Mỏi chân và các dấu hiệu cảnh báo suy tĩnh mạch chi dưới ở phụ nữ

Tư vấnThứ Năm, 19/05/2022 07:09:34 +07:00
(VTC News) -

Suy tĩnh mạch chi dưới là bệnh rất thường gặp, nữ giới thường có tỷ lệ mắc cao hơn nam giới.

Suy tĩnh mạch chi dưới là sự suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch chi dưới dẫn đến hiện tượng máu bị ứ đọng lại ở vùng chân, gây biến đổi về huyết động và làm biến dạng các tổ chức mô xung quanh. Bệnh thường tiến triển chậm, không rầm rộ, ít nguy hiểm nhưng gây trở ngại nhiều cho sinh hoạt và công việc hàng ngày.

Bệnh được xác định liên quan đến một số yếu tố gây tổn thương chức năng của các van một chiều thuộc hệ tĩnh mạch ngoại biên. Các van này bị tổn thương là do:

- Tư thế sinh hoạt, làm việc: phải đứng hay ngồi một chỗ quá lâu, ít vận động, phải mang vác nặng… tạo điều kiện cho máu bị dồn xuống hai chân, làm tăng áp lực trong các tĩnh mạch ở chân, lâu dần gây tổn thương các van tĩnh mạch một chiều.

- Người mang thai nhiều lần, sinh đẻ nhiều, béo phì, táo bón kinh niên, lười thể dục, hút thuốc lá, chế độ ăn ít chất xơ và vitamin… cũng làm cho bệnh trở nên nặng hơn.

- Thoái hoá van ở người cao tuổi.

- Huyết khối tĩnh mạch.

Mỏi chân và các dấu hiệu cảnh báo suy tĩnh mạch chi dưới ở phụ nữ - 1

Các dấu hiệu cảnh báo 

Giai đoạn đầu, triệu chứng của bệnh thường mờ nhạt và thoáng qua. Người bệnh có biểu hiện đau chân, nặng chân, đôi khi có cảm giác mang giày dép chật hơn bình thường.

- Mỏi chân và xuất hiện phù nhẹ khi phải đứng lâu, ngồi nhiều

- Chuột rút vào buổi tối

- Cảm giác bị châm kim, dị cảm như kiến bò vùng cẳng chân về đêm

- Nhiều mạch máu nhỏ li ti (giai đoạn đầu chỉ thấy tĩnh mạch nổi li ti, nhất là ở cổ chân và bàn chân). Những triệu chứng này thường không rõ ràng hoặc mất đi khi nghỉ ngơi do các tĩnh mạch ở chi chưa giãn nhiều, lúc giãn lúc không nên người bệnh ít chú ý và dễ bỏ qua.

Vào giai đoạn tiến triển, chân người bệnh bắt đầu có biểu hiện phù ở mắt cá hay bàn chân. Vùng cẳng chân xuất hiện thay đổi màu sắc da, biểu hiện của loạn dưỡng do máu tĩnh mạch ứ lâu ngày. Các tĩnh mạch căng giãn gây cảm giác đau tức chân, máu thoát ra ngoài mạch gây phù chân. Hiện tượng này không mất đi khi nghỉ ngơi, trường hợp nặng hơn có thể thấy các búi tĩnh mạch nổi to rõ trên da thường xuyên, các mảng máu bầm trên da…

Phòng ngừa bệnh

Thay đổi thói quen làm việc và sinh hoạt: Tránh đứng lâu hoặc ngồi bất động kéo dài.

- Khi đi ô tô, máy bay đường dài cần phải gấp duỗi chân thường xuyên cho máu lưu thông.

- Uống nhiều nước

- Mang tất dài hỗ trợ

- Giảm cân khi dư thừa

- Dùng thuốc đề phòng huyết khối tĩnh mạch sâu khi có chỉ định.

BS Đặng Xuân Thắng
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp