Lương 120 triệu đồng cho nhà quản lý khoa học: Cao hay không?

Tin nhanh 24hChủ Nhật, 20/08/2023 20:03:46 +07:00

TP.HCM có thể trả lương đến 120 triệu đồng/tháng với chức danh lãnh đạo làm khoa học khiến nhiều người tại TP.HCM khá ngạc nhiên.

120 triệu đồng/tháng không quá cao

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Vietravel, đây là phát pháo hiệu rất quan trọng cho thấy sự chuyển biến nhận thức. Bởi, nhân lực là sức mạnh, nhất là trong giai đoạn cách mạng về công nghệ, khoa học hiện nay.

Với mức lương 120 triệu đồng/tháng mà TP.HCM dự định trả cho lãnh đạo làm khoa học, ông Kỳ cho rằng, không phải là quá cao, thậm chí là chưa thực sự thỏa đáng vì để đào tạo ra một nhà khoa học rất tốn kém về tiền của, thời gian và mức ở trên cũng chưa thực sự thỏa đáng.

Với mức sống hiện nay, việc trả lương 120 triệu đồng/tháng có thể gọi là “khủng” nhưng mất đi các nhà khoa học còn kinh khủng hơn.

“Nghe thì kinh khủng nhưng mất họ đi còn kinh khủng hơn nữa. Đối với nhà khoa học không thể đo được. Chúng ta hãy chia các nhà khoa học ra bởi có người có hình thức đột phá, người lâu năm, theo nhóm ngành nghề để có nhóm lương theo nhóm ngành nghề muốn ưu tiên, phát triển, thúc đẩy. Nhưng nói chung để đào tạo một nhà khoa học thực sự thì mức trả lương đó là mức thấp nhất mới có thể nói chuyện được”, ông Nguyễn Quốc Kỳ nói.

KTS Ngô Viết Nam Sơn, việc trả lương cao cho nhà khoa học nên dựa vào đóng góp cho TP chứ không nên dựa vào bằng cấp.

KTS Ngô Viết Nam Sơn, việc trả lương cao cho nhà khoa học nên dựa vào đóng góp cho TP chứ không nên dựa vào bằng cấp.

Nên trả lương dựa vào đóng góp thực tế

Còn theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, việc trả lương cao cho nhà khoa học nên dựa vào đóng góp cho TP.HCM chứ không nên dựa vào bằng cấp. Bên cạnh đó cần phải đầu tư, tạo điều kiện cho nhà khoa học làm việc để phát huy khả năng.

Ví dụ như nhà khoa học có sáng kiến đem lại lợi ích cho thành phố hàng trăm tỷ thì có thể trích % thưởng. Nên dựa trên đóng góp thực tế thì có lẽ hợp lý hơn chứ không dựa trên chức vụ, bằng cấp. Cần phải có cơ chế để họ có thể đóng góp một cách hiệu quả, cho họ quyền hạn, một điều kiện làm việc tốt”, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết.

Trong khi đó, anh Trần Vũ, ngụ quận Bình Thạnh, người đang làm việc tại một cơ quan Nhà nước cho rằng, việc có một mức lương cao đặc biệt cho các nhà khoa học, lãnh đạo khoa học chứng tỏ TP.HCM trọng dụng nhân tài. Tuy nhiên, về lâu dài, TP.HCM và cả nước ta nên tính đến bài toán nâng lương, làm sao để lương công chức, viên chức có thể đủ sống… chứ không chỉ ưu tiên cho một nhóm người.

Tôi không quan tâm đến con số cho lắm. Nhưng tôi nghĩ, hiện nay mức sống cán bộ thấp, lương cơ bản không bao nhiêu và cộng thêm một số phụ cấp cũng không bao nhiêu so với mức sống tại TP.HCM. Hiện TP.HCM đã được thông qua Nghị quyết 98 rồi và tôi nghĩ đây là cơ hội để TP thay đổi việc này. Việc thay đổi chính sách tiền lương cần mở rộng đến các tầng lớp khác”, anh Trần Vũ chia sẻ.

Trước đó, Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM đã có đề xuất mức lương rất cao, đến 120 triệu đồng/tháng không phải chỉ tập trung việc tăng thu nhập cho người làm khoa học, mà TP hướng đến tầm nhìn cao hơn là xây dựng một số đơn vị nghiên cứu hàng đầu ở TP được quốc tế công nhận.

Về cơ sở đề xuất, Sở cho biết Nghị quyết 98 cho phép HĐND TP được quyết định vấn đề tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi với các vị trí lãnh đạo và người làm khoa học trong các tổ chức khoa học công nghệ.

Sở đã tiến hành một khảo sát chế độ tiền lương khoảng vài chục tổ chức khoa học công nghệ khối nhà nước, tư nhân và của nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Trong nhóm này có đơn vị nước ngoài trả thu nhập cao nhất 360 triệu đồng cho vị trí giám đốc phụ trách phát triển trí tuệ nhân tạo (chưa tính thưởng).

Các chuyên gia đầu ngành cũng như một số chuyên gia nước ngoài, cho rằng đây là mức vừa phải.

Hà Khánh(VOV-TP.HCM)
Bình luận
vtcnews.vn