Liên danh Vietur 'lọt vòng trong' gói thầu 35.000 tỷ đồng, Liên danh Hoa Lư khiếu nại khẩn

Đầu TưThứ Bảy, 05/08/2023 13:30:00 +07:00
(VTC News) -

Sau khi Liên danh Vietur nhận thông báo "vào vòng trong" đối với gói thầu xây dựng Sân bay quốc tế Long Thành, Liên danh Hoa Lư đã có đơn khiếu nại khẩn cấp.

Chiều 5/8, một nguồn tin trong Liên danh Hoa Lư xác nhận văn bản đang lan truyền trên mạng về việc Liên danh Hoa Lư khiếu nại Liên danh Vietur là chính xác. Đây là một động thái phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Liên danh Hoa Lư - một trong ba liên danh tham gia đấu thầu gói thầu 5.10 – Cảng hàng không quốc tế Long Thành kiến nghị về các dấu hiệu vi phạm pháp luật của Liên danh Vietur.

Văn bản được cho là của Liên danh Hoa Lư kiến nghị việc Liên danh Vietur được vào vòng trong gói thầu hơn 35.000 tỷ đồng thi công, xây dựng sân bay Long Thành. (Ảnh: Đại Việt)

Văn bản được cho là của Liên danh Hoa Lư kiến nghị việc Liên danh Vietur được vào vòng trong gói thầu hơn 35.000 tỷ đồng thi công, xây dựng sân bay Long Thành. (Ảnh: Đại Việt)

Liên danh Hoa Lư cho biết, đơn vị này khiếu nại bên mời thầu là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam liên quan đến thông báo Liên danh Vietur đáp ứng yêu cầu kỹ thuật số 3146/TB-TCTCHKVN-LT ngày 1/8/2023.

Chúng tôi có bằng chứng cho thấy thành viên đứng đầu của Liên danh Vietur đã vi phạm quy định về đấu thầu và không đủ tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật Gói thầu 5.10 và vì vậy cần xem xét lại Thông báo 3146”, văn bản nêu rõ.

Liên danh Hoa Lư thông tin, gói thầu 5.10 có tổng dự toán 35.000 tỷ đồng là một trong những công trình lớn trọng điểm của đất nước, cần có sự cẩn trọng trong công tác lựa chọn nhà thầu đủ năng lực, không bị vướng lịch sử chậm trễ thi công hay nghi vấn tham nhũng.

Liên danh Hoa Lư cũng cho rằng, đơn vị này có đủ năng lực thi công và tài chính. Bên cạnh đó, họ cũng đã nghiên cứu hồ sơ mời thầu trong hơn 14 tháng nên hoàn toàn toàn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của hồ sơ mời thầu.

Tuy nhiên, đến ngày 1/8, Liên danh Hoa Lư lại nhận được thông báo là Liên danh Vietur do Công ty IC Holding (Thổ Nhĩ Kỳ) đứng đầu đã đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.

Trong khi đó, Liên danh Hoa Lư đánh giá IC Holding không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật để trúng thầu. Bởi, Chủ tịch Công ty IC Holding từng vướng vào nhiều nghi vấn tham nhũng.

Công ty IC Holding có lịch sử thi công chậm trễ nhiều công trình và có lịch sử bị chấm dứt các dự án lớn, có lịch sử kiện tụng chủ đầu tư.

Ngoài ra, Liên danh Hoa Lư cũng cho rằng, các kinh nghiệm xây dựng sân bay của IC Holdings là không đúng sự thật và có dấu hiệu bị chậm trễ.

Văn bản cũng nêu ra nhiều quan ngại cho dự án xây dựng sân bay Long Thành. Cụ thể, theo thông lệ quốc tế của International Comprtitive Bidding, chủ đầu tư trước khi quyết định các yếu tố kỹ thuật có điểm liệt hay chưa rõ đều phải công khai yêu cầu công ty dự thầu giải thích, cung cấp thêm để đảm bảo tính khách quan.

Việc áp dụng điểm liệt cần phải xem xét kỹ càng theo quy định đấu thầu quốc tế để tránh các khả năng tranh chấp sau này từ các nhà thầu có kinh nghiệm, ảnh hưởng đến tiến độ dự án và uy tín quốc gia.

Việc chọn duy nhất Liên danh Vietur vào vòng xét mở hồ sơ tài chính có khả năng đồng nghĩa với việc đơn vị trúng thầu đã được xác định từ vòng xét tuyển hồ sơ đề xuất kỹ thuật, dẫn đến nguy cơ rất cao không đảm bảo tính cạnh tranh công bằng về giá. Có khả năng gây thiệt hại ngân sách của Nhà nước và nhân dân”, văn bản của Hoa Lư nhấn mạnh.

Các nhà thầu đang "chạy đua" để nhận được gói thầu lớn nhất của dự án xây dựng sân bay Long Thành. (Ảnh: B.L)

Các nhà thầu đang "chạy đua" để nhận được gói thầu lớn nhất của dự án xây dựng sân bay Long Thành. (Ảnh: B.L)

Trước đó, Liên danh Vietur vượt qua vòng kỹ thuật bao gồm: Công ty IC Ictas; Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Ricons; Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Newtecons; Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Sol E&C; Tổng công ty Xây dựng số 1; Công ty Cổ phần kết cấu ATAD; Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam; Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings; Công ty Cổ phần HAWEE cơ điện; Tổng công ty Xây dựng Hà Nội.

Thành viên đứng đầu liên danh là Công ty IC Ictas, nhiều đơn vị còn lại thuộc hệ sinh thái của tỷ phú Nguyễn Bá Dương như: Ricons, Newtecons, Sol E&C.

Mới đây, ông Nguyễn Bá Dương gửi tâm thư đến cán bộ nhân viên trong hệ sinh thái xây dựng của mình. Ông khẳng định về triết lý kinh doanh từ những ngày đầu thành lập là "Không thắng thầu bằng mọi giá, hứa được - làm được, luôn chân thành và đặt lợi ích của đối tác lên hàng đầu".

Cũng theo ông Dương, hệ sinh thái của ông vẫn hoạt động hiệu quả và luôn tiến lên phía trước cho dù ngành xây dựng còn đang gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù thị trường bất động sản còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, các công ty trong hệ sinh thái vẫn được chủ đầu tư tôn trọng và giao việc.

Bức thư của ông Dương được quan tâm bởi nó được đưa ra ngay sau khi Liên danh Vietur trở thành liên danh duy nhất vượt qua vòng kỹ thuật Gói thầu 5.10 trị giá hơn 35.000 tỷ đồng.

Trước đó, một văn bản được cho là của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) về kết quả vòng kỹ thuật gói thầu 35.000 tỷ đồng đã lan truyền, gây sự chú ý của dư luận. 

Văn bản này thông báo việc nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật Gói thầu số 5.10 – Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách của Dự án thành phần 3 – Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Theo đó, hồ sơ dự thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật của gói thầu nêu trên là Liên danh Vietur.

ĐẠI VIỆT
Bình luận
vtcnews.vn