Lãng phí quy hoạch, nguy cơ mất trắng gần 20.000 tỷ đồng

Thời sựThứ Ba, 17/11/2015 09:45:00 +07:00

Những công trình lớn có giá trị hàng chục tỷ đồng đang đứng trước nguy cơ trở thành đống sắt gỉ.

(VTC News) – Những công trình lớn có giá trị hàng chục tỷ đồng đang đứng trước nguy cơ trở thành đống sắt gỉ.

Cuối buổi chiều 16/11, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội đã phát biểu khiến nhiều người phải giật mình khi đưa ra những số liệu “biết nói”.
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên)
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) trao đổi các vấn đề trong phiên chất vấn chiều 16/11
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng nêu ra vấn đề lãng phí trong quy hoạch. Vấn đề này Quốc hội và nhiều đại biểu Quốc hội rất quan tâm đã nhiều lần phát biểu chất vấn.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Quốc hội vẫn đánh giá là chất lượng quy hoạch hạ tầng kinh tế - xã hội ở một số ngành, địa phương chưa cao.

“Hiện tượng dựa vào điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để điều chỉnh tăng quy mô, tăng vốn đầu tư và tăng giá các dự án vẫn diễn ra. Việc thực hiện quy hoạch, xây dựng quy hoạch và thực hiện quy hoạch là không đồng bộ, gây lãng phí lớn”, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng nhận định.

Bên cạnh đó, đại biểu Hùng cũng đã nêu ra ví dụ dẫn chứng.

“Một, nhà máy hơn 8.000 tỷ đồng ở Thái Nguyên có nguy cơ trở thành đống sắt gỉ. Hai, nhà máy polyester hơn 7.000 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam ở Hải Phòng đang đóng cửa. Ba, ký túc xá hơn 1000 tỷ ở Đà Lạt, mà chỉ có một sinh viên đến ở”, đại biểu Hùng dẫn chứng.

Tuy nhiên, theo ông Hùng đó là những công trình lớn. Trong khi đó, nhiều công trình không lớn nhưng lãng phí cũng đã được báo chí có nêu.

“Một cầu treo ở Hà Tĩnh, đầu tư 3,5 tỷ nhưng chỉ phục vụ có 2 hộ dân. Một trong hai hộ đó là đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã”, ông Hùng tiếp tục dẫn chứng.
Nhà máy 8.100 tỷ đồng ở Thái Nguyên thành đống sắt gỉ
Nhà máy 8.100 tỷ đồng ở Thái Nguyên thành đống sắt gỉ 
 

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương thực sự nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và chấn chỉnh có hiệu quả những hạn chế yếu kém chúng ta đã thấy.

Ông Hùng cho biết Nghị quyết số 50 năm 2013 của Quốc hội về kết quả giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2006 - 2012 đã yêu cầu Chính phủ kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với các sai phạm trong quản lý sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ.

Tuy nhiên, Báo cáo tổng hợp thẩm tra của Quốc hội tại kỳ họp này vẫn đánh giá 3 vấn đề "chưa".

Vấn đề chưa thứ nhất là Báo cáo của Chính phủ chưa đầy đủ. Vấn đề chưa thứ hai là chưa làm rõ trách nhiệm cá nhân đối với những sai phạm trong lĩnh vực quản lý sử dụng vốn trái phiến Chính phủ.Vấn đề chưa thứ ba là chưa kiểm điểm và xử lý theo quy định của pháp luật thật là quyết liệt đối với vi phạm.

“Kính đề nghị đồng chí Thủ tướng và các đồng chí Phó Thủ tướng cho biết nguyên nhân của 3 vấn đề chưa này, của tình hình này và giải pháp cho thời gian tới?”, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng đặt câu hỏi.
Nhà máy ngàn tỉ của PVN hiện vẫn đang phải tạm dừng hoạt động, chỉ có vài công nhân bảo dưỡng đến trông coi - Ảnh: Mai Công Thành
Nhà máy ngàn tỉ của PVN hiện vẫn đang phải tạm dừng hoạt động, chỉ có vài công nhân bảo dưỡng đến trông coi - Ảnh: Mai Công Thành 

Bên cạnh vấn đề quy hoạch, đại biểu Hùng cũng nêu ra những tồn tại trong lĩnh vực ngân hàng.

“Tôi thấy nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri đánh giá rất cao nỗ lực và kết quả của ngành ngân hàng trong thời gian vừa rồi. Đặc biệt là 5 thành tựu: Một, lạm phát và mặt bằng lãi suất giảm mạnh. Hai, hoàn thành cơ bản mục tiêu về tái cơ cấu. Ba, sớm đưa nợ xấu về ngưỡng an toàn. Bốn, làm lành mạnh hóa một bước môi trường kinh doanh trong lĩnh vực này. Năm, thông qua tín dụng chính sách đóng góp tích cực vào giảm nghèo”, ông Hùng đánh giá.

Tuy nhiên, điều mà nhiều cử tri và nhiều đại biểu Quốc hội rất băn khoăn, đó là trong những thành tựu trên thì một số thành tựu chưa đủ thời gian để khẳng định tính bền vững.

Vì thế, đại biểu Hùng đề nghị thống đốc cũng như ngành ngân hàng phải chủ động và có những giải pháp để phát huy và giữ vững được những kết quả đó.

“Một, giữ mặt bằng lạm phát, kiềm chế lạm phát. Chúng tôi mong muốn lạm phát dù có cao cũng không vượt quá 50% đến 70% tốc độ tăng trưởng. Hai, tiếp tục đầu tư tín dụng để giảm nghèo. Ba, có biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn tiêu cực xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng”, vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội nêu.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn