Lỗ khủng, một công ty dầu khí khác không có người chịu trách nhiệm như ông Trịnh Xuân Thanh ở PVC

Kinh tếThứ Năm, 11/08/2016 07:47:00 +07:00

Liên tục thay “tướng” nhưng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Miền Trung (PXM) vẫn không tìm được người gánh trách nhiệm cho khoản lỗ trăm tỷ và âm vốn chủ sở hữu như ông Trịnh Xuân Thanh ở PVC.

Trong giai đoạn 5 năm (từ 2011-2015), nhiều công ty ngành dầu khí có đặc điểm chung là thua lỗ khủng. Vì vậy, có thể thấy, ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) không phải sếp lớn duy nhất khiến công ty thua lỗ triền miên.

Bên cạnh PVC, PVA, PSG, công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Miền Trung (PXM) cũng ghi tên mình vào danh sách các công ty lỗ khủng.

Lỗ khủng, âm vốn

Thua PVA, PSG 1 năm, PXM “chỉ” có chuỗi 4 năm thua lỗ liên tiếp với số lỗ lên tới 387 tỷ đồng. Trong đó 2013 là năm PXM bết bát nhất khi ghi nhận khoản lỗ 157 tỷ đồng. Thua lỗ liên tiếp khiến PXM âm vốn chủ sở hữu 232 tỷ đồng (tại thời điểm cuối năm 2015).

lanh-dao-pxm

 3 Chủ tịch của PXM: Ông Trần Xuân Mô, ông Đỗ Văn Cường và ông Nguyễn Đình Phước

Sang năm 2016, trong khi nhiều đơn vị khác thoát cảnh thua lỗ, PXM vẫn tiếp tục xu hướng quen thuộc. Khoản thua lỗ trong quý 1 và quý 2/2016 của PXM lần lượt đạt 7,7 tỷ đồng và 11,1 tỷ đồng. Tới cuối quý 2, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế của PXM lên tới 407 tỷ đồng, khoản âm vốn chủ sở hữu của tăng lên 251 tỷ đồng.

Với tình hình kinh doanh bết bát như vậy, cổ phiếu PXM buộc phải hủy niêm yết và chỉ được giao dịch trên upCom. Ngay cả khi tới upCom, PXM cũng không  được nhà đầu tư mặn mà. Kể từ 15/7/2016 tới nay, cổ phiếu PXM của công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Miền Trung không có bất cứ giao dịch nào. Vì vậy, giá PXM dừng ở mức 500 đồng/CP.

Hiện tại, vốn hóa thị trường của PXM chỉ là 7,5 tỷ đồng trong khi đây là công ty có vốn 150 tỷ đồng. Có thể thấy, vốn của công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Miền Trung đã bị “bốc hơi” rất nhiều.

Theo báo cáo tài chính quý 2/2016, PXM phải gánh khoản lỗ 11,1 tỷ đồng trong kỳ, lũy kế 6 tháng đầu năm 2016 là lỗ 18,4 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2015.

3 vấn đề lớn của công ty chính là bán hàng dưới giá vốn, gánh chịu nợ nần khủng trong khi công tác đòi nợ gặp nhiều khó khăn. Doanh thu công ty tăng rất mạnh nhưng giá vốn tăng mạnh hơn nên công ty đã chịu lỗ vốn ngay ở hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ.

Cụ thể, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của PXM quý 2/2016 đạt 15,4 tỷ đồng, tăng 13,8 tỷ đồng, tương ứng 860% so với quý 2/2015, lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 17,2 tỷ đồng. Trong khi đó, giá vốn hàng bán đạt 17,8 tỷ đồng, tăng 16 tỷ đồng, tương ứng 890%. Như vậy, hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ khiến công ty lỗ  2,4 tỷ đồng.

Trong khi những doanh thu khác không có nhiều mà PXM phải thanh toán lãi vay 5,3 tỷ đồng và các chi phí khác nên PXM đã lỗ 11,1 tỷ đồng trong quý 2/2016.

Lương thấp nhưng “an toàn”

Sau 4 năm rưỡi thua lỗ liên tiếp, mặc dù PXM thay “tướng” liên tục nhưng công ty vẫn không chỉ ra được trách nhiệm của từng các nhân cho những khoản lỗ khủng này.

Tại PXM, tình trạng thay tướng diễn ra liên tục. Tháng 7/2013, ông Trần Xuân Mô thôi giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty để đảm nhận chức vụ Ủy viên Hội đồng quản trị. Như vậy, dưới thời ông Mô, PXM thua lỗ gần 252 tỷ đồng.

Người thay thế ông Mô là ông Đỗ Văn Cường. Tuy nhiên, sau gần 2 năm là Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Cường không những không giúp PXM cải thiện tình hình mà chuỗi ngày thua lỗ của công ty vẫn kéo dài. Dưới thời ông Cường, PXM thua lỗ hơn 110 tỷ đồng.

Vì vậy, tới tháng 15/5/2015, ông Nguyễn Đình Phước lên thay thế ông Cường. Nhưng có vẻ ông Phước không “vô can” với những khoản lỗ khủng của PXM trước đó vì trong nhiều năm qua, ông Phước lần lượt nắm giữ các chức vụ Phó Giám đốc và Giám đốc công ty.

Kể từ khi ông Cường nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị PXM, công ty lỗ thêm hơn 45 tỷ đồng nữa. Như vậy có thể thấy, dưới thời ông Trần Xuân Mô, PXM thua lỗ nhiều nhất.

Trong thời gian qua, PXM có tới 3 Chủ tịch Hội đồng quản trị nhưng cả 3 vị “tướng” này đều khiến công ty thua lỗ. Nhưng hiện tại, trách nhiệm về các khoản thua lỗ của cả 3 vị “tướng” đều không được đề cập tới. Có thể thấy, lãnh đạo PXM khá “an toàn” dù đã lam hao hụt vốn PXM.

Thế nhưng, xét ở một góc độ khác, lãnh đạo PXM cũng không nhận được nhiều thù lao khi ngồi “ghế nóng”. Năm 2015, tổng chi cho Hội đồng quản trị chỉ là 464,3 triệu đồng. Bình quân, mỗi người nhận 92,86 triệu đồng/người/năm, tương ứng 7,74 triệu đồng/người/tháng . Sang năm 2016, tình hình còn tệ hơn khi PXM dự kiến chỉ chi 243 triệu đồng cho dàn lãnh đạo này.

Bảo Linh
Bình luận
vtcnews.vn