Lý do ngày 13/10 được chọn là ngày Doanh nhân Việt Nam

Doanh nhânThứ Sáu, 13/10/2023 05:28:00 +07:00
(VTC News) -

Ngày 13/10 được chọn là ngày Doanh nhân Việt Nam, xuất phát từ bức thư đầy ý nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giới Công Thương 78 năm về trước (13/10/1945).

Doanh nhân là những người chủ doanh nghiệp, trực tiếp đóng thuế cho ngân sách Nhà nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế đất nước.

Để phát huy vai trò, truyền thống của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội trong việc góp phần xây dựng và phát triển doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày 20/9/2004, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký quyết định chọn ngày 13/10 là ngày Doanh nhân Việt Nam.

Quyết định của Thủ tướng cũng quy định việc tổ chức ngày Doanh nhân Việt Nam hàng năm phải thiết thực, tiết kiệm, có hiệu quả, tránh hình thức, bảo đảm các yêu cầu giáo dục truyền thống yêu nước, tự cường, chủ động sáng tạo của đội ngũ doanh nhân, động viên phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, nâng cao kỷ luật, đạo đức, văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp, doanh nhân.

Đồng thời, tổ chức ngày Doanh nhân Việt Nam để biểu dương khen thưởng bằng các hình thức thích hợp đối với các doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh giỏi, thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp.

Ý tưởng thành lập ngày Doanh nhân xuất phát từ sự kiện mang ý nghĩa sâu sắc cách đây 78 năm. Đó là ngày 13/10/1945, sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới Công Thương Việt Nam.

Bác Hồ với giới công thương năm 1946. (Ảnh: TL)

Bác Hồ với giới công thương năm 1946. (Ảnh: TL)

Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Hiện nay, Công Thương cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm được nhiều việc ích lợi quốc dân. Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt. Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng.

Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng. Vậy, tôi mong giới công thương nỗ lực khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập công thương cứu quốc đoàn, cùng đem vốn vào làm công cuộc ích quốc lợi dân".

Đến nay, những lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị, Đảng và Nhà nước luôn có chiến lược xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiến pháp 2013 đã khẳng định: “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước”.

Mới đây, ngày 21/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025. Trong đó đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, cả nước có 1,5 triệu doanh nghiệp, đóng góp 65-70% GDP cả nước.

Những năm qua, tên tuổi nhiều tỷ phú Việt Nam đã vươn tầm thế giới như ông Phạm Nhật Vượng (Vingroup), ông Trần Bá Dương (Thaco), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Vietjet), ông Nguyễn Đăng Quang (Masan Group), ông Trần Đình Long (Hòa Phát Group)...

Bằng Lăng(tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn