Minh bạch thông tin, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thương mại điện tử

Doanh nghiệp vì người tiêu dùngThứ Bảy, 02/12/2023 11:41:00 +07:00
(VTC News) -

Càng phát triển và thuận tiện, thương mại điện tử càng bộc lộ những khiếm khuyết cần các cơ chế, chính sách để đắp vá và bảo bệ cho người tiêu dùng.

Tại Hội nghị Phát triển thương mại điện tử với chủ đề: “Phát triển thương mại điện tử bền vững - Tăng cường bảo vệ Quyền lợi của Người tiêu dùng trên Thương mại điện tử" do Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 1/12, các đại biểu nhận định tốc độ tăng trưởng thị trường Thương mại điện tử của Việt Nam đang đứng đầu Đông Nam Á.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Đức Duy/Vietnamplus)

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Đức Duy/Vietnamplus)

Tuy nhiên, đồng nghĩa với nó là sự gia tăng đáng kể của các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng. Chính vì vậy, công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng rất quan trọng.

Hiện, lĩnh vực này liên tục ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc ở mức 16-30%/năm và dự kiến quy mô thị trường sẽ đạt 20,5 tỷ USD trong năm 2023. Nó đã hình thành các hệ thống cung ứng dịch vụ thứ cấp cho thị trường bao gồm: Dịch vụ nền tảng công nghệ hỗ trợ giao dịch thương mại điện tử, các dịch vụ marketing, truyền thông tiếp thị trực tuyến, dịch vụ chuyển phát...

Có thể thấy Thương mại Điện tử là xu hướng phát triển tất yếu. Tuy nhiên, đồng nghĩa với tăng trưởng của Thương mại Điện tử cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể của các khiếu nại trong lĩnh vực này.

Theo số liệu thống kê, khiếu nại về Thương mại Điện tử năm 2022 chiếm khoảng 15% tổng số khiếu nại và 10 tháng năm 2023 chiếm khoảng 6%. Nguyên nhân chính được chỉ ra đầu tiên là do chậm giao hàng (hỏng hóc, vỡ nát, nhận không đúng với đơn đặt hàng), tiếp đến là người tiêu dùng không thỏa mãn với giải quyết của doanh nghiệp, hay hàng hóa không đúng với quảng cáo cũng như vấn nạn hàng gian, hàng giả…

Hiện, cơ quan quản lý Nhà nước đã xây dựng các văn bản pháp lý để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong Thương mại Điện tử, mới nhất là Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi, bổ sung vào tháng 6/2023 và có hiệu lực vào đầu năm 2024.

Nhấn mạnh đến minh bạch thông tin, đây là nội dung tiên quyết để bảo vệ người tiêu dùng khi mua sắm hàng hóa của doanh nghiệp, nhất là các thông tin phải dễ hiểu, không gây nhầm lẫn. Chính vì vậy, bên cạnh việc các doanh nghiệp tự tuân thủ sẽ có sự giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước, các Tổ chức xã hội như Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như sự giám sát của chính người tiêu dùng.

Đặc biệt, cơ quan chức năng của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng như sở công thương các địa phương liên tục phối hợp với lực lượng Quản lý Thị trường để đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng nhái, hàng không đúng nguồn gốc.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng khuyến nghị người tiêu dùng nâng cao ý thức bảo vệ mình, chủ động mua sắm hàng hóa trên các website đã được đăng ký với Bộ Công Thương, hay những doanh nghiệp đã được chứng nhận trên các sàn Thương mại Điện tử cũng như thông báo cho cơ quan Nhà nước hàng hóa vi phạm để kịp thời ngăn ngừa các gian thương trong lĩnh vực này.

Song song đó, nhiều sàn Thương mại Điện tử đang áp dụng quy trình kiểm soát bằng hệ thống từ khoá, bộ lọc và triển khai bộ phận nhân sự kiểm duyệt để nhanh chóng phát hiện sản phẩm vi phạm đồng thời thiết lập chức năng báo cáo sản phẩm vi phạm để tạo điều kiện cho người tiêu dùng phản hồi thông tin, từ đó có biện pháp xử lý theo quy định.

Mi Vi
Bình luận
vtcnews.vn