng lấy chồng muộn hoặc thậm chí ở vậy, nam giới nước này quay sang nước láng giềng tìm bạn đời. Các website môi giới hôn nhân quốc tế ở Malaysia xuất hiện đầy những dòng chữ như: "Phụ nữ Việt Nam mảnh dẻ và dịu dàng", "Họ không bao giờ ly dị".

Nhiều người cho rằng sự xuất hiện của trào lưu này sẽ là cơ hội để đổi đời cho các cô gái Việt vì đối tượng khách hàng ở Malaysia đa số là những người có học thức và khả năng kinh tế cao. Tuy nhiên, một số khác cho rằng, những lời quảng cáo hoa mỹ bên ngoài chẳng qua chỉ là sự che dấu trá hình cho một hình thức buôn bán phụ nữ tinh vi và cao cấp mà thôi.

Cô dâu Việt thành “hàng đấu giá” tại Singapore


Cách đây không lâu, báo Straits Times của  Singapore từng đăng bài một công ty môi giới hôn nhân giảm một nửa phí môi giới cho những người đàn ông nước này muốn lấy một cô gái Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu sa sút. Bài báo gây bất bình giới báo chí và trí thức; trong khi lại trở thành một trò đùa cợt của giới trẻ trên diễn đàn điện tử của tờ báo này.

Bài báo có tựa đề  Vietnam brides: Agency cut fees (Cô dâu Việt Nam: Công ty môi giới giảm phí) đăng ở mục “Chuyện trong nước” đồng thời xuất hiện trên trang nhất báo điện tử, cộng thêm phần ghi chép cá nhân có tựa đề “Khi tình yêu chỉ là thứ yếu” này nằm nhiều ngày ở vị trí đập ngay vào mắt người đọc.

Bài báo có tựa đề Vietnam brides: Agency cut fees (Cô dâu Việt Nam: Công ty môi giới giảm phí) đăng ở mục “Chuyện trong nước”  

Việc môi giới hôn nhân giữa các cô gái Việt Nam và đàn ông tại Singapore ngày càng trở nên phổ biến bởi lẽ nhiều người đàn ông Singapore không lấy được vợ không phải vì nước này thiếu phụ nữ mà vì nhiều phụ nữ Singapore quá cầu toàn với nhiều đòi hỏi về vật chất với các tiêu chí chọn chồng được đúc kết trong 5 chữ C: Cash, Credit Card, Car, Condo, Certificate (tiền mặt, thẻ tín dụng, xe hơi, nhà sang, bằng cấp). Chính vì vậy nghề môi giới hôn nhân được xem như một loại hình kinh doanh với vài chục công ty có giấy phép hẳn hoi của chính phủ

Trên thực tế, đã có những cô dâu Việt lấy chồng tại Singapore đã gặp phải bi kịch như bị bóc lột sức lao động và ép làm việc tới mức kiệt sức, phải bỏ trốn vì cuộc hôn nhân không tình yêu và quá nhiều bức bách từ phía gia đình nhà chồng, thậm chí, có cô dâu đã có hành động tự sát chỉ 30 phút trước khi cử hành hôn lễ vì sự kỳ thị giai cấp và dân tộc của một số người dân nơi đây.

Cơn sốt lấy vợ Việt của các chàng trai Trung Quốc

Theo thống kê tháng 2/2009, ở Trung Quốc đàn ông từ 21 đến 30 tuổi chiếm 36.5% lớp công nhân xuất thân nông dân đang ở vào độ tuổi kết hôn. Ngành xây dựng, gia công chế tạo máy là lựa chọn hàng đầu cho nhóm người này, trong đó 80% công nhân xây dựng có xuất thân là nông dân. Công việc vừa nặng nhọc, bụi bẩn, lương thấp, nguy hiểm nên rất khó lọt vào mắt xanh các cô gái, lại càng khó có cơ hội gặp gỡ phụ nữ. Hạn chế nghề nghiệp cùng với mức lương thấp đẩy các chàng trai này vào hoàn cảnh khó tìm bạn đời.

Được biết, thời gian gần đây ngày càng nhiều chàng trai không tìm được bạn gái ở Trung Quốc đã hướng tới các nước như Việt Nam, Mianmar, Indonesia… Nhiều người cho rằng các cô gái nước ngoài vì sống trong điều kiện kinh tế khó khăn nên tính cách hiền hòa ngoan ngoãn, không kiêu kì như các cô gái Trung Quốc, nên hứa hẹn sẽ là những người vợ lý tưởng.

Đới "Tổng" một chàng trai may mắn tìm được người yêu tại Việt Nam 
Hồng Lâm cũng là một chàng trai Trung Quốc từng bỏ công việc để lặn lội sang VN tìm vợ 

Nhiều tờ báo và website Trung Quốc đưa tin, mấy năm trở lại đây, ở Việt Nam xuất hiện một làn sóng “hôn nhân kinh tế”; nhiều nơi còn tổ chức những đoàn du lịch kết bạn, trong hành trình 6 ngày, có thể tổ chức cho gặp gỡ với vài chục cô gái.

Những thông tin này đã có sức hấp dẫn đáng kể đối với xã hội Trung Quốc đang ngày càng thừa nam, thiếu nữ – một phần do chính sách kế hoạch hóa chỉ cho phép mỗi cặp vợ chồng có 1 con đã khiến trong một thời gian dài, người ta có xu hướng chọn giới tính thai nhi theo quan niệm “con nối dõi”.

Tuy nhiên, báo chí Trung Quốc cũng khuyến cáo các chàng trai của họ: Lấy được vợ nước ngoài với chi phí thấp, nghe ra rất hấp dẫn nhưng phải được thực hiện bằng con đường hợp pháp. Trên thực tế, có không ít chàng trai trẻ Trung Quốc hiện nay đã làm hộ chiếu và “lặn lội” sang Việt Nam với hi vọng tìm được ý trung nhân cho mình.

Thế nhưng, chỉ một số ít đạt được mục đích, số còn lại phải ra về tay trắng vì không tìm được người phù hợp với mình. Sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa và cả thói quen sống là rào cản lớn nhất dẫn đến cuộc hôn nhân không hạnh phúc của những cặp vợ chồng không cùng quốc tịch chứ đừng nói đến những trường hợp “mua vợ cấp tốc” như đã nêu ở trên.

Một mẫu quảng cáo cô dâu Việt tại Đài Loan 

Số phận của hơn 50.000 cô dâu Việt ở xứ Hàn


Số liệu của Cục thống kê Hàn quốc cho thấy có hơn 50 ngàn cô gái Việt Nam đã kết hôn với đàn ông nước này trong thời gian qua. Một thống kê khác cho thấy họ đa phần ít học, trình độ văn hóa chỉ cấp 1, cấp 2 và không có nghề nghiệp.

Về phía chú rể Hàn Quốc, đa số là những người không có cơ hội lấy vợ cùng quốc tịch do nghèo, do khiếm khuyết thể chất, phải bỏ ra một khoản tiền lớn cho các công ty môi giới để được mai mối. Và khi đó, việc kết hôn của họ đeo thêm một mặc cảm: mình kém cỏi nên không lấy được gái Hàn. Cuộc sống vốn nhiều mặc cảm, lại thêm nỗi mặc cảm ngay trong việc xây dựng gia đình khiến tâm hồn họ rất dễ tổn thương.

Vợ ít học, không nghề nghiệp, dị biệt ngôn ngữ khiến họ không hiểu nhau. Trong khi đó chồng nghèo, tự ti hèn kém và khiếm khuyết. Sự hòa hợp - nền tảng của hôn nhân - ngay từ đầu đã không được bảo đảm. Những xung đột gia đình vốn dĩ có thể hóa giải, trong trường hợp này dễ đẩy lên cao thành bi kịch và khi ấy hôn nhân thật sự là địa ngục.

Thực tế là hiện nay ở Hàn Quốc, đàn ông sống ở nông thôn, do nghèo hay khiếm khuyết thể chất, thường khó kiếm vợ cùng quốc tịch và phải tìm cô dâu ở các nước Đông Nam Á. Năm 2009, Hàn Quốc có khoảng 43.000 cuộc hôn nhân ngoại, chiếm 13% trong tổng số các cuộc kết hôn ở nước này. Điều đáng nói là nhiều cô dâu ngoại đã phải kết thúc cuộc hôn nhân xuyên biên giới này bằng ly dị, thậm chí là cái chết…

Trong khi đó, tại Hàn Quốc, có khoảng 2000 công ty môi giới hôn nhân hoạt động. Lợi dụng tình trạng có nhiều người Hàn Quốc không lấy được vợ trong nước, nhiều công ty môi giới hôn nhân đã lao vào lĩnh vực đi tìm vợ ở các nước châu Á lân cận cho số người này.

Vì hám lợi, các công ty này sẵn sàng che giấu tình trạng sức khỏe của những người Hàn Quốc muốn lấy vợ nước ngoài, và đánh lừa các cô dâu tương lai thường đến từ những nước nghèo hơn như Trung Quốc, Campuchia hay Việt Nam.

Cô dâu Việt Nam hiện chiếm tỷ lệ cao nhất trong số những người ngoại quốc lấy chồng Hàn. Theo số liệu thống kê chính thức, trong năm 2009, 47% cô dâu nước ngoài tại Hàn Quốc đến từ Việt Nam, 26% đến từ Trung Quốc và 10% từ Campuchia.

Hoài Thư(Tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn