Xây nhà ga T3 Tân Sơn Nhất: Nên đấu thầu công khai, không chỉ định thầu

Kinh tếThứ Tư, 25/12/2019 08:01:19 +07:00
(VTC News) -

Đại biểu Quốc hội cho rằng việc xây nhà ga T3 Tân Sơn Nhất rất cấp thiết nhưng phải làm đúng nguyên tắc, gắn trách nhiệm từng cá nhân cụ thể.

Trước việc Bộ Giao thông vận tải và mới đây Bộ Kế hoạch - Đầu tư trình Thủ tướng phê duyệt Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là nhà đầu tư dự án xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất có tổng vốn khoảng 10.990 tỷ đồng, trả lời VTC News một số đại biểu QH nêu ý kiến.

Chỉ định thầu ảnh hưởng cả hệ thống

Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Đại biểu tỉnh Bến Tre) cho rằng việc xây dựng nhà ga T3, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất là cấp thiết nhưng không có nghĩa là phải làm không đúng nguyên tắc. Vì công trình liên quan đến vốn, tư cách của nhà đầu tư, các quy định Luật Đầu tư công, quốc phòng an ninh, hiệu quả kinh tế xã hội và cả đời sống dân cư.

Xác định năng lực ACV là có, nhưng những nhà đầu tư khác có thể làm tốt hơn ACV được không? Nhiều chuyên gia từng lên tiếng cảnh báo việc một số dự án do doanh nghiệp nhà nước làm chậm tiến độ hơn nhiều so với tư nhân. Vấn đề này tôi cho rằng phải xác định cho rõ”, ông Nhưỡng nói.

Xây nhà ga T3 Tân Sơn Nhất: Nên đấu thầu công khai, không chỉ định thầu - 1

Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.

Theo ông, cần thiết phải đưa dự án này ra đấu thầu công khai để lựa chọn nhà đầu tư. Bởi ngoài việc chọn được nhà đầu tư phù hợp, còn có điều kiện để so sánh hiệu quả về sau. “Nếu không sau này xảy ra vấn đề thì ai chịu trách nhiệm, giờ cũng là cuối nhiệm kỳ rồi. Nhiều cử tri cũng nêu ý kiến này với tôi, nên tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư dự án xây dựng T3 cho sòng phẳng, minh bạch”, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội nêu quan điểm.

Tuy nhiên, ông Nhưỡng cho rằng dù là bằng hình thức nào thì điều quan trọng là phải xác định rõ tiến độ và trách nhiệm trong quá trình thực hiện. Nhất là có quy chế thưởng nếu đạt tiến độ và phạt nếu chậm trễ.

Đại biểu tỉnh Bến Tre cũng nhấn mạnh việc ACV hiện đang “ôm đồm” quá nhiều (21/22 sân bay trên cả nước). Ông cho rằng Bộ Giao thông vận tải nên để ACV tập trung xử lý các bất cập hiện nay ở sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất như bãi đỗ xe xuống cấp, các công trình thương mại - dịch vụ…

ACV nên tập trung cho Long Thành, chứ không nên ôm đồm, miên man. Cái gì anh cũng nhận thế thì chẳng hoá đất nước này chỉ có một ông làm được thôi sao?”, ông Nhưỡng đặt câu hỏi.

Đặc biệt, theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, việc phát triển hạ tầng sân bay chỉ dựa vào ACV, trong khi doanh nghiệp này đã cổ phần hóa một tỷ lệ nhất định là vô lý. Nguồn lợi lớn sẽ tự chạy vào nhóm cổ đông này.

ACV chưa chắc đã làm một mình, mà có thể huy động thêm đối tác. Vậy cơ chế huy động ấy sẽ như thế nào? Anh được chỉ định rồi thì anh làm chủ, rồi xuất hiện “A một phẩy”, “A hai phẩy” thì sao?… Càng nhiều tầng nấc sẽ lại nảy sinh các vấn đề tiêu cực, có thể dẫn đến mất đoàn kết, kiện tụng nhiều. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống, rất nguy hiểm”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.

Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hoà (Phó trưởng Đoàn đại biểu tỉnh Đồng Tháp) nhấn mạnh việc cần thiết phải qua đấu thầu chọn nhà đầu tư với công trình được đầu tư bằng vốn ngân sách như ga T3 Tân Sơn Nhất.

Nếu không phải là những trường hợp cấp bách, an ninh quốc phòng thì tại sao không đấu thầu công khai để minh bạch lựa chọn nhà đầu tư. Thực tế cho thấy nhiều dự án chỉ định thầu trở thành mảnh đất màu mỡ nảy sinh tiêu cực, lãng phí”, ông Hoà nói.

Phó trưởng Đoàn đại biểu tỉnh Đồng Tháp cũng cho rằng chỉ đấu thầu mới “chọn mặt gửi vàng” được nhà đầu tư có năng lực, và tiết kiệm ngân sách nhà nước. “Chỉ định thầu thì lấy gì để so sánh? Chỉ có đấu thầu cạnh tranh theo hướng minh bạch và công bằng, thì mới vừa giúp nhà nước ngăn chặn tình trạng thất thoát ngân sách, vừa đảm bảo chất lượng cho dự án”, đại biểu Phạm Văn Hoà nhấn mạnh.

Không nên chỉ đẩy cho một doanh ngiệp

Đại biểu Phạm Văn Hoà cho biết thêm hiện nay nhiều doanh nghiệp tư nhân trong nước đủ khả năng, công nghệ, tiềm lực tài chính để thực hiện những công trình quan trọng quốc gia. Do đó việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư công khai còn là cách thiết thực hỗ trợ các doanh nghiệp làm ăn chân chính thắng thầu trong một môi trường cạnh tranh bằng trí tuệ và năng lực thực sự.

Ngoài ACV, các nhà đầu tư tư nhân nước ta cần được tạo điều kiện chia sẻ cơ hội, chia sẻ rủi ro và hợp tác xây dựng các dự án đầu tư hạ tầng giao thông quan trọng”, ông Hoà nói.

Xây nhà ga T3 Tân Sơn Nhất: Nên đấu thầu công khai, không chỉ định thầu - 2

Phó trưởng Đoàn đại biểu tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hoà.

Luật sư Trương Thanh Đức (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng hiện có Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư rồi thì nên đấu thầu một cách công khai, minh bạch, tránh những hệ lụy xấu của chỉ định thầu như nhiều bài học chúng ta đã có.

Để có được công trình với tiến độ, chất lượng, chi phí tốt nhất, các dự án phải đưa ra đấu thầu, khi không có người tham gia mới tính các phương án khác. Dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất có nhiều doanh nghiệp tranh nhau như vậy mà nhất quyết đẩy về cho một doanh nghiệp thì rất bất thường”, ông Đức nói.

Ông Đức cũng bày tỏ lo lắng tiến độ khó hoàn thành nếu ACV được chỉ định làm ga T3 Tân Sơn Nhất. “Lo nhất giao ACV thì nhiều nữa cũng không xong. ACV không được quyết gì giữa rừng thủ tục pháp lý nên trễ thời gian là hoàn toàn có khả năng. Thứ nữa ACV cũng chưa từng được đánh giá cao về kinh nghiệm so với một số doanh nghiệp tư nhân khác, ví như Sungroup, họ làm sân bay Vân Đồn rất nhanh, chất lượng đảm bảo, giá thành lại khá rẻ”, Luật sư Trương Thanh Đức nói.

Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn