Mầm non, tiểu học ở TP HCM nguy cơ “tụt chuẩn" cao

Tổng hợpThứ Tư, 07/12/2011 10:36:00 +07:00

Hiện nay, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có hơn 70 trường mầm non, 40 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia.

Hiện nay, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có hơn 70 trường mầm non, 40 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Xét về số lượng, thành phố là địa phương có trường chuẩn các bậc học này vào diện thấp trong cả nước. Tuy nhiên, các trường chuẩn cũng đang đối mặt với nguy cơ "tụt chuẩn" cao.
Số học sinh trong lớp ngày càng tăng
Một trong các tiêu chí quan trọng để các trường đạt chuẩn quốc gia là bảo đảm số học sinh trong lớp không quá 35 học sinh, không quá 30 lớp/trường (đối với bậc tiểu học) và 15 lớp/trường (đối với bậc mầm non). Tuy nhiên, sau khi công bố vài năm, số học sinh các trường mầm non, tiểu học đạt chuẩn ở TP Hồ Chí Minh đều tăng khá cao.
Dù đạt chuẩn quốc gia nhưng Trường Mầm non 19-5 thành phố (quận 1, TP Hồ Chí Minh) luôn
chịu áp lực lớn về số học sinh trong lớp.
 

Trường Mầm non 19-5 thành phố (quận 1) đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1 năm 2005, có quy mô xây dựng ban đầu cho 650 học sinh nhưng hiện nay có hơn 1000 bé theo học với 18 lớp. Như vậy, sĩ số lớp gần gấp đôi chuẩn sĩ số theo quy định. Trong đó, khối lớp chồi và lá là hơn 60 bé/lớp. Hiệu trưởng nhà trường, cô Trần Thị Thu Hằng cho biết: Ban Giám hiệu luôn thống nhất quan điểm là giữ vững chất lượng giáo dục và giải quyết nhu cầu đến trường của các trẻ nhỏ, không phải vì danh hiệu trường chuẩn mà nỡ từ chối các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, trường cũng tiến hành bổ sung thêm bảo mẫu, điều chỉnh giáo viên hợp lý, bảo đảm chăm sóc tốt các bé. Trong thời gian tới, nhà trường tiến hành giảm dần sĩ số, chủ yếu là đối tượng các bé từ 1 đến 2 tuổi, và khuyến khích các bậc phụ huynh nên chăm sóc con tại nhà.
Tình trạng sĩ số tăng cũng đáng báo động tại bậc tiểu học. Các trường tiểu học chuẩn quốc gia như Võ Trường Toản (quận 10), Lạc Long Quân (quận 11), Hoàng Diệu (quận Thủ Đức)... đều đạt sĩ số hơn 40 học sinh/lớp trong những năm gần đây. Theo quy định, khi công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức 1 thì sau 5 năm, các trường đánh giá lại, lập hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền để công nhận mức 2. Tuy nhiên, nhiều trường không dám làm hồ sơ vì khả năng giữ chuẩn là rất khó. Mặt khác, những trường có bề dày lịch sử, chất lượng giáo dục được phụ huynh tín nhiệm nhưng rất khó đạt chuẩn. Điển hình như ở quận 1, 3, 5, Gò Vấp... khó có trường tiểu học nào đạt chuẩn, do không có quỹ đất theo quy định.
Áp lực thiếu trường học
Hàng loạt trường chuẩn của thành phố có nguy cơ "tụt chuẩn" vì phải gánh thêm học sinh của trường khác. Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục - Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh trăn trở: Đến mùa khai giảng, bài toán thiếu trường học là vấn đề nan giải. Mỗi năm, lưu lượng người đến cư trú tại thành phố ngày càng đông, cộng với việc gia tăng dân số tại địa bàn, nhu cầu cho con em đi học là rất lớn. Nếu các trường chuẩn vẫn giữ vững tiêu chí sĩ số chuẩn thì các trường khác trở nên quá tải trầm trọng. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục. Do vậy, các trường phải san sẻ học sinh với nhau. Mục tiêu chung vẫn phải lo cho các em có chỗ học đàng hoàng.
Theo điều lệ cho trường mầm non và tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, diện tích dành cho mỗi học sinh là 6m2. Như vậy, với diện tích đất khoảng 1.500-2000m2 sẽ đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh. Do điều kiện quỹ đất hạn chế nên các trường học xây không kịp với nhu cầu nhập học của học sinh. Xây dựng trường chuẩn quốc gia tuy phù hợp với xu thế phát triển chung của đất nước nhưng việc đầu tư theo tiêu chí chuẩn quốc gia như hiện nay thì rất tốn kém. Một điểm chung, đa số trường chuẩn quốc gia ở TP Hồ Chí Minh là trường xây mới, nằm ở vùng ven, ngoại thành. Tuy vậy, trường xây mới dù chuẩn hay không đạt chuẩn quốc gia thì vẫn còn rất ít so với tốc độ tăng dân số ở thành phố hiện nay.
Tìm giải pháp thiết thực
TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có nhiều trường học tốt, đặc biệt là về chất lượng cơ sở vật chất và đào tạo nhưng không dễ đạt chuẩn quốc gia do áp lực sĩ số học sinh và diện tích đất. Trước mắt, các trường đã chủ động tư vấn, động viên phụ huynh nộp hồ sơ cho con em nhập học theo đúng địa phương cư trú, thuận tiện việc đi lại, đưa rước, tránh hiện tượng chỉ xin vào học ở một số trường lâu năm, bao gồm trường chuẩn.
Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục - Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho rằng: Trong điều kiện thực tế của thành phố, xây dựng trường đạt chuẩn đã khó, giữ vững chuẩn càng khó hơn. Dù các trường chuẩn hiện nay có nguy cơ "tụt chuẩn" nhưng việc giải quyết chỗ học là vấn đề cấp thiết nhất. Muốn giữ vững danh hiệu chuẩn quốc gia cho các trường đã đạt, biện pháp thiết thực nhất là xây thêm trường học để dãn sĩ số học sinh. Tuy nhiên, với quỹ đất hiện nay trong nội ô thành phố thì việc xây thêm trường vô cùng khó khăn. Mục tiêu trước mắt là thành phố không để trẻ em nào trong độ tuổi đi học bị thất học, còn danh hiệu trường chuẩn quốc gia thì Sở và các trường luôn phấn đấu nhưng không nhất thiết chạy theo số lượng hoặc giữ danh hiệu trường chuẩn để các em không có chỗ học!
Dù biết rằng, trường chuẩn đối với thành phố hiện nay là vấn đề không đơn giản, tuy nhiên thành phố cũng cần xem xét ưu tiên quỹ đất để xây dựng thêm trường học, đáp ứng nhu cầu phát triển hiện nay của nền giáo dục.

Theo QĐND
Bình luận
vtcnews.vn