Tổng CTCP Sông Hồng: Lỗ lớn, nợ tăng, âm vốn

Kinh tếChủ Nhật, 19/08/2018 18:39:00 +07:00

Âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế lớn, nợ tăng… khiến Tổng CTCP Sông Hồng (mã chứng khoán SHG) bị rơi vào tình trạng mất cân đối dòng tiền.

Theo kế hoạch, 30/8 tới đây Tổng CTCP Sông Hồng sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 để thông qua định hướng chiến lược phát triển giai đoạn 2018-2020.

Trong khi đó, báo cáo tài chính giữa niên độ 2018 đã soát xét cho thấy nhiều chỉ số tài chính quan trọng của doanh nghiệp thể hiện kết quả kinh doanh cực kỳ bết bát.

Lỗ lớn, nợ tăng, âm vốn

Tổng CTCP Sông Hồng lỗ hơn 18,6 tỷ đồng (sau thuế) trong nửa đầu 2018.

A1

 Tổng CTCP Sông Hồng lỗ nặng, âm vốn sở hữu trong khi cổ phiếu bị hạn chế giao dịch.

Trong kỳ, Tổng CTCP Sông Hồng đạt hơn 9,3 tỷ đồng doanh thua, giảm 71,5% so cùng kỳ 2017.

Giá vốn bán hàng trong kỳ là 9,2 tỷ, khiến lợi nhuận doanh nghiệp chỉ còn hơn 102 triệu đồng.

Doanh thu từ hoạt động tài chính là 2,5 tỷ đồng, thấp hơn quý 1/2018 khoảng 200 triệu đồng.

Trong kỳ, Tổng CTCP Sông Hồng phải trả hơn 12,5 tỷ đồng tiền lãi vay, cao hơn cả doanh thu.

Chi phí bán hàng tuy không ghi nhận nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp tới 10,2 tỷ đồng đẩy doanh nghiệp vào thua lỗ nặng, gần 19 tỷ đồng.

Tổng CTCP Sông Hồng hiện gánh khoản nợ khoảng hơn 1.278 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ, là hơn 1.208 tỷ đồng.

Trước đó, tại Báo cáo tài chính quý 1 năm nay, Tổng CTCP Sông Hồng cho thấy doanh nghiệp đang nợ tới hơn 1.669 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là hơn 1.347 tỷ đồng, nợ dài hạn là 322 tỷ đồng.

Nợ phải trả gần 1.700 tỷ đồng nhưng vốn sở hữu của Tổng CTCP Sông Hồng lại đang bị âm (-) tới hơn 182 tỷ đồng. Thời điểm cuối 2017, con số này là âm (-) 169,6 tỷ đồng.

Trong kỳ, Tổng CTCP Sông Hồng đạt doanh thu hơn 11,6 tỷ đồng nhưng lợi nhuận chỉ vỏn vẹn 283 triệu đồng do giá vốn bán hàng tới hơn 11,3 tỷ đồng.

Chi phí lãi vay trong kỳ là 6,7 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp là hơn 5,8 tỷ đồng đẩy doanh nghiệp lỗ hơn 8,1 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm.

Chính việc lỗ lũy kế lớn cộng với việc âm vốn chủ sở hữu nên trong 2017, Tổng CTCP Sông Hồng không đủ điều kiện tham gia các gói thầu lớn.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất 2017 cũng mới được công bố gần đây, nhiều khoản công nợ lớn từ các dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhà thi đấu thể dục thể thao Đà Nẵng… chưa thu hồi được. Trong khi đó, nhiều công ty con rơi vào tình trạng nợ quá hạn ngân hàng, phong tỏa tài chính, hoạt động đình trệ.

Giải trình về các khoản lỗ trong 2017, SHG cho hay nguyên nhân do sản lượng, doanh thu và thu nhập của Tổng công ty quá nhỏ so chi phí tài chính và chi phía quản lý phát sinh.

Cổ phiếu bị hạn chế giao dịch

Cổ phiếu SHG của Tổng CTCP Sông Hồng hiện bị hạn chế giao dịch do chậm công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 quá 45 ngày và không có biện pháp khắc phục.

Ngoài ra, SHG có vốn chủ sở hữu bị âm trong 2016 và 2017.

SHG

 Tổng CTCP Sông Hồng tiếp tục lỗ gần 19 tỷ đồng trong 6 tháng đầu 2018.

Cũng SHG, năm 2017 từng bị phạt 85 triệu đồng do không công bố thông tin hàng loạt tài liệu gồm báo cáo tài chính năm 2015 đã được kiểm toán, báo cáo tài chính bán niên soát xét các năm 2015 và 2016, báo cáo tài chính quý 1, 2, 3/2016, báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2015, báo cáo thường niên năm 2015.

Tổng CTCP Sông Hồng tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, cổ phần từ giữa năm 2010, giao dịch cổ phiếu trên UpCom khoảng giữa 2015 với giá 9.700 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, do kinh doanh bết bát, nợ nần ngập đầu nên thị giá cổ phiếu liên tục giảm, còn khoảng 2.600 đồng/cổ phiếu. Từ ngày 11/5/2017, cổ phiếu SHG rơi vào tình cảnh bị hạn chế giao dịch.

Hiện tại, đã gần hết tháng 8 song Tổng CTCP Sông Hồng vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý 2 và bán niên 2018.

Tiếp tục lỗ

Theo kế hoạch sản xuất kinh doanh 2018, giá trị sản xuất kinh doanh phấn đấu đạt 205 tỷ đồng, bằng 73% kết quả thực hiện năm 2017. Doanh thu mục tiêu 133 tỷ đồng và tiếp tục lỗ kế hoạch gần 21 tỷ đồng.

Kế hoạch lợi nhuận âm là do công ty phải chịu lãi vay của của món nợ xấu 5 nhóm ngân hàng Oceanbank Hà Tĩnh cho món vay thi công dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1 phát sinh từ năm 2011 với số tiền dư nợ gốc quá hạn gần 193 tỷ đồng.

Trong 2018, SHG sẽ quyết liệt hơn trong việc tái cơ cấu lại vốn góp, thoái vốn tại một số đơn vị thành viên đã được phê duyệt (Công ty Sông Hồng Thăng Long, Công ty TNHH MTV Sông Hồng An Dương, Công ty Sông Hồng Miền Trung, Công ty BĐS Hà Nội Sông Hồng…).

Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn