Kiến nghị sớm đưa doanh nghiệp nợ BHXH ra xét xử để răn đe

Kinh tếThứ Ba, 28/11/2017 11:55:00 +07:00

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có văn bản gửi Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao, đề nghị hướng dẫn, chỉ đạo TAND các cấp tiếp nhận, thụ lý các vụ khởi kiện về nợ BHXH và sớm đưa ra xét xử một số vụ để răn đe.

Theo thông tin từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sau gần 2 năm thực hiện việc khởi kiện nợ BHXH ra Tòa án, các cấp Công đoàn tiếp nhận 2.705 bộ hồ sơ do cơ quan BHXH chuyển sang; 20 Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố gửi đơn khởi kiện đến các cấp Tòa án 187 vụ doanh nghiệp nợ BHXH.

Trong 187 vụ khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH, TAND các cấp hòa giải thành công 28 vụ, tòa án cấp huyện ở 1 tỉnh (Long An) thụ lý 2 vụ, 48 vụ trả lại hồ sơ.

Số còn lại tòa án không thụ lý giải quyết với 3 nhóm lý do chủ yếu như: Không có giấy ủy quyền những người lao động hoặc công đoàn cơ sở, cho công đoàn cấp trên cơ sở khởi kiện không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án và đề nghị xem xét xử lý hành chính hoặc hình sự và đây là tranh chấp lao động tập thể về quyền chưa được Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết.

1

 Ảnh minh họa.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường cho rằng:" Việc tòa án không thụ lý các vụ khởi kiện nợ BHXH, do còn vướng mắc trong các quy định của pháp luật, đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động, làm cho số nợ BHXH tiếp tục gia tăng".

Theo số liệu của Tổng LĐLĐ Việt Nam, hiện nay, các doanh nghiệp trốn đóng, nợ BHXH, BHYT, BHTN ước khoảng gần 12.000 tỉ đồng.

Đặc biệt, hiện nay có khoảng hơn 2.000 tỉ đồng nợ BHXH từ các doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, tồn tại cầm chừng hoặc chủ doanh nghiệp bỏ trốn, không thể thu hồi, nghĩa là quyền lợi của hơn 193.000 NLĐ ở các doanh nghiệp này cũng bị "treo".

Tại kỳ họp Quốc hội, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường kiến nghị các cơ quan có liên quan rà soát các quy định pháp luật hiện hành về xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, nhất là hành vi trốn đóng, nợ BHXH của các doanh nghiệp sử dụng lao động.

Theo liên đoàn, nếu thấy có những quy định chưa cụ thể, còn có cách hiểu khác nhau, cần giải thích để thống nhất áp dụng, thì trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, giải thích pháp luật theo thẩm quyền.

Nếu các quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo hoặc có khoảng trống, thì Quốc hội giao Chính phủ tổng hợp, trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung luật. BHXH Việt Nam, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, chính quyền các cấp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về trốn đóng, nợ BHXH.

Chủ tịch UBND cấp huyện quan tâm, giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động tập thể về quyền theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt đề nghị truy tố một số vụ án điểm về trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ theo Điều 216 Bộ luật Hình sự để răn đe, phòng ngừa, cảnh báo các hành vi tương tự.

Từ 1/1/2018, nợ bảo hiểm xã hội bắt buộc coi như tội phạm

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định như vậy tại phiên trả lời chất vất Quốc hội ngày 18/11.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, hiện nay có 102.900 đơn vị đang nợ BHXH của 2,6 triệu lao động, tương đương với số tiền 14.700 tỉ đồng. Thực tế các tổ chức công đoàn đã khởi kiện 138 vụ, tuy nhiên còn gặp một số vướng mắc.

Vướng trước hết là về mặt luật pháp, theo Chánh án TAND Tối cao, đây là vụ kiện dân sự. Theo quy định của dân sự, các bên nguyên đơn và bên bị đơn là bình đẳng với nhau, theo nguyên tắc "việc dân sự cốt ở đôi bên" và có quyền thỏa thuận.

2

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình.  

Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói, trong trường hợp này, Công đoàn có quyền khởi kiện nhưng không có quyền thỏa thuận, bởi Công đoàn cũng không có quyền đứng trước tòa để nói tăng tiền đóng bảo hiểm cho doanh nghiệp này, giảm mức đóng cho doanh nghiệp kia.

Công đoàn không có quyền đại diện để thỏa thuận các việc kiện dân sự, cho nên vụ án không giải quyết được theo trình tự nào cả.

Tuy nhiên, theo Chánh án TAND Tối cao đây là vấn đề rất nóng, muốn hay không cũng phải giải quyết, phải tháo gỡ để đảm bảo quyền lợi của người lao động, đặc biệt là khi người lao động nghỉ hưu hay đi khám chữa bệnh.

Quốc hội đã thông qua Luật Hình sự và quy định từ ngày 1/1/2018, các hành vi vi phạm nợ bảo hiểm xã hội bắt buộc coi như là tội phạm.

Và trách nhiệm của tòa án các cấp, nếu vụ án hình sự xảy ra, cơ quan điều tra vào cuộc, viện kiểm sát truy tố, thì tòa án các cấp phải thụ lý theo đúng quy định của luật.

Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, chúng tôi sẽ có nghị quyết để hướng dẫn xử lý, xét xử các vụ án hình sự liên quan đến bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Video: Doanh nhân Nga mang 7 bao tiền xu đi trả nợ bảo hiểm

Thu Nguyên
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn