Những dấu ấn đáng nhớ của đế chế Alibaba 20 năm dưới thời Jack Ma

Kinh tếThứ Tư, 11/09/2019 13:16:00 +07:00

Sau 20 năm, trước khi Jack Ma quyết định rút lui, đế chế Alibaba của ông đã kịp lấn sân sang mảng giao đồ ăn, điện toán đám mây và có vốn hóa hơn 460 tỷ USD.

2019 là một năm đáng nhớ của Alibaba. Gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc kỷ niệm 20 năm hoạt động. Theo kế hoạch công bố năm ngoái, nhà sáng lập Jack Ma cũng từ chức chủ tịch trong ngày 10/9.

Kể từ khi thành lập vào năm 1999, Alibaba đã chuyển từ một công ty thương mại điện tử thuần tý thành một đế chế với hoạt động kinh doanh trải khắp như giao đồ ăn và điện toán đám mây. Vốn hóa hãng này hiện cũng lên hơn 460 tỷ USD.

Dưới đây là những dấu mốc quan trọng trong lịch sử của Alibaba.

Tháng 4/1999: Alibaba thành lập

alibaba1

Cuộc họp của các nhà sáng lập Alibaba năm 1999. (Ảnh: Alibaba)

Alibaba được thành lập bởi 18 người do Jack Ma  lãnh đạo. Trụ sở đặt tại căn hộ của Jack Ma ở Hàng Châu. Hiện tại, Alibaba vẫn để trụ sở tại thành phố này. Trang web đầu tiên của họ là AliExpress, một thị trường bán buôn tiếng Anh. Cùng năm đó, Alibaba đã ra mắt một thị trường bán buôn trong nước.

Tháng 1/2000: SoftBank đầu tư vào Alibaba

alibaba2

 Jack Ma và ông chủ SoftBank Masayoshi Son năm 2000. (Ảnh: Alibaba)

Alibaba đã nhận 20 triệu USD từ một nhóm nhà đầu tư, dẫn đầu bởi đại gia viễn thông Nhật Bản SoftBank. Chính số tiền đó đã giúp họ phát triển.

Chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal khi đó, tỷ phú Jack Ma nói: "Chúng tôi không nói về doanh thu, thậm chí chẳng đề cập đến mô hình kinh doanh. Chúng tôi chỉ nói về một tầm nhìn chung. Cả hai đều quyết định rất nhanh".

Tháng 5/2003: Taobao ra đời

Taobao là một nền tảng mua sắm trực tuyến tại Trung Quốc được điều hành bởi Alibaba dành cho bên thứ ba. Trong năm tài chính 2015, giá trị số hàng hóa giao dịch trên Taobao đạt 1.590 tỷ nhân dân tệ (gần 224 tỷ USD). Con số này đã tăng gấp đôi trong năm tài chính 2019. Doanh thu từ Taobao rất quan trọng với mảng thương mại điện tử cốt lõi của Alibaba.

Tháng 12/2004: Ra mắt Alipay

Cùng WeChat Pay của Tencent, Alipay là một trong hai nền tảng thanh toán lớn của Trung Quốc dựa trên mã QR. Tuy nhiên, đây là tài sản gây nhiều tranh cãi trong quá trình phát triển của Alibaba, khiến họ bất đồng với các cổ đông chủ chốt là Yahoo và SoftBank.

Tháng 8/2005: Yahoo trở thành cổ đông lớn nhất

alibaba3 3

Jack Ma và COO Yahoo Daniel Rosensweig năm 2005. (Ảnh: AFP)

Yahoo rót 1 tỷ USD vào Alibaba để lấy 40% cổ phần công ty. Theo thỏa thuận, Alibaba cũng tiếp quản mảng kinh doanh tại Trung Quốc của Yahoo.

Tháng 11/2007: IPO tại Hong Kong

Trước khi Alibaba ra mắt tại Mỹ vào năm 2014, công ty đã tiến hành chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Hong Kong vào năm 2007.

Việc niêm yết công khai giúp Alibaba huy động được 13,1 tỷ đôla Hong Kong từ việc niêm yết. Trong phiên giao dịch đầu tiên, giá cổ phiếu của hãng tăng gấp ba so với giá IPO.

Tháng 4/2008: Tmall ra đời

Alibaba từng ra mắt Taobao Mall để vài năm sau tách riêng, đổi tên thành Tmall. Cùng với Taobao, Tmall hiện là một trong những tài sản thương mại điện tử quan trọng nhất của Alibaba về mặt doanh thu.

Tmall là nơi các thương hiệu nước ngoài lập gian hàng online để bán cho khách hàng Trung Quốc. Nhiều thương hiệu thời trang xa xỉ, các nhà sản xuất điện tử và thậm chí Starbucks đều có mặt trên Tmall.

Tháng 9/2009: Mảng điện toán đám mây ra đời

Điện toán đám mây hiện là mảng tăng trưởng nhanh nhất và đóng góp doanh thu lớn thứ nhì cho Alibaba. CEO Alibaba Daniel Zhang năm ngoái cho biết đây sẽ là "mảng kinh doanh chính" của hãng trong tương lai.

Tháng 11/2009: Lập ra sự kiện mua sắm Lễ Độc thân

Lễ Độc thân ngày 11/11 là sự kiện mua sắm lớn nhất trong năm tại Trung Quốc, do CEO Zhang khởi xướng. Trong ngày này, các hãng bán lẻ sẽ đồng loạt giảm giá mạnh tay để kích cầu. Giá trị số hàng hóa giao dịch trên các nền tảng của Alibaba ngày này đạt 7,8 triệu USD năm 2009. Năm ngoái, con số này đã lên tới 30,8 tỷ USD.

Tháng 5/2011: Alipay gây tranh cãi

Alibaba bán quyền sở hữu Alipay cho một nhóm dẫn đầu bởi Jack Ma. Họ cho biết quy định của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc là công ty thanh toán online của bên thứ ba cần các loại giấy phép đặc biệt.

Tuy nhiên, Yahoo sau đó cho rằng họ không được thông báo về việc bán Alipay. Trong khi đó Alibaba phủ nhận thông tin này. Cuối cùng, Yahoo, SoftBank và Alibaba thống nhất Alibaba sẽ được nhận ít nhất 2 tỷ USD, nhiều nhất 6 tỷ USD nếu Alipay niêm yết. Alipay cũng sẽ phải trả phí để được tiếp tục sử dụng trên Taobao.

Tháng 6/2012: Hủy niêm yết trên sàn Hong Kong

Alibaba đã trả 2,45 tỷ USD để mua lại 27% cổ phần của Alibaba và rút niêm yết sau 5 năm giao dịch trên sàn chứng khoán Hong Kong. Tỷ phú Jack Ma khi đó cho biết việc này sẽ giúp họ "đưa ra các quyết định dài hạn có lợi nhất cho khách hàng, đồng thời giúp Alibaba không phải chịu sức ép của một công ty đại chúng".

Tháng 9/2012: Alibaba mua lại cổ phần của Yahoo

Alibaba đã mua lại một nửa 40% cổ phần của Yahoo với giá 7,6 tỷ USD. Yahoo nhận 6,3 tỷ USD tiền mặt và 800 triệu USD cổ phiếu ưu đãi của Alibaba.

Tháng 9/2014: IPO tại Mỹ

alibaba4 4

Jack Ma trong IPO của Alibaba tại Mỹ. (Ảnh: AFP) 

Alibaba niêm yết trên Sàn chứng khoán New York, huy động được 25 tỷ USD – lớn nhất thế giới thời đó. Đến nay, mã này đã tăng hơn 150% so với giá niêm yết 68 USD.

Tháng 10/2014: Thành lập Ant Financial

Sau sự kiện gây tranh cãi của Alipay, Ant Financial được thành lập. Việc này cho thấy Alibaba không chỉ muốn lấn sân thanh toán, mà còn nhiều dịch vụ tài chính khác. Ant Financial hiện là công ty fintech lớn nhất Trung Quốc, được định giá khoảng 150 tỷ USD.

Tháng 8/2015: Thỏa thuận trị giá 4,6 tỷ USD

Alibaba đã đầu tư 28,3 tỷ Nhân dân tệ (Khoảng 4,56 tỷ USD) vào hãng bán lẻ đồ điện tử Suning. Trước đó, họ cũng đổ tiền vào chuỗi trung tâm thương mại Intime.

Động thái này cho thấy Alibaba muốn thúc đẩy chiến lược "bán lẻ mới" – kết hợp mảng kinh doanh online với các cửa hàng truyền thống. Mục tiêu của họ là tạo ra một hệ sinh thái bao gồm mảng thương mại điện tử, thanh toán, giao nhận đồ ăn và các mảng khác nữa. Đó cũng là một chiến lược mà công ty tiếp tục đẩy mạnh ngày hôm nay.

Tháng 4/2016: Đẩy mạnh quốc tế hóa

Từ khi thành lập, Alibaba tập trung nhiều vào thị trường nội địa. Tuy nhiên, tháng 4/2016, họ mua cổ phần kiểm soát trong hãng thương mại điện tử Lazada - một công ty thương mại điện tử có trụ sở tại Singapore, phục vụ một số thị trường ở Đông Nam Á. Đây là bước tiến lớn của Alibaba trong việc tiến ra thị trường quốc tế.

Tháng 2/2018: Alibaba mua cổ phần Ant Financial

Alibaba mua 33% cổ phần Ant Financial, nhờ một điều khoản từ năm 2014 khi Ant mới thành lập. Gần đây, có báo cáo cho rằng Ant Financial đang chuẩn bị IPO, dù công ty chưa có thông báo chính thức.

Tháng 9/2018: Thông báo kế hoạch nghỉ hưu của Jack Ma

Tháng 9/2018, Alibaba thông báo Jack Ma sẽ rời chức chủ tịch vào ngày 10/9/2019. Thay thế ông sẽ là CEO Zhang. Jack Ma sẽ vẫn ở trong hội đồng quản trị công ty cho đến đại hội cổ đông năm 2020.

Bằng Lăng
Bình luận
vtcnews.vn