Thủ tướng: Lạm phát cao,Thống đốc phải chịu trách nhiệm

Kinh tếThứ Tư, 09/01/2013 01:19:00 +07:00

(VTC News) – Thủ tướng nhấn mạnh: “Năm 2013 lạm phát phải thấp hơn 2012. Nếu lạm phát tăng cao thì Thống đốc Ngân hành Nhà nước phải chịu trách nhiệm".

(VTC News) – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Năm 2013 lạm phát phải thấp hơn 2012. Nếu lạm phát tăng cao thì Thống đốc Ngân hành Nhà nước phải chịu trách nhiệm”.

Thủ tướng: "Lạm phát là do điều hành đồng tiền, do đó Thống đốc phải điều hành cũng cố vững chắc chính sách tiền tệ".
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng 2013 diễn ra sáng 9/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Thống đốc là thành viên Chính phủ thì phải làm sao điều hành lạm phát thấp mà tăng trưởng cao.

Đây không phải là đòi hỏi duy ý chí nhưng là mục tiêu kép. Kiểm soát lạm phát tốt nhưng nếu tăng trưởng dưới 5% thì thất nghiệp.


Lạm phát là do điều hành đồng tiền, do đó Thống đốc phải điều hành cũng cố vững chắc chính sách tiền tệ”.

Trong năm 2013, người đứng đầu Chính phủ xác định, bối cảnh trong nước và thế giới tiếp tục khó khăn, kinh tế vĩ mô đã đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát và tăng trưởng GDP trên 5% nhưng chưa vững chắc, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục theo dõi thông tin, tăng cường tính ổn định vĩ mô để lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn.

Vấn đề trọng tâm trọng năm 2013 được Thủ tướng giao cho ngành ngân hàng là tập trung xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu ngân hàng yếu kém. Việc xử lý nợ xấu “trăm sự nhờ các ngân hàng thương mại”, bởi chỉ có bản thân các ngân hàng mới hiểu được nguyên nhân nợ xấu và hướng xử lý.

“Chính các đồng chí cho vay, khi doanh nghiệp gặp khó khăn, nợ xấu phát sinh thì ngân hàng cũng là người đầu tiên phải đi xử lý. Những khoản vay có thể đưa về Công ty quản lý tài sản cũng sẽ không nhiều, còn lại các ngân hàng phải dùng khoản tiền trích lập dự phòng rủi ro hoặc bán tài sản thế chấp đi để xử lý”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng nhấn mạnh thêm, “Ngân hàng Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo các ngân hàng thương mại tập trung giải quyết nợ xấu. Xử lý nợ xấu trước hết là việc làm của các ngân hàng thương mại, Nhà nước không có ngân sách để giải quyết thay cho các ngân hàng thương mại mà chỉ tạo cơ chế và hỗ trợ chính sách”.

Về tái cơ cấu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc lại câu chuyện sai phạm tại một số ngân hàng liên quan đến cổ đông chi phối rút tiền lập doanh nghiệp, kê khống tài sản,…

“Đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại tự mình cơ cấu lại ngân hàng một cách vững mạnh, không còn ngân hàng yếu kém, không để cổ đông ngân hàng nay chi phối ngân hàng kia, rút tiền nơi này để đầu tư nơi khác, rút ruột, lập công ty con. Đó là hoạt động lừa đảo, vi phạm về đạo lý đã không chấp nhận được rồi chứ chưa nói gì đến những quy định của pháp luật”, Thủ tướng chỉ đạo.

Bảo Phương
Bình luận
vtcnews.vn