Lối thoát nào cho Bibica trong cuộc 'tình tay ba'

Kinh tếThứ Tư, 03/07/2013 12:46:00 +07:00

(VTC News) - Tìm một ông lớn Việt nhằm hạn chế sức ảnh hưởng của “người tình lắm chiêu” Lotte nhưng Bibica vẫn có thể bị “nuốt chửng” bất cứ lúc nào.

(VTC News) - Tìm một ông lớn Việt nhằm hạn chế sức ảnh hưởng của “người tình lắm chiêu” Lotte nhưng Bibica vẫn trong tình trạng có thể bị “nuốt chửng” bất cứ lúc nào.

Chọn nhầm “người tình lắm chiêu”

Công ty Cổ Phần Bibica có rất nhiều tham vọng. Từ năm 2005 tới 2007, doanh thu và lợi nhuận của ông lớn ngành bánh kẹo Việt Nam này phát triển ổn định. Lợi nhuận của 2005, 2006 và 2007 lần lượt là 12,3 tỷ đồng, 19,4 tỷ đồng và 24,4 tỷ đồng.

Tăng trưởng ổn định nhưng Bibica lại muốn phát triển lên một tầm cao mới nên quyết định “kết duyên” cùng ông lớn Hàn Quốc Lotte. Vào năm 2007, Lotte trở thành cổ đông lớn và tham gia hoạt động điều hành Bibica với tỷ lệ nắm giữ hơn 30%.

Điều đáng nói, Lotte khá chịu chơi khi sẵn sàng trả giá cao để sở hữu cổ phần Bibica. Tại thời điểm giá trên sàn của Bibica là 70.000 - 80.000 đồng/CP, Lotte đã mua với giá 110.000 đồng/CP. Có vẻ như đây là thương vụ rất có lời của ông lớn ngành bánh kẹo Việt Nam.

Lotte ngày càng khẳng định “niềm đam mê” Bibica khi tiếp tục tăng vốn tại công ty này. Sau nhiều lần mua thêm cổ phần, hiện Lotte trở thành cổ đông lớn nhất của Bibica, với tỷ lệ nắm giữ 38,6% (tương đương 5,93 triệu cổ phiếu).

Sau khi tìm được tiếng nói có trọng lượng tại Bibica bằng cách tăng tỷ lệ sở hữu, Lotte bắt đầu có nhiều biểu hiện lạ mà các chuyên gia marketing đánh giá là ý đồ thâu tóm. Lotte “chơi khó” Bibica bằng cách “giúp” Bibica phải đối mặt với khoản lợi nhuận tăng, giảm bất thường.

Bibica
Quá tham vọng, Bibica "kết duyên" nhầm Lotte 
Và chiêu mà Lotte sử dụng chính là ép Bibica dùng công nghệ không thích hợp. Lotte còn dính nghi án lợi dụng Bibica để chuyển giá. Đây là những chiêu rất phổ biến mà các công ty nước ngoài thường sử dụng để thâu tóm công ty Việt Nam.

Cụ thể, kể từ khi Lotte - Bibica bắt tay hợp tác, doanh số Bibica đã có bước nhảy vọt nhưng lợi nhuận sau thuế lại rất phập phù. Sau 1 năm trở thành “người nhà” của Bibica, Lotte “giúp” Bibica giảm lợi nhuận từ 24,4 tỷ đồng (2007) xuống 20,9 tỷ đồng (2008). Tới 2009, lợi nhuận vọt lên 57,3 tỷ đồng nhưng rồi lại rơi xuống 41,8 tỷ đồng (2010). “Lịch sử” lặp lại nên 2012, lợi nhuận của Bibica chỉ còn 25,9 tỷ đồng, nhiều hơn chút ít so với thời điểm Lotte mới rót vốn vào Bibica.

Khi hợp tác, do Lotte ra áp lực yêu cầu Bibica không được sử dụng nhãn hàng Chocopie nên Bibica phải xây dựng thương hiệu riêng. Để phát triển dòng sản phẩm mới, Bibica đã phải bỏ ra rất nhiều chi phí marketing khiến tỷ suất lợi nhuận của nhãn hàng thời gian qua âm 20%.

Bibica bán trực tiếp Lottepie cho cổ đông lớn Hàn Quốc với giá 6,9 USD/thùng nhưng khi gặp sự cố dây chuyền, Bibica phải nhập lại với giá 7,4 USD/thùng.

Tới thời điểm này, lãnh đạo Bibica vẫn tin vào “đạo đức” của Lotte và nghĩ rằng Lotte sẽ không dùng mọi cách để thâu tóm Bibica. Tuy nhiên, ý đồ thâu tóm cũng sớm lộ diện. Tại đại hội cổ đông diễn ra ngày 24/3/2012, ông Jung Woo Lee, Chủ tịch Bibica khiến nhiều người choáng váng khi công bố dự định đổi tên Bibica thành "Lotte - Bibica". Tuy nhiên, đề xuất này không được thông qua.

Tới đại hội cổ đông 2013, Lotte lại muốn thay toàn bộ Hội đồng quản trị Bibica nhưng đã bị Hội đồng quản trị bác bỏ. Đại hội cũng không thể diễn ra như dự kiến, do  không tập hợp đủ 65% cổ phần có quyền biểu quyết tham dự.

Trước những biểu hiện rõ ràng như vậy, hiện tại, không ai lên tiếng phủ nhận ý đồ thâu tóm Bibica của Lotte nữa. Ông Trương Phú Chiến, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bibica đã thừa nhận “sai lầm khi hợp tác với Lotte”. Theo ông Chiến, Lotte có vẻ mặc định Bibica là công ty con của họ. 

“Tình tay ba”, Bibica dễ bị “nuốt chửng”

Khi ý đồ thâu tóm Bibica của Lotte lộ diện, phía Bibica vẫn khá tự tin với quan điểm Lotte chỉ có thể là chủ khi nắm giữ 51% cổ phần. Nhưng theo quy định, room cho nhà đầu tư nước ngoài hiện bị giới hạn 49%.

Mặc dù tự tin với suy nghĩ Lotte khó có thể nắm giữ 51% cổ phần, Bibica vẫn sớm tìm cách đối phó. Và phương án mà họ áp dụng chính là hợp tác với doanh nghiệp Việt để đối chọi với vốn ngoại. Bibica bắt tay với ông lớn tài chính Việt là SSI. Hai bên hợp tác thông qua Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM).

Bibica
Bibica đang bị kẹt giữa hai thế lực lớn Lotte và SSI 
Điều khiến Bibica tin tưởng SSI nhất chính là SSI là công ty Việt. SSI định hướng cùng với Lotte xây dựng Bibica phát triển, tạo thế cân bằng và giữ được quyền lợi ngang nhau, đồng đều giữa hai bên. SSI chiếm trên 35% cổ phần tại Bibica.

Bibica muốn dùng quỹ SSI làm đối trọng với Lotte để tránh việc Bibica bị thâu tóm nhưng mối quan hệ này lại đặt ra một câu hỏi lớn: "SSI hoàn toàn có thể bán cổ phần cho Lotte vì lợi nhuận?". Nếu điều đó xảy ra, hơn 70% cổ phần của Bibica sẽ rơi vào tay Lotte. Tới lúc đó, quá trình thâu tóm sẽ được hoàn tất. Bibica trở thành công ty con của Lotte.

Dù thừa nhận khả năng SSI có thể bán cổ phần để hiện thực hóa lợi nhuận nhưng ông Chiến vẫn tin rằng SSI sẽ nghĩ về thương hiệu, về tinh thần dân tộc nên chỉ chuyển nhượng cho đối tác Việt Nam. Bên cạnh đó, khi đánh giá về định hướng đầu tư của SSI, ông Chiến nhận thấy sự đầu tư của SSI vào Bibica là có định hướng đầu tư ổn định, lâu dài.

>> Xem loạt bài Những thương hiệu "sừng sỏ" giờ ra sao?
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa người Việt và người Việt cũng nảy sinh vấn đề. Tại đại hội cổ đông dự kiến diễn ra vào tháng 4 năm nay, SSI đã bất ngờ vắng mặt khiến đại hội phải hoãn.

Giải thích cho việc không tham gia đại hội cổ đông, ông Nguyễn Khắc Hải, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) - đại diện cổ đông lớn tại Bibica đánh giá hiện tại tình hình ở Bibica tương đối phức tạp. Các thành viên Hội đồng Quản trị và Ban điều hành không làm việc được với nhau.

Ông Hải phần nào xua đi nỗi lo SSI sẽ bán cổ phần “góp sức” cho Lotte thâu tóm Bibica khi khẳng định SSI "cam kết sẽ đồng hành lâu dài" cùng với Bibica và các cổ đông lớn khác.

Thế nhưng những nhận xét thiếu tích cực của ông Hải về Bibica khiến nhiều người nghĩ tới viễn cảnh lương duyên đứt đoạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Hơn nữa, xét trên phương diện đầu tư tài chính, chẳng ai có thể ngăn cản nổi việc SSI bán cổ phần tại Bibica. Nếu Lotte sẵn sàng trả giá cao như trước đây, có ai dám chắc SSI sẽ từ chối miếng mồi ngon chỉ vì lý do ít có tính thương trường.  Đó là “chúng ta cùng là người Việt”.

Cần phải thấy, trước đây, Lotte đã sẵn sàng trả giá 110.000 đồng/CP thì hiện nay với mức giá Bibica chỉ có 22.000 đồng/CP, Lotte thừa tiềm lực phát ra mức giá trên trời. Vì vậy, nhiều người nhận định Bibica có thể bị Lotte thâu tóm bất cứ lúc nào.

Lối thoát nào cho Bibica?

Hiện tại, Bibica vẫn đang cố vẫy vùng nhằm thoát khỏi kịch bản thâu tóm. Nhưng do nắm giữ quá ít cổ phần, Bibica không thể tự quyết định được số phận của mình. Việc Bibica có bị thâu tóm hay không lại phụ thuộc vào động thái của SSI.

Mà SSI là một tập đoàn tài chính lớn. Với một đơn vị kinh doanh, lợi nhuận thường đặt lên hàng đầu. Giả sử Lotte chào mua cổ phần Bibica với giá cao gấp đôi hiện tại 45.000 đồng/CP, có ai dám chắc SSI sẽ vì tinh thần dân tộc mà lắc đầu từ chối?

Bibica
Liệu Bibica có lật ngược được thế cờ? 
Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc SSI lại đánh giá từ năm 2012 thị trường mở ra cơ hội về dịch vụ tư vấn M&A cho khách hàng. Ông cho rằng đây là hoạt động có tiềm năng, chưa bao giờ có thể mua lại doanh nghiệp với mức giá rẻ như bây giờ. Việc SSI để mắt tới M&A cũng được xem là mối nguy của Bibica.

Tuy nhiên, Bibica vẫn còn hy vọng vì tình hình kinh doanh của SSI đang được cải thiện mạnh. Quý 4/2012, lợi nhuận sau thuế của SSI tăng vọt lên 163 tỷ đồng từ mức 45 tỷ đồng quý 3/2012. Tới quý 1/2013, lợi nhuận giảm nhẹ nhưng vẫn là con số tương đối lớn, hơn 160 tỷ đồng.

Hơn nữa, trên thị trường, cả SSI và ông Hưng đều là những tên tuổi lớn, có uy tín. Vì vậy, những người tâm huyết với Bibica vẫn có thể hy vọng SSI không nuốt lời và sẽ sát cánh cùng Bibica chống lại ý đồ thâu tóm của Lotte.

Nhưng trong thương trường, chẳng thể nói trước được bất cứ điều gì. Thế nên, Bibica vẫn như ngồi trên đống lửa.

Đánh giá về “cuộc chiến” giữa Lotte và Bibica, chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang cho biết, trong không ít liên doanh từ thời kỳ mở cửa cho đến nay, các bên tham gia có nhiều động cơ khác nhau. Ví như câu chuyện Trọng Thủy, Mỵ Châu trong lịch sử, họ nhân danh “tình cảm” hay “sứ mệnh tốt đẹp” nhưng trong quá trình sống chung thì phía bên kia tìm cách thôn tính đối tác. Theo ông Quang, kịch bản của Lotte dĩ nhiên có thể nhìn thấy trước vì nó quá quen thuộc.

“Chúng ta đã rút ra rất nhiều bài học cho chính sách và cho doanh nghiệp, nhưng câu chuyện thâu tóm hay thất bại trong liên doanh dường như vẫn còn tiếp diễn” - Ông Quang bày tỏ lo ngại.

Để đối phó với tình trạng này, ông Quang khuyên các doanh nghiệp nên mời các chuyên gia tư vấn chiến lược có tầm. Bên cạnh đó, tận dụng trí tuệ của cộng đồng bằng cách tuyển dụng nhân sự giỏi, cùng với đóng góp của các chuyên gia tạo ra chiến lược đột phá. Doanh nghiệp cũng có thể giải toả áp lực tài chính bằng cách tiếp cận với các quỹ đầu tư.

Ông Quang đánh giá tình hình tại Bibica là khá căng thẳng. Tuy nhiên theo ông Quang, ở Bibica vẫn còn một vài con người có tâm huyết. Họ có hy vọng xoay chuyển được tình thế. Chiến lược của Bibica đang rất cần sự tham gia của các cổ đông mạnh hay một quỹ đầu tư Thương hiệu Việt để cân đối quyền lực với Lotte. 

Ông Quang đặc biệt nhấn mạnh tơi vai trò của SCIC. Theo ông Quang, thay vì gửi nguồn vốn ngàn tỷ đồng vào ngân hàng, SCIC nên cấp vốn cho nhiều doanh nghiệp đang cần tiền như Bibica. Đây là một trong các cách có hiệu quả giúp Bibica chống lại ý đồ thâu tóm của Lotte.

Bảo Linh

Bình luận
vtcnews.vn