Hỗ trợ bù lỗ các tuyến bay ở Cần Thơ: Lỗ lãi là chuyện của doanh nghiệp

Kinh tếThứ Ba, 28/11/2017 07:43:00 +07:00

"Kinh doanh lỗ lãi là chuyện của doanh nghiệp, ngân sách lấy sức đâu để chống chọi", PGS.TS Phạm Trung Lương (nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển du lịch) chia sẻ.

Không khả thi

TP.Cần Thơ vừa đưa ra đề xuất sẽ hỗ trợ một phần chi phí (bằng nguồn ngân sách Nhà nước) cho các hãng hàng không theo hình thức hỗ trợ một phần giá vé máy bay cho người sử dụng (tương đương mức hỗ trợ 30% giá vé máy bay trên mỗi chuyến bay xuất phát từ cảng hàng không quốc tế Cần Thơ).

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách khoa TPHCM cho biết: "Theo tôi đọc thông tin văn bản đề xuất của Cần Thơ thì các hãng bay chỉ cần cam kết hoạt động tối thiểu trong thời gian 3 năm, như vậy tính sơ sơ khoản tiền được bù lỗ cho các chuyến bay là rất nhiều, làm mà không sợ âm vốn, không cần phải đau đầu lo cân đối doanh thu.

Tôi cũng chỉ băn khoăn, liệu rồi sau 3 năm được bù lỗ, đến lúc không được bù lỗ thì các hãng có phát triển đường bay hay không, với tôi việc đó không nên làm, cần giải quyết bài toán bằng cách khác.

Cần phải xem đường bay nào có khả năng, xác định cụ thể, rồi triển khai mở rộng, chứ không nên ồ ạt, vì không giải quyết vấn đề gì.

Ho tro nhung tuyen bay lo: Can Tho co cach khac khong?

 Cần Thơ đề xuất hỗ trợ 30% giá vé các chuyến bay đi và đến tại đây

Như hiện nay, rất nhiều chuyến bay từ Tân Sơn Nhất đi Singapore, hàng tuần, hàng ngày, rồi các đường bay quốc tế khác, có hành khách từ ĐBSCL lên TPHCM để đi, rồi từ TPHCM đi về, nên giờ phải thay thế việc đó bằng đường bay từ Cần Thơ.

Việc này không riêng Cần Thơ mà phải phối hợp với Tân Sơn Nhất, hạn chế bớt các chuyến bay quốc tế, mở đường bay Cần Thơ đi Singapore. Cần nghiên cứu cụ thể tiềm năng, nhu cầu hành khách đi từ Cần Thơ, ĐBSCL ra quốc tế, nơi nào có khả năng mở chuyến bay thì mở trước, nếu có hỗ trợ thì làm rõ từng phương án, đừng có nguyên tắc chung vì rất mơ hồ.

Cuối cùng khi hoạt động có lợi thì các hãng bay họ mới làm, thì không có lý do gì nhà nước phải bù lỗ ban đầu để sau này họ có lợi, họ phải tự chịu lỗ ban đầu rồi lấy lãi về sau.

Phương án này đã không nghiên cứu kỹ tìm các biện pháp cho hiệu quả hơn, thứ nhất, phải xem khách đi từ ĐBSCL, về ĐBSCL từ Tân Sơn Nhất là bao nhiêu, Cục hàng không phải thống kê, bao nhiêu hành khách đi từ Tân Sơn Nhất là ĐBSCL, lượng khách đủ để mở chuyến bay từ Cần Thơ hay không. 

Thứ hai, hạn chế khách đi từ Tân Sơn Nhất thì mới có khách từ Cần Thơ đi, còn làm riêng Cần Thơ thì không giải quyết vấn đề gì".

Bên cạnh đó, theo ông Tống, bù giá cho khách đi xe bus còn hợp lý hơn khách đi máy bay, vì khách đi máy bay toàn là người có thu nhập cao, ngân sách có cần thiết hỗ trợ người thu nhập cao hay không?.

Mọi việc đều đang không rõ ràng, mơ hồ nếu cộng lại tiền hỗ trợ là con số khổng lồ, chắc chắn không khả thi.

"Phải làm sao phát triển sân bay Cần Thơ lên, việc đầu tư 2 đường băng ngay ban đầu dẫn đến bị lỗ thì phải chấp nhận, cần khai thác hiệu quả bằng cách mở chuyến bay, nghiên cứu nhu cầu, khảo sát khách đi Tân Sơn Nhất, về ĐBSCL là bao nhiêu, từ Tân Sơn Nhất đi Hồng Kông, Úc, Nhật Bản, Malaysia...gom lại xem đủ khách để chuyển sang Cần Thơ, thì giảm khách đi Tân Sơn Nhất, để có khách đi từ Cần Thơ.

Phải nghĩ ra các phương án ít tốn kém nhất, có khả thi trong tương lai. Chúng ta luôn luôn phải tính chi phí và lợi ích, tiền ngân sách nhà nước bỏ ra nhiều thì lợi ích thu lại được là gì, lợi ích là người đi được hưởng lợi giá vé, nhưng lâu dài khi không còn hỗ trợ thì có khách hay không?.

Video: Cận cảnh những sân bay dị nhất thế giới

Vậy có lợi gì cho Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, tiền nên để dành làm việc khác hiệu quả hơn.

Cục hàng không, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất có điều tra xem thử tỷ lệ hành khách đi qua Tân Sơn Nhất là từ ĐBSCL, vùng Đông Nam Bộ, các tỉnh lân cận Long An, Bình Dương...từ đó mới có giải pháp chung cho Tân Sơn Nhất giảm ùn tắc, quá tải sang cho Cần Thơ", ông Tống chỉ rõ.

Kinh doanh lỗ lãi là chuyện của doanh nghiệp

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này từ góc độ du lịch, PGS.TS Phạm Trung Lương - Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch lại cho rằng, việc khách du lịch không đến Cần Thơ nhiều không phải vì giá vé máy bay đến đó rẻ hay không rẻ, vấn đề là họ có sản phẩm gì để hưởng thụ.

Giải pháp căn cơ nhất là phải tập trung phát triển du lịch, kể cả sản phẩm, cơ sở vật chất kỹ thuật, là điểm đến hấp dẫn thì không cần phải trợ giá, họ đến không phải vì giá vé, mà đến không có gì để chơi, chủ yếu khách đến TPHCM rồi qua Cần Thơ chơi rồi lại về TPHCM.

"Còn chuyện kinh doanh lỗ lãi là chuyện của doanh nghiệp, ngân sách lấy sức đâu để chống trọi, còn muốn hút các hãng mở chuyến bay đến thì có gì để hút họ đến.

Còn ĐBSCL nói chung, Cần Thơ nói riêng năm này qua năm khác mãi mãi câu chuyện miệt vườn, mãi mãi sông nước, đi hoài thì cũng chán. Cần nhìn vào điểm mấu chốt để thay đổi, chứ không phải hỗ trợ kích cầu một vài đường bay rồi đâu lại vào đó", ông Lương nhấn mạnh.

(Nguồn: Báo Đất Việt)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn