Một số đầu tư của TKV tiềm ẩn rủi ro tài chính

Tài chínhThứ Hai, 13/02/2023 11:04:28 +07:00
(VTC News) -

Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam (TKV, Vinacomin) có nhiều tồn tại trong đấu thầu, mua sắm hàng hoá, ký kết hợp đồng và nghiệm thu thanh toán đầu tư...

Kiểm toán Nhà nước vừa có kết quả kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2021 của Vinacomin, trong đó chỉ ra nhiều sai sót, tồn tại trong lập, phê duyệt kế hoạch mua sắm, phê duyệt thiết kế, dự toán, hồ sơ mời thầu, lựa chọn nhà thầu... và tiến độ, nghiệm thu thanh toán trong quản lý đầu tư, mua sắm tài sản, hàng hóa, sửa chữa tài sản cố định.

Tiềm ẩn rủi ro tài chính

Kiểm toán Nhà nước cho biết, năm 2021, việc tuân thủ pháp luật, chế độ tài chính kế toán, đầu tư, mua sắm và quản lý , sử dụng vốn, tiền, tài sản Nhà nước của Công ty mẹ Vinacomin và các đơn vị được kiểm toán còn có những hạn chế, tồn tại nhất định.

Một số đầu tư của TKV tiềm ẩn rủi ro tài chính - 1

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra loạt sai sót của TKV trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản... (Ảnh minh hoạ)

Theo đó, công ty mẹ Vinacomin còn một số khoản đầu tư tiềm ẩn rủi ro tài chính, chưa hiệu quả, như việc đầu tư vào Công ty cổ phần Cromit Cổ Định Thanh Hóa, Công ty liên doanh Alumina Campuchia - Việt Nam, Công ty TNHH Vinacomin Lào, Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê...

Cụ thể, đối với dự án khai thác mỏ đồng Vi Kẽm, Bát Xát, Lào Cai (dự án Vi Kẽm), việc xác định quy mô, giải pháp thiết kế và công nghệ khai thác chưa phù hợp, dẫn đến sau 3 năm từ ngày phê duyệt đã xác định điều chỉnh quy mô và giảm không đầu tư một số hạng mục công trình.

Việc tính toán hiệu quả đầu tư được phê duyệt của hội đồng quản trị tổng công ty chưa phù hợp, dẫn đến việc xác định hiệu quả đầu tư dự án chưa đảm bảo, phê duyệt dự án khi chưa được cơ quan chuyên môn tham gia ý kiến đối với thiết kế cơ sở và chưa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Ngoài ra, có một số dự án lập tổng mức đầu tư chưa chính xác hoặc thiếu cơ sở.

Đoàn kiểm toán cũng chỉ ra, việc khảo sát, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công chưa phù hợp dẫn đến quá trình thi công phải điều chỉnh, tạm dừng thi công một số hạng mục thuộc Dự án Vi kẽm hoặc phải điều chỉnh thiết kế chi tiết các hạng mục tại Dự án hệ thống vận chuyển xít thải ngược vào mỏ (dự án Vận chuyển xít ngược).

Kết quả kiểm toán chỉ ra, một số gói thầu tính sai dự toán (nhưng gói thầu tự thực hiện theo đơn giá điều chỉnh hoặc do giá dự toán tính lại vẫn cao hơn giá trúng thầu và ký hợp đồng); hướng dẫn của Vinacomin về điều chỉnh dự toán và thanh quyết toán chi phí ăn định lượng đối với nhân công xây dựng mỏ hầm lò còn chưa chi tiết, cụ thể…

Lựa chọn nhà thầu và ký kết thực hiện hợp đồng của kế hoạch đấu thầu tại Dự án Vận chuyển xít ngược... nội dung thời gian lựa chọn nhà thầu một số gói thầu ghi trong kế hoạch đấu thầu chưa phù hợp quy định.

Công tác chấm xét thầu còn chưa làm rõ một số hạn chế, tồn tại của hồ sơ dự thầu tại gói thầu số 14, gói thầu 16 dự án hệ thống băng tải cấp than cho nhà máy tuyển Khe Chàm.

Hầu hết các dự án được kiểm toán đều thực hiện chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu dẫn đến phải điều chỉnh tiến độ thực hiện... Ngoài ra, công tác quản lý chất lượng, còn có trường hợp tư vấn giám sát không có chứng chỉ hành nghề theo quy định; chưa kiểm tra, xét năng lực của nhân sự thay thế.

Đáng chú ý, 6 dự án đầu tư xây dựng cơ bản gồm: Suối Lại - Công ty Than Hòn Gai - TKV; Vi Kẽm, Bát Xát, Lào Cai - Tổng Công ty Khoáng sản TKV; Đầu tư thiết bị phục vụ sản xuất năm 2020 - Công ty cổ phần Than Đèo Nai - Vinacomin; Trung tâm chế biến và Kho than tập trung vùng Hòn Gai - Công ty Tuyển than Hòn Gai - Vinacomin; Vận chuyển xít ngược - Công ty Tuyển than Cửa Ông - TKV và dự án Băng tải than Khe Chàm - Công ty TNHH MTV Môi trường - TKV) còn một số hạng mục, công trình thực hiện chậm so với yêu cầu của hợp đồng, dự án thực hiện chậm so với dự án đầu tư được phê duyệt và một số hạn chế tồn tại trong chấp hành chính sách, chế độ dẫn đến phải giảm thanh, quyết toán chi phí đầu tư…

Quản lý lỏng lẻo, nợ xấu lớn

Kết quả kiểm toán cho thấy còn tình trạng quản lý nợ phải thu chưa chặt chẽ để phát sinh nợ đọng, nợ phải thu khó đòi. Theo báo cáo của Vinacomin, tổng giá trị nợ phải thu khó đòi tại 31/12/2021 là hơn 279,1 tỷ đồng, trích dự phòng nợ phải thu hơn 238 tỷ đồng, đối chiếu nợ phải thu, phải trả chưa đầy đủ.

Một số đầu tư của TKV tiềm ẩn rủi ro tài chính - 2

TKV hiện có nhiều khoản đầu tư tiềm ẩn rủi ro. (Ảnh minh hoạ)

Bên cạnh đó, vẫn còn trường hợp cho khách hàng nợ tiền hàng không đúng quy định theo hợp đồng, dư nợ vượt bảo lãnh thanh toán, chậm hoàn ứng theo quy định của đơn vị. Một số hợp đồng bán than tại Chi nhánh Công ty Kinh doanh than Hải Phòng của Công ty cổ phần Kinh doanh than miền Bắc - Vinacomin chưa quy định hình thức bảo đảm thực hiện hợp đồng, chưa quy định điều khoản thưởng phạt. Ngoài ra, còn trường hợp có hệ số thanh toán nợ ngắn hạn chưa đảm bảo...

Về quản lý hàng tồn kho, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra có trường hợp chưa yêu cầu đơn vị giám định cung cấp các tài liệu thể hiện số lượng mẫu được lấy, sơ đồ lấy mẫu; chưa kiểm định hoặc hiệu chuẩn và đánh giá sai số của thiết bị đo mức tự động tại bể chứa xăng dầu; chưa thực hiện giám định độ ẩm lượng than sau khi nhập về kho, tiềm ẩn rủi ro chất lượng, độ ẩm hàng nhập kho...

Về hiệu quả sử dụng tài sản cố định, cơ quan kiểm toáncho biết công suất bình quân thực tế hoạt động của một số phân xưởng sàng tuyển thấp hơn so với công suất thiết kế; hiệu suất sử dụng một số đoàn tàu vận chuyển còn thấp, vòng quay chậm; một số khoản chi phí xây dựng cơ bản dở dang của các dự án dừng hoặc không tiếp tục đầu tư từ nhiều năm trước đến nay chưa được xử lý dứt điểm.

Quản lý doanh thu, thu nhập còn có đơn vị chưa thực hiện kê khai giá bán than theo quy định; một số khách hàng chưa có hồ sơ đủ điều kiện hộ kinh doanh thương mại.

Đối với việc quản lý các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra đơn vị chưa kê khai thuế giá trị giá tăng đối với hàng biếu tặng; tính thiếu thuế thu nhập cá nhân; chưa loại trừ một số khoản chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; chưa giảm thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân đối với khoản thu nhập từ cổ tức; trích quỹ khoa học và công nghệ vượt quy định...

Việc quản lý đầu tư, mua sắm tài sản, hàng hóa, sửa chữa tài sản cố định, thuê ngoài cung cấp dịch vụ, qua kiểm toán cũng phát hiện nhiều tồn tại.

Đáng chú ý, trong các báo cáo kiểm toán trước đó, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều sai phạm trong hoạt động quản lý đầu tư xây dựng và hiệu quả đầu tư dự án của Vinacomin. Theo đó, một số doanh nghiệp của Vinacomin có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng, tiềm ẩn rủi ro mất cân đối tài chính; hoạt động đầu tư tài chính của một số đơn vị thuộc Vinacomin không hiệu quả, thua lỗ lớn, âm vốn chủ sở hữu

Bên cạnh đó, một số dự án có hiệu quả đầu tư thấp do trữ lượng không đạt như khảo sát, giá sản phẩm tiêu thụ lập không sát diễn biến thị trường , một số giá sản phẩm giảm mạnh, dẫn đến một số dự án thua lỗ lớn khi đưa vào khai thác, tiềm ẩn nguy cơ mất toàn bộ vốn đầu tư....

Hoà Bình
Bình luận
vtcnews.vn