Lời khuyên từ chuyên gia giúp giọng khỏe và ấm áp suốt mùa đông

Tư vấnThứ Tư, 04/01/2023 07:39:48 +07:00
(VTC News) -

Lời khuyên của chuyên gia tai mũi họng với những người thường xuyên dùng giọng nói trong nghề nghiệp như giáo viên, ca sĩ, MC…

Là bác sĩ tai mũi họng, tôi thường xuyên nhận được câu hỏi từ nhiều người quan tâm tới giọng nói của mình như giáo viên, ca sĩ, phát thanh viên, người dẫn chương trình (MC)… “Làm sao có thể giữ được một chất giọng ấm áp trong suốt mùa đông?”.

Mùa đông, bên cạnh không khí lạnh, thời tiết có độ ẩm cao, có mưa phùn… là việc thường xuyên phải ăn tiệc cuối năm, dự các lễ tổng kết, các show diễn, các lễ cưới và các bữa tất niên, rồi sự chênh lệch nhiệt độ giữa điều hòa ấm, hệ thống sưởi trong phòng với nhiệt độ lạnh ngoài trời.

Bạn hãy đảm bảo thực hiện các việc sau:

Thứ nhất, giữ đủ nước cho hệ thống niêm mạc đường hô hấp trong đó có thanh quản bằng cách:

-   Uống đủ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày.

-  Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng mà mình sử dụng nhiều thời gian nhất trong ngày.

-  Xông hơi nước ấm vào mũi họng hai lần trong ngày bằng máy khí dùng sách tay.

-  Thường xuyên nhấp những ngụm nước ấm nhỏ khi bạn phải nói kéo dài trên 30 phút.

Để giọng nghỉ ngơi là chìa khoá của một giọng nói khoẻ mạnh, bạn cần ngủ đủ giấc (khoảng 8 giờ) mỗi tối. Hãy cảm nhận bộ phận phát âm của mình và dừng ngay việc sử dụng giọng nếu bạn thấy cổ họng bắt đầu rát và nói phải gắng sức.

Nếu cảm nhận giọng không được trong và ấm áp như thường ngày, nếu phải sử dụng giọng, hãy chia nhỏ công việc và có nghỉ ngơi ở từng giai đoạn, ví dụ ngắt quãng các buổi thu âm, nghỉ giữa giờ trong khi giảng, có câu hỏi giữa chừng khi thuyết trình dài… Nếu bạn phải nói ở hội trường lớn, hãy hỗ trợ giọng bằng micro, và chọn thời điểm thích hợp để ngắt quãng bài nói.

Hãy cẩn trọng với đồ uống và thức ăn. Những thức ăn cay nóng là loại hay dùng trong các bữa tiệc cuối năm dễ làm thanh quản hoặc dạ dày thực quản bị kích thích dẫn tới viêm thanh quản dị ứng hoặc viêm thanh quản do trào ngược dạ dày thực quản.

Khói của thuốc lá trong các bữa tiệc, khói của những nồi lẩu… đều là những tác nhân có thể làm bạn mất giọng ngay lập tức. Hãy giữ một khoảng cách nhất định để không hít phải khói trong những trường hợp này.

Một điều quan trọng là cần tránh tổn thương thanh quản do bản thân gây ra: nếu bạn ở chỗ đông người, quá ồn ào, bạn phải gắng sức để nói thật to với người xung quanh. Nếu giọng bạn đang yếu, bạn tránh làm điều này, hãy nói chuyện trong những nhóm nhỏ hơn, và sử dụng giọng đủ cho người bên cạnh có thể nghe được, sử dụng phòng kín hoặc bật nhạc nhỏ hơn (nếu có thể).

Nhiều người có thói quen đằng hắng mỗi khi có cảm giác vướng ở họng. Đây là một thói quen ảnh hưởng xấu tới thanh quản do khi đằng hắng hai dây thanh cọ vào nhau khá mạnh, bờ tự do của hai dây thanh bị chà xát và rất dễ làm tổn thương nặng lên. Vì vậy hãy uống một ngụm nước ấm mỗi khi bạn thấy vướng gì đó trong cổ.

Bạn có thể bị mất tiếng từ từ hoặc đột ngột khi bạn có dịch mũi và ho có đờm. Cần đi khám bác sĩ tai mũi họng để điều trị ngay khi thấy có biểu hiện viêm mũi và họng. Vì chỉ cần một yếu tố thuận lợi tác động như gặp lạnh, bạn có thể mất tiếng nói bất kì lúc nào.

PGS.TS.BS Phạm Thị Bích Đào (BV Đại học Y Hà Nội)
Bình luận
vtcnews.vn