Đến bao giờ Condotel mới được gỡ nút thắt?

Kinh tếThứ Bảy, 30/03/2019 07:59:00 +07:00

Pháp lý chưa rõ ràng được cho là nút thắt lớn nhất kìm hãm dòng vốn đầu tư vào loại hình condotel, officetel.

Việc hoãn thông qua dự án sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013 khiến nhiều chủ đầu tư cũng như nhà đầu tư tiếp tục thấp thỏm mong chờ.

Quá trình thực thi Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ những khoảng trống pháp lý trong mọi lĩnh vực liên quan đến đất đai như điểm nóng khiếu kiện, lợi ích nhóm trong các dự án BT, cơ chế tính giá đất, thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng…

Bên cạnh đó, rủi ro pháp lý rất lớn cho một loại hình bất động sản (BĐS) "con lai" condotel, officetel, khiến nguồn cung hiện đang dư thừa và khó khuyến khích các doanh nghiệp rót vốn vào đây.

Theo số liệu của Hiệp hội BĐS Việt Nam, cả nước đang dư thừa hơn 20.000 căn hộ condotel, officetel, tập trung ở một số tỉnh ven biển và thành phố lớn. Do tính pháp lý chưa rõ ràng, nên loại hình BĐS này ở một số tỉnh thành mở bán nhưng thanh khoản thấp.

condotel

 Condotel vẫn chưa được giải cứu.

Chị Ngọc Hà (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, năm 2017 chị đầu tư 4 căn condotel tại Nha Trang và Đà Nẵng, chủ đầu tư cam kết thuê lại 10%/năm. Tuy nhiên, chị lo ngại do dự án nơi chị đầu tư là "đất ở không thành đơn vị ở", có thời hạn 50 năm.

Theo một số chuyên gia BĐS, hiện nay Chính phủ chưa trình dự án sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013, điều này ít nhiều sẽ gây ra sự hụt hẫng, hoang mang cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Vấn đề hành lang pháp lý an toàn cho condotel, officetel có thể phát huy được tiềm năng cũng như lợi ích để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Hiện nay, việc thiếu hành lang pháp lý an toàn đã khiến không ít các nhà đầu tư bất an, nên ở phân khúc BĐS này đang thiếu sự hấp dẫn đối với khách hàng.

PGS.TS. Doãn Hồng Nhung - Đại học quốc gia Hà Nội, khẳng định việc tạm rút đề xuất sửa đổi Luật Đất đai 2013 để tiếp tục nghiên cứu, chuyển sang chương trình năm 2020 là bước đi hợp lý và thận trọng.

Theo một số chuyên gia BĐS, việc chưa trình dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2013 có phạm vi ảnh hưởng rất lớn nhưng hiện đang còn nhiều vấn đề phức tạp cần phải được rà soát, nghiên cứu kỹ càng hơn.

GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, cho rằng việc Chính phủ chưa trình Luật sửa đổi là do hiện nay Quốc hội đang có phiên giám sát về quy hoạch quản lý đất đai tại đô thị. Sau sự giám sát này, Quốc hội sẽ quyết định sửa, bởi quá trình giám sát sẽ phát hiện nhiều bất cập và cần sửa ngay.

Hiện tại, với tính pháp lý chưa rõ ràng, condotel và officetel sẽ rất khó kêu gọi các doanh nghiệp và các nhà đầu tư thứ cấp. Tuy nhiên, đã có một số tỉnh quy hoạch thành đất ở như Đà Nẵng, Quảng Ninh… Đây là cách "lách luật" để thu hút được đầu tư. Nhưng điều này sẽ gây ra một sự "bất công bằng" giữa các nhà đầu tư tại các tỉnh.

"Như vậy điều này nói lên một điều là sự công bằng về pháp luật không có, có sự bất bình đẳng của thực thi pháp luật, tạo ra sự phát triển không tốt cho thị trường BĐS nghỉ dưỡng", GS. Đặng Hũng Võ nói.

GS. Đặng Hũng Võ cũng nhấn mạnh cần có sự rõ ràng về luật pháp để các doanh nghiệp được kinh doanh công bằng, bình đẳng và để nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào condotel.

Một số chuyên gia đề xuất trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013, các địa phương có thể cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với "đất ở không hình thành đơn vị ở" đối với condotel. Đồng thời, khuyên các nhà đầu tư không nên bỏ lỡ cơ hội đầu tư này.

"Vấn đề sở hữu condotel hay những bất cập khác sớm muộn sẽ phải có những điều chỉnh phù hợp. Do vậy, các nhà đầu tư không nên ngần ngại mà để tuột mất những cơ hội vàng", PGS.TS. Doãn Hồng Nhung chia sẻ.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn