Một tuần làm xe ôm nữ và những câu chuyện khó tin

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 25/04/2013 02:08:00 +07:00

Nữ phóng viên xinh đẹp đã đóng vai làm xe ôm 1 tuần ở thủ đô để hiểu cặn kẽ về cái nghề rất quen mà không phải ai cũng hiểu hết.

Nữ phóng viên xinh đẹp đã đóng vai làm xe ôm 1 tuần ở thủ đô để hiểu cặn kẽ về cái nghề rất quen mà không phải ai cũng hiểu hết.


Làm xe ôm, một công việc hết sức bình thường với hàng nghìn người tại Thủ đô, nhưng với một phụ nữ như tôi có lẽ là điều hơi bất thường. 7 ngày làm xe ôm giúp tôi khám phá nhiều điều về thế giới của những người làm công việc này.

Bởi cá tính tomboy nên tôi thường xuyên ngồi lân la các quán trà đá vỉa hè để nhìn, nghe cuộc sống, và để thỏa mãn cái sở thích được quan sát.

Sau một đống chuyện linh tinh, thập cẩm không đầu không cuối của đám xe ôm, tôi cũng lọc ra một ý tưởng để bắt đầu một cuộc hành trình đi tìm hiểu những dư luận của con “ngõ Chờ” (tạm gọi vậy vì con ngõ này không có số, chưa có tên) nằm trên đường bờ sông phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Bài học đầu tiên

Quyết - một gã xe ôm gốc Thanh Hóa là người hết sức cởi mở và lương thiện. Hắn vô tư kể về mọi chuyện trên trời dưới bể và sẵn sàng giúp đỡ đứa tò mò như tôi được tham gia vào hàng ngũ xe ôm chỗ hắn đang làm (đầu đường bờ sông Quan Hoa).

Chia tay Quyết, tôi phi xe về phòng, trong đầu cứ băn khoăn mãi vì không biết mình sẽ nhập vai như thế nào, trong khi tôi chỉ là đứa con gái.

Nhưng có lẽ với bản tính “ổi ương” sẵn có, tôi vẫn cương quyết nhập vai đi làm xe ôm. Và sẽ là một “nữ xe ôm”.

Hôm đầu tiên có mặt, tôi mang con xe Sirius của thằng em cùng xóm ra dựng ngay dưới gốc cây cột điện đối diện con ngõ, với địa điểm đắc đạo đó tôi chắc mẩm sẽ chộp được khối cái hay ho.

Ngay đầu con ngõ, chình ình một cái quán hát karaoke có tiếng ở khu vực Cầu Giấy gần chục năm nay.

Nữ phóng viên nhập vai xe ôm. 
Chính bởi cái sự đồ sộ của 6 tầng hát mà dường như chẳng mấy ai để ý đến con ngõ này (thường chỉ nhớ cái quán hát ấy), trước đây có lần tôi và bạn bè đã đến hát ở đây nhưng chưa bao giờ để ý có con ngõ này. Và lần hát ở đây tôi cũng lượm nhặt được vài điều (sẽ kể ở kỳ sau).

Con ngõ này sâu hút thông với các con ngõ khác như mạng nhện, cạnh sông Tô Lịch bốc mùi, những dãy nhà nghỉ san sát nhau đã nhuốm màu thời gian, vài quán trà đá vỉa hè nhếch nhác treo thêm tấm biển ghi dòng chữ: “trứng vịt lộn - xe ôm”. Đúng là kiểu tiết kiệm diện tích hữu hiệu và hài hước.

Theo ông anh kết nghĩa, con ngõ này càng về đêm thì càng “rực rỡ”.

Bấy giờ khoảng 17g chiều, xe cộ bắt đầu đông dần. Quyết thao thao bất tuyệt về đủ các loại kinh nghiệm sơ đẳng của nghề xe ôm cho tôi. Từ cách bắt khách, cách làm giá, cách tính tiền, cách chọn bãi đỗ… và cả cách tranh giành khách.

“Làm xe ôm bây giờ không dễ kiếm như trước nữa, thời buổi taxi nhiều, xe ôm lắm, nhiều khi mày phải liều và lì mới có cơm ăn” - Quyết giảng giải.

Trong giới xe ôm có thể tạm chia làm hai dạng: Dạng chuyên nghiệp, tức là chạy xe ôm như một thứ nghề kiếm sống duy nhất. Đối với dạng này mỗi ngày họ phải có được một số tiền nhất định nào đó để trang trải cho mọi sinh hoạt gia đình trong ngày. Từ tiền gạo, tiền thức ăn, nước mắm, tiêu hành... cho đến tiền “góp”.

Một thứ tiền mà dân xe ôm chuyên nghiệp đa phần đều ngán sợ nó nhưng không tránh khỏi mỗi khi cái cần câu cơm dở chứng mà tiền dành dụm lại không có. Chính vì sự thúc bách đó nên dân chạy xe ôm chuyên nghiệp thường chọn cho mình một bến bãi ngon ăn để dễ “vợt” được khách.

Loại thứ 2 là bán chuyên, tức là hành nghề xe ôm kiếm tiền như một công việc làm thêm, tăng thu nhập. Loại này thứ nhất sẽ không bắt chẹt khách, thứ hai không tranh giành cướp giật khách.

Đội quân xe ôm ở con “ngõ Chờ” này thuộc dạng chuyên nghiệp. Dù là “bến tự do” nhưng vẫn có những “luật bất thành văn” đặt ra giữa các thành viên.

Như là “luật” xếp “lốt”, “luật” ma mới ma cũ, “luật” kính lão đắc thọ… Nhóm xe ôm nơi đây chơi thân với nhóm xe ba bánh gắn mác “xe thương binh”. Những “tài xế” phởn phơ ngồi “xe thương binh” này không hiểu vì lý gì mà “mái thoải” vô cùng!

Những ngày sau tôi cũng có dịp lĩnh giáo hết những “kinh nghiệm” trường đời của các “bố đời” ấy!

Những “đồng nghiệp” của tôi


Nhìn chung, họ đều bỗ bã và thô thiển với những câu chuyện tục tĩu… trừ một bác già nhất, ngoài 50 tuổi, quê Nam Định.

Dáng người hom hem, khuôn mặt với làn da nhăn nheo, mỗi lần được “cuốc xe ” nào là bác ta lại cười để lộ hàm răng ngả màu vì thuốc lào và cái tên cũng giống như người - Phạm Văn Tóp.

Hôm tôi mới gia nhập đội ngũ xe ôm “ngõ Chờ” bác cũng hỏi han ra chiều quan tâm. Đương nhiên tôi phải có một lý lịch đáng thương và hoàn cảnh để trình bày. Thế thôi thì không có gì để nói, vì anh em xe ôm ở đây ai cũng bảo bác ta bị hâm.

Tôi không hiểu lý do, nhưng dần sau mấy ngày làm cùng tôi cũng hiểu. Bác không bao giờ tham gia vào những câu chuyện “buôn dưa lê, bán dưa chuột” của mấy “đồng nghiệp”, không bao giờ ngồi trà đá đủng đỉnh hay lô đề… Bác luôn chăm chỉ và tận tụy với nghề.

Cũng vì “miếng cơm manh áo” của cả nhà bác đều trông chờ vào thu nhập từ những chuyến xe ôm của bác. Kể ra nếu vì bác quá hiền, chịu khó làm ăn, không bài bạc hay chơi bời bát nháo mà bảo bác “hâm” thì thật là vô lý.

Nhưng hình như nhóm người lao động bằng cái nghề “cầm tài” này lại tự đặt ra cho mình một lối sống, sống buông thả với bản thân mình. Nên khi có một cá nhân không lô đề, trà tàu, thuốc lá như họ thì tự nhiên sẽ là người hâm chăng?

Hải - người Hà Nội, một vợ hai con, đã ly dị và đang gà trống nuôi con lại có khuôn mặt hiền lành, nước da rám nắng, cũng chăm chỉ kiếm tiền.

Hải có một lượng khách quen bất di bất dịch, cứ phải đúng Hải thì mới đi, chứ không đi xe ôm khác. Có hôm anh này đi đâu đấy, không trực khách có một chị đến và nhất nhất phải chờ anh Hải mới chịu đi, mặc cho những lời mời chào từ các “xế” khác

Tú “béo” và Dũng “nghiện” đều quê Hà Nam lại hay vật vã với mấy con số, chiều nào cũng bận bịu với “lô đề học”. Hai gã này lại đặc biệt hay nhòm ngó và gạ gẫm gái làng chơi.

Còn Quyết thì đúng là tổng hợp các loại tạp kĩ trường đời. Tôi biết Quyết rất nghiện “đế chế”, lô đề, bóng bánh đủ cả. Ngoài ra còn dăm người nữa cũng cùng nghề xe ôm ở đây. Nhưng tôi không mấy khi tiếp xúc. Đội quân xe ôm có hơn chục người, từ các vùng quê khác nhau, mỗi người mỗi cảnh tha hương cầu thực.

Còn tiếp…


TheoTriều Xuân - Hương Giang (Pháp luật xã hội)

Bình luận
vtcnews.vn