Lo ngại Trung Quốc, người Nga kịch liệt phản đối dự án ở hồ Baikal

Thế giớiThứ Bảy, 16/03/2019 17:25:00 +07:00

Dự án khai thác nước ngọt từ hồ Baikal, Nga của nhà đầu tư Trung Quốc đang vấp phải làn sóng phản đối dữ dội từ người dân địa phương.

Các nhà sinh thái học và chính quyền địa phương trước đây từng khẳng định rằng dự án nước đóng chai tại hồ nước ngọt lớn nhất thế giới là một cách thu lợi nhuận "xanh" từ tài nguyên thiên nhiên Siberia. Tuy nhiên mới đây, hơn một triệu người đã ký vào đơn kiến nghị kêu gọi những người Nga yêu nước hãy đề nghị để loại bỏ "nhà máy Trung Quốc đang xây dựng bên bờ hồ Baikal"

"Nước sẽ được chuyển tới Trung Quốc", bản kiến nghị cảnh báo, đồng thời khẳng định cơ sở này sẽ chặn quyền tiếp cận của người dân địa phương với hồ và gây thiệt hại không thể khắc phục được cho Di sản Thế giới này. 

Chiến dịch kêu gọi đóng cửa dự án đã lan nhanh trên các phương tiện truyền thông xã hội trong những tháng gần đây, nhưng lại không nhận được sự đồng thuận từ các tổ chức phi chính phủ môi trường lớn. 

Trên thực tế, nhà máy đã bắt đầu được xây dựng ở khu vực phía nam của hồ. Tuy nhiên, trước làn sóng chỉ trích của dư luận, tòa án Nga đã ra lệnh dừng xây dựng cho tới khi có kết quả điều tra về các khiếu nại vi phạm. 

baikal 3

 Một góc Baikal - Hồ nước ngọt lớn và sâu nhất thế giới. (Ảnh: Daily Mail)

Công ty xây dựng nhà máy cho biết họ rất ngạc nhiên trước các chỉ trích nhưng nhấn mạnh sẽ chờ đợi quyết định từ tòa án. 

Nhà máy đang hứng phải hàng loạt chỉ trích được xây dựng ở làng Kultuk, phía nam vùng Irkutsk bởi công ty AkvaSib của Nga. Tuy nhiên, nguồn tiền mà AkvaSib dựa vào để phát triển dự án này lại đến từ một công ty có tên "Baikal Lake" có trụ sở tại Hắc Long Giang, Trung Quốc. 

Đại diện của AkvaSib, Alexei Azarov cho biết họ đã được bật đèn xanh để xây dựng dự án sau khi các đánh giá môi trường xung quanh khu vực được hoàn thành. 

"Không ai chống lại dự án này vào thời điểm đó", Azarov nói. 

Theo kế hoạch, AkvaSib sẽ lấy nước từ đáy hồ Baikal, bơm qua một đường ống dẫn nước dài vài km đến nhà máy đang được xây dựng trên bờ hồ, đóng chai và xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc và Mông Cổ. Công suất dự kiến của nhà máy là 528.000 lít nước mỗi ngày.

Giai đoạn đầu tiên dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ tháng 12 năm nay và với đà này, công ty có thể đạt công suất tối đa vào năm 2021. Tuy nhiên, việc dự án bị tạm ngừng chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới mục tiêu trên. 

Theo ông Azarov, nhà máy sẽ không ngăn cản người dân địa phương tiếp cận hồ. Thêm vào đó, dự án này còn tạo thêm việc làm cho 150 người và giúp chính quyền thu được một khoản thuế nhất định. Mặc dù vậy nhiều người nghi ngại rằng khi dự án được triển khai, nhà đầu tư Trung Quốc sẽ đưa người dân của họ sang Nga làm việc, sinh sống và bám rễ tại đây giống như những gì họ làm với các dự án trong sáng kiến "Vành đai, Con đường". 

7245716

Người dân địa phương chỉ trích nặng nề tham vọng xây dựng dự án tại hồ này từ nhà đầu tư Trung Quốc. (Ảnh: Sputnik)

Theo nhà môi trường Siberia Alexander Kolotov, người dân tỏ ra bất mãn về vị trí của nhà máy nhưng yếu tố bài Trung Quốc ở đây hết sức rõ ràng. 

"Nó đánh vào tâm lý sợ hãi và định kiến của người Nga hiện đại rằng Trung Quốc sẽ nuốt chửng di sản quốc gia của chúng ta", ông Kolotov nói. Đơn kiến nghị được nộp đi sau cuộc biểu tình chống lại nạn người Trung Quốc chặt phá rừng trên khắp Siberia, khiến một số khu vực đã phải hủy bỏ thỏa thuận với các công ty Trung Quốc.

Sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực bùng nổ sau khi đồng rúp sụp đổ vào năm 2014 kéo theo việc Nga giảm bớt các hạn chế thị thực du lịch. 

Du lịch và kinh doanh phát triển, nhưng lòng tin của người dân địa phương lại sụt giảm. 

Bà Svetlana Pavlova, tổng biên tập tờ IRK.ru có trụ sở tại Irkutsk nói rằng đối với người Siberia, có 2 thứ giống như tấm vải đỏ kích thích con bò tốt khiến họ phản ứng mạnh mẽ. Một là người Trung Quốc chiếm hết mọi thứ và để lại rác, hai là việc hồ Baikan bị lấn chiếm. Trong trường hợp này, công ty thực hiện dự án AkvaSib lại chịu sự kiểm soát gần như 100% của doanh nhân Trung Quốc Ju Gof. 

Tuy nhiên, ông Denis Bukalov, một nhà vận động chống lại dự án có trụ sở tại Irkutsk nói rằng vấn đề không nằm ở người Trung Quốc. 

"Nhà máy đã hủy hoại bờ biển Kultuk sau khi chia cắt đất "bất hợp pháp", ông này nói, khẳng định dự án đã tạo ra tiền lệ nguy hiểm. 

"Bạn có thể thấy bản đồ quyền sở hữu đất đai ghi rõ rằng 7 lô đất được dành cho việc đóng chai nước gần đó. Họ sẽ biến Baikal thành một đầm lầy", ông nhấn mạnh. 

Trong khi đó, các nhà sinh thái học cũng chỉ ra rằng dự án sẽ ảnh hưởng tới hơn 130 loài chim dư cư tới khu vực này mỗi năm. 

"Điều này thậm chí còn không được đề cập trong đánh giá môi trường của nhà máy", nhà sinh vật học Igor Fefelov thuộc Liên đoàn Bảo tồn Chim Liên bang Nga cho hay. 

Thống đốc khu vực Irkutsk Sergei Levchenko, người lên tiếng ủng hộ việc xây dựng nhà máy vào năm 2017 dường như cũng đã thay đổi quan điểm trước làn sóng phản đối ngày càng gia tăng. 

"Địa điểm này cần phải được bảo vệ từ tất cả các phía. Tôi nghĩ rằng không thể vượt qua điều này. Tôi không thấy tiềm năng đóng chai nước ở đó", ông Levchenko nói. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn