Miền Trung nắng rộp nhựa mặt đường

Thời sựThứ Hai, 26/05/2014 07:37:00 +07:00

Nắng nóng đỉnh điểm khiến cửa ngõ huyện Tương Dương (Nghệ An), nhiều đoạn quốc lộ 7 như bốc khói bởi mặt đường đang rộp nhựa.

Nắng nóng đỉnh điểm khiến cửa ngõ huyện Tương Dương (Nghệ An), nhiều đoạn quốc lộ 7 như bốc khói bởi mặt đường đang rộp nhựa.

Tương Dương là vùng huyện miền núi cao thuộc miền tây Nghệ An, cách TP Vinh 190km. Nơi đây được coi là một trong những địa phương nắng nóng nhất của Bắc Trung bộ.


Lúc 11h ngày 24/5, khi vừa qua khỏi cái “máy lạnh” của rừng săng lẻ thuộc địa bàn xã Tam Đình để vào cửa ngõ huyện Tương Dương, nhiều đoạn quốc lộ 7 như bốc khói bởi mặt đường đang rộp nhựa.

Dọc hai bên đường, bà con dân tộc Thái ngồi trùm khăn nép vào bóng cây và bóng hàng rào để bán sản vật địa phương.

Chị Vi Hà Loan chỉ tay về phía chợ cóc trước ngã ba xã Tam Thái nói: “Chúng tôi tranh thủ ra ngồi đây bán ít thứ hoa quả và rau trồng được cho người về xuôi. Còn các chợ cóc giải tán lúc mới hơn 9g vì trời nóng không chịu nổi”.

Người dân đi trốn nóng ở công viên dọc bờ sông Hương, TP Huế - Ảnh: Nguyên Linh
Người dân đi trốn nóng ở công viên dọc bờ sông Hương, TP Huế - Ảnh: Nguyên Linh 
Tại UBND huyện Tương Dương, khi nghe hỏi về chuyện nắng nóng, anh Lô Dương Khánh - phó văn phòng - buông hai từ gọn lỏn: “Căng lắm”. Anh nói: “Tương Dương chịu nắng nóng suốt một tuần nay. Hễ chớm trưa là không ai dám ra đường. Hầu hết bà con trong các khu phố không dùng quạt điện bởi càng quạt càng nóng, phải dùng quạt nan. Những tốp thợ xây nhà phải đi làm từ lúc 5h, đến 9h30 nghỉ, 15h30 mới đi làm chiều”.

Năm nào cũng thế, hễ vào mùa hè là vùng huyện này bắt đầu nắng nóng nhưng năm nay không hiểu sao nóng “căng” hơn năm ngoái.


Ngồi trong phòng làm việc, anh Phóng chỉ vào cửa sổ hướng ra bìa rừng nói tiếp: “Từ 2-3h, ngồi ở cửa sổ này cũng không chịu nổi. Quạt trần có cũng như không, không ai mở quạt vì quạt từng nào gió Tây Nam thổi nóng từng đó. Nóng cả tuần rồi, nóng lắm”.

Kể chuyện người dân tránh nắng nóng như thế nào, anh Phóng kể: “Dân ở nhà sàn tránh nắng bằng cách rời sàn xuống gầm ở. Cực nhất là nhà dân lợp fibrôximăng, từ 10h-15h không ai dám ở trong nhà. Họ ra gốc nhãn, cây vải bên bờ sông, bờ suối mắc võng nằm chờ khi trời dịu bớt mới về nhà. Còn người làm rẫy ngô, cỏ lúa nương thì đi lúc mờ sáng. Ai chịu được nắng nóng giỏi lắm thì 9h cũng phải về rồi”.


Rời căn phòng hầm hập nóng, anh Phóng đến bể nước đầu nguồn ở bản Can. Tại đây, hàng chục phụ nữ, trẻ em đang chờ nhau hứng nước vào xô, can. Dòng nước từ bể ximăng cũng nóng ran.

Anh Phóng cho hay dạo này trời nắng quá nên nước trên khe suối cạn dần, nước trong bể cạn theo. Anh Phóng vừa dứt lời thì một số người dân đi xe máy chở theo hai cái can đến chờ lấy nước. Anh Phóng bảo: “Trời cứ nắng nóng mãi như thế này thì căng lắm, địa phương chúng tôi chưa có giải pháp gì để giúp dân”.

Đảo lộn cuộc sống


Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Thừa Thiên - Huế, suốt mười ngày qua nắng nóng ở tỉnh này duy trì trên nền nhiệt rất cao từ 37-39 độ C, có thời điểm ở TP Huế nhiệt độ đạt gần 40 độ C. Nắng như đổ lửa làm mặt đường chảy nhựa, hơi nóng hầm hập từ mặt đường bốc lên làm người đi đường xây xẩm.

Từ 11h đến khoảng 15h, trên các tuyến đường trung tâm TP Huế thưa vắng hẳn người qua lại. Người dân đổ xô ra các quán nước ven sông, nhiều người mang theo võng ra công viên dọc bờ sông Hương để hóng mát. Nắng nóng cũng làm trẻ em ở Huế nhập viện tăng cao.

Ngày 24/5, trung tâm nhi khoa của Bệnh viện Trung ương Huế cho biết mỗi ngày có 300-350 trẻ em đến khám, khoảng 50 trẻ nhập viện điều trị, tăng 50% so với những ngày bình thường.

Bác sĩ Phạm Xuân Mai, phó giám đốc trung tâm nhi khoa, cho biết nguyên nhân bệnh nhi tăng cao do thời tiết nắng nóng, thời tiết thay đổi đột ngột làm giảm sức đề kháng của trẻ em.


Nắng nóng cũng gay gắt bao phủ toàn bộ tỉnh Quảng Bình, đỉnh điểm là tại huyện miền núi Tuyên Hóa. Ông Cao Văn Trúc, chủ tịch UBND xã Tiến Hóa (huyện Tuyên Hóa), cho biết do có nhiều dãy núi đá vôi nên nhiệt độ vào buổi trưa lên tới hơn 40 độ C. Ở xã Phúc Trạch (huyện Bố Trạch) còn gay go hơn do tình trạng khô hạn diễn ra gay gắt từ nhiều ngày qua.

Hầu hết giếng nước trong xã đã cạn khô do liên tục cả tháng qua không có mưa. Vùng đồng bằng cũng nắng nóng gay gắt không hề kém. Nông dân ở vùng có diện tích trồng lúa lớn như xã Sơn Thủy (huyện Lệ Thủy), Tân Ninh (huyện Quảng Ninh) phải ra đồng gặt lúa từ lúc 3h sáng và về nhà lúc 9h để tránh nắng.


Nắng gay gắt trong suốt mấy ngày qua khiến người dân vùng ven TP Đông Hà (Quảng Trị) như ở các phường Đông Lương, Đông Lễ, Đông Thanh phải chuyển giờ làm đồng qua sáng sớm và buổi chiều muộn. Ông Lê Viết Trường (54 tuổi, ở phường Đông Thanh) cho biết cả nhà phải thức dậy lúc hơn 3h.

Thời gian đi gặt lúa buổi chiều sớm nhất cũng 16h cả xóm mới ra đồng. “Buổi trưa ngồi trong nhà còn không thở nổi huống chi ra đồng đi làm. Mới mấy bữa đầu vợ chồng tui gắng gặt xong mảnh ruộng thì gần trưa, bà vợ tui gần ngất xỉu giữa ruộng” - ông Trường nói.

» Nhiều nơi hứng chịu nắng nóng trên 40 độ C
» Toàn miền Bắc và Trung Bộ nắng nóng đến 40 độ
» Miền Trung 'ngắc ngoải' vì nắng nóng

Theo TTO
Bình luận
vtcnews.vn