'Lén' tăng thu phí ATM, ngân hàng biện minh gì?

Kinh tếThứ Tư, 13/06/2012 07:25:00 +07:00

(VTC News)- Trên thực tế, nhiều ngân hàng thương mại đã “âm thầm” tăng thu phí ATM dù Hiệp hội Thẻ Việt Nam công bố trong năm nay sẽ chưa vội thu, tăng phí ATM.

(VTC News) - Theo thông tin từ Hiệp hội Thẻ Việt Nam, trong năm nay sẽ chưa vội thu, tăng phí ATM nội và ngoại mạng, cần phải có lộ trình cơ chế tính phí, biểu mẫu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rồi mới đề xuất. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều ngân hàng thương mại đã “âm thầm” tăng thu phí ATM.


Mức phí không mấy “dễ chịu”

Chị Mai Hương, tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), một khách hàng dùng thẻ ATM của Techcombank có phân trần: “Các máy ATM của ngân hàng này chỉ cho rút tối đa mỗi lần từ 1 triệu hoặc 1,5 triệu đồng. Lúc cần số tiền lớn, buộc phải giao dịch nhiều lần, với việc tăng phí giao dịch rút tiền mặt lên mức 5.500 đồng cho mỗi lần giao dịch ngoại mạng làm tôi phải cân nhắc”.

“Chắc chỉ còn cách ra tận quầy trong giờ hành chính để rút tiền mặt”, chị nói này. Hơn nữa, việc tăng phí ngoại mạng từ 3.300 đồng lên mức 5.500 đồng/giao dịch không được ngân hàng thông báo khiến khách hàng càng bức xúc.


Các ngân hàng đang "lén" thu phí ATM (Ảnh minh họa) 

Một khách hàng dùng thẻ ATM của ĐôngA Bank  làm việc tại một ngân hàng trên phố Tông Đản (Hà Nội) cũng tỏ ra băn khoăn, sau khi chuyển khoản nội mạng đến cả tháng mới phát hiện ra bị ngân hàng thu phí  5.000 đồng cho số tiền chuyển khoản là 1 triệu đồng. Gọi điện cho nhân viên phòng thẻ của ngân hàng này chị mới được biết ngân hàng đã thu phí chuyển khoản nội mạng từ tháng nay.

“Biết thế, lần sau mình không dám gửi chuyển khoản những món tiền lớn nữa”, chị nói.Không chỉ có Techcombank, ĐôngA Bank gây “sốc” với việc “lặng lẽ” tăng thu phí mà nhiều ngân hàng khác cũng đang “âm thầm” thu phí giao dịch nội mạng như ngân hàng BIDV 2.200 đồng/giao dịch, Agribank, Vietcombank 3.300 đồng/giao dịch…

Điều đáng nói là việc thu phí này không được ngân hàng thông báo rộng rãi. Nhiều khách hàng sau khi đến ATM chuyển khoản nội mạng mới biết, một số khách hàng sau khi in sao kê mới thấy bị trừ tiền, hoặc phải gọi điện hỏi chi nhánh hay phòng giao dịch mới biết ngân hàng thu phí giao dịch ATM nội mạng và tăng phí giao dịch ngoại mạng.

Tuy nhiên, theo đại diện của Vietcombank thì từ ngày 1/4, ngân hàng đã dán thông báo điều chỉnh một số loại phí đối với thẻ ghi nợ Connect24 và thẻ Visa tại các trụ ATM của ngân hàng. Cụ thể, phí quản lý tài khoản thẻ 3.300 đồng/tháng, phí chuyển khoản tại ATM trong và ngoài hệ thống là 3.300 đồng/giao dịch. Vậy nhưng, việc nhắn tin thông báo cho khách hàng thì bị ngân hàng “lờ” đi, một khách hàng phản ánh.

Ngân hàng than “lỗ” vì ATM


Lý giải vì sao Hiệp hội Thẻ Việt Nam bảo chưa mà ngân hàng đã thu phí, nhiều đại diện ngân hàng đều cho thấy nguyên nhân là do ngân hàng không thể tiếp tục “gánh lỗ” cho chi phí duy trì, bảo dưỡng các hệ thống ATM sau thời gian dài miễn phí.

Thực tế, chí phí lắp đặt và duy trì dịch vụ ATM quá cao khiến các ngân hàng phải chịu lỗ khi đầu tư. Trung bình để mua một máy ATM tốn khoảng 600 triệu đồng. Sau đó ngoài việc bỏ vài trăm triệu đồng/ngày tiếp quỹ ATM, ngân hàng còn tốn hàng chục triệu đồng/tháng cho chi phí địa điểm, bảo trì, công an, bảo vệ…

Nhiều ngân hàng đang sắp xếp lại hệ thống máy ATM theo hướng rút bớt máy ở những điểm không hiệu quả để tập trung phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng trên thẻ. Theo một số chuyên gia, với những tốn kém như vậy, việc co cụm nếu diễn ra sẽ rơi vào các ngân hàng nhỏ. Với ngân hàng lớn, việc đầu tư ATM sẽ không dàn trải như trước. Thay vào đó, ngân hàng sẽ cắt bỏ những máy riêng lẻ, không hiệu quả nhưng sẽ lắp đặt nhiều máy ở vị trí đắc địa.

Theo Hiệp hội Thẻ, năm 2011, số lượng máy ATM có xu hướng tăng chậm lại. Nguyên nhân tăng chậm là do chi phí hạ tầng, vận hành, bảo vệ máy ATM ngày càng tăng, trong khi khoản thu về không đáng kể.

Bà Nguyễn Tú Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ thẻ Smartlink cho hay, các ngân hàng cần cơ cấu hệ thống ATM theo hướng chọn điểm nào đó thật thuận lợi và an toàn cho cả khách hàng và ngân hàng.

 


Theo một chuyên gia ngân hàng thì việc ngân hàng thu phí ATM sẽ là hợp lý khi đi cùng với nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn và thuận tiện cho khách hàng. Vì trên thế giới, một số nước cũng thu phí giao dịch ATM đi cùng tiện ích của việc dùng thẻ. Còn tại Việt Nam, các sự cố giao dịch ATM vẫn thường xuyên xảy ra khi thì ATM không nhả tiền nhưng tài khoản vẫn bị trừ, khi thì đồng loạt ATM “đình công” nhất là lúc khách hàng cần kíp, rồi nuốt thẻ và thậm chí là “nhè” cả tiền rách… Đồng thời, các ngân hàng cũng cần chú ý nhiều hơn đến phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng cho chủ thẻ.

TS. Cao Sỹ Kiêm bày tỏ lo ngại,  nếu các ngân hàng cứ thu phí giao dịch một cách “lén lút” như thế rất có thể sẽ dẫn đến tình trạng quá tải tại các ATM và quầy giao dịch khi khách hàng chọn cách rút càng sớm càng tốt ngay khi tiền chuyển vào ATM, và sẽ làm chậm lại mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, khuyến khích chi tiêu qua thẻ mà bấy lâu nay đang thực hiện.

Một đại diện của Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, sẽ có chấn chỉnh về hoạt động này của các ngân hàng trong thời gian sớm nhất. Nhiều lần Hiệp hội Thẻ đã “đánh tiếng” về việc thu phí ATM nhưng trên thực tế còn nhiều vướng mắc, nhất là phản ánh từ phía người dân.

“Thực tế, cơ quan quản lý không có quyền “cấm” các ngân hàng trong việc thu phí ATM, vì bản thân các ngân hàng cũng rất tốn kém trong việc đầu tư vào hệ thống ATM mà lời lãi không là bao”, vị này nói,  “quan trọng là các ngân hàng cần nâng cao chất lượng dịch vụ thẻ”.

Kim Chi

Cực nóng, cực độc, cực ấn tượng về Euro 2012

Xem thêm tại đây


Bình luận
vtcnews.vn